Bà Clinton tức giận vì bị buộc tội che đậy

Xuất hiện trước Ủy ban Quan hệ quốc tế của Thượng viện ngày 23/1, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã nổi giận vì bị cáo buộc che đậy thông tin về cuộc tấn công Lãnh sự quán Mỹ ở Libya hồi năm ngoái.

Trong phiên điều trần ngày hôm qua 23-1, bà Hillary Clinton một lần nữa “nhận hết trách nhiệm” về những sai sót của Bộ Ngoại giao trong vụ tấn công vào Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi ngày 11-9-2012, khiến đại sứ Mỹ Chris Stevens và ba người khác thiệt mạng.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Clinton tỏ ra bức xúc trước hàng loạt lời chất vấn của các nghị sĩ Đảng Cộng hòa về việc Bộ Ngoại giao cố tình giấu giếm vai trò của al-Qaeda trong vụ tấn công và đơn thuần cho rằng đây là cuộc biểu tình chống lại bộ phim nhạo báng đạo Hồi.

Rand Paul - thượng nghị sĩ bang Kentucky - chỉ trích bà Clinton đã bỏ qua những bức điện tín từ Lãnh sự quán Benghazi yêu cầu tăng cường an ninh tại đây. Theo ông Paul, đây là hành động “không thể tha thứ” và nếu làm tổng thống, ông sẽ sa thải bà Clinton.

Trong khi đó, thượng nghị sĩ John McCain tuyên bố thẳng thừng rằng những câu trả lời của bà Clinton là “không thỏa đáng”. Ông thắc mắc về việc tại sao 5 ngày sau vụ tấn công trên bà Susan Rice, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, vẫn còn mô tả đây là một cuộc "biểu tình” và cho đến nay dân chúng Mỹ vẫn chưa được biết “những thông tin cơ bản” về sự kiện.

Bà Clinton tức giận vì bị buộc tội che đậy - 1

Bà Hillary Clinton tức giận trước những lời chỉ trích từ các thành viên Đảng Cộng hòa - Ảnh: AP

“Có điểm gì khác biệt giữa cuộc biểu tình với việc một số người bỗng dưng muốn giết hại một vài người Mỹ? Nhiệm vụ của chúng ta bây giờ là tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra và cố gắng hết sức để tránh cho những sự cố như vậy có thể lặp lại” - bà Clinton giận dữ đập tay xuống bàn nói.

Ngoại trưởng cũng cho rằng cuộc đột kích tại Benghazi không phải là vụ việc riêng rẽ mà là một phần của cuộc nổi dậy - còn được biết dưới tên Mùa xuân Ả Rập - tại Bắc Phi.

Bà Clinton đồng thời nhấn mạnh rằng Bộ Ngoại giao không được chấp thuận mức ngân sách dành cho an ninh tại các đại sứ quán ở những khu vực có nguy cơ đe dọa cao. Cụ thể trong năm 2012, bộ chỉ có 340 triệu USD dành cho việc này, tức là ít hơn 90% so với mức đề xuất ban đầu của bộ.

Phiên điều trần ngày 23-1 cũng chứng kiến những giây phút xúc động nghẹn ngào của người đứng đầu Bộ Ngoại giao khi bà kể lại thời khắc phải đối mặt với gia đình các nạn nhân.

“Tôi đứng cạnh Tổng thống Obama khi lực lượng thủy quân lục chiến đưa những chiếc quan tài phủ quốc kỳ ra khỏi máy bay ở Andrews… Tôi đã ôm lấy những người cha, người mẹ, anh, chị, con trai, con gái và những người vợ bị bỏ lại của các nạn nhân", bà Clinton nói.

Theo AFP, phiên điều trần hôm qua diễn ra sau hai lần phải hoãn lại vì tình trạng sức khỏe không được ổn định của bà Clinton.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyên Phạm (Tuổi trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN