Ba chị em và căn lều trọ học

Mong ước được đi học cứ thôi thúc trong đầu, thế nên từ năm lớp 3, cô bé đã xin bố, mẹ cho ra “ở riêng” để được theo các thầy, cô giáo học cái chữ. Và rồi, không chỉ đi tìm chữ cho mình, cô bé còn thay cha, mẹ “cõng” thêm hai đứa em cùng đến lớp.

Chúng tôi đến thăm trường Tiểu học Trung Lý 2, xã Trung Lý huyện Mường Lát, Thanh Hóa, được nghe các thầy, cô giáo tại khu Tiểu học Cò Cài kể chuyện 3 chị em Ngân Thị Đòa dựng lều trọ học ở sau trường. Nghe chuyện về Đòa, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng về ý chí, nghị lực của một học sinh lớp 5, quyết tâm vượt khó để theo đuổi cái chữ. Đòa đã có “thâm niên” đi ở trọ từ khi vào lớp 1. Không chỉ lo cho bản thân mình, hàng ngày Đòa còn thay cha, mẹ “cõng” thêm hai đứa em cùng đến trường.

Căn lều ọp ẹp bằng tre, liếp nứa nằm chênh vênh trên đồi, sau khu Cò Cài, được cha, mẹ dựng cho 3 chị em ở để theo thầy học chữ. Thấy có người lạ ngó vào căn lều của mình, ban đầu cô bé có vẻ rụt rè, nhìn chúng tôi dò xét. Đến lúc nghe cô giáo Trịnh Kim Quế (giáo viên ở trường Cò Cài), giải thích: “Các bác này là nhà báo lên thăm trường và muốn lên thăm nơi ở của ba chị em con”, thì Đòa mới yên tâm. Nhờ sự mạnh dạn của cô bé, mà chúng tôi đã được nghe em kể về quãng thời gian vượt rừng, băng suối để đến trường theo học…

Ba chị em và căn lều trọ học - 1

Bữa cơm của ba chị em Ngân Thị Đòa trong lán trọ

Do hoàn cảnh gia đình quá nghèo, nhà ở cách điểm trường 5 cây số đường rừng, nên bố, mẹ không thể đưa chị em Đòa đến lớp hàng ngày được. Cách đây 5 năm, khi Đòa vào lớp 1, đã phải đi ở trọ để theo học. Nhà Đòa ở bản Chiềng, xã Trung Lý (nằm sát bờ sông Mã), nên bố, mẹ gửi Đòa sang xã Mường Lý (bên kia sông Mã) để ở trọ một nhà người quen. Đò giang cách trở, thi thoảng bố, mẹ mới vượt sông qua thăm và mang gạo cho con. Đến khi lên lớp 3, nguyện vọng của Đòa được về học ở khu Cò Cài, để bố mẹ không phải vượt sông sang nữa. Chiều theo ý con, bố vào bản Cò Cài, xin với nhà trường dựng một căn lều cho Đòa ở. Đòa kể: “Nhà con nghèo lắm, bố mẹ quanh năm đi làm nương, rẫy. Con là chị cả, nên mẹ bảo phải chịu khó học hành và dạy dỗ các em, để bố mẹ còn đi làm lấy ngô và thóc, gạo cho các con.

Cuộc sống của 3 chị em Đòa ở trong căn lều ọp ẹp bằng nứa ấy quả là khó khăn. Mùa đông đến, gió thổi ràn rạt suốt đêm lùa vào vách liếp, mấy chị em Đòa chung nhau một tấm chăn chưa đủ ấm. “Khi mùa đông đến, đêm Đòa phải đốt bếp than ở góc sàn của căn lều để lấy hơi lửa giữ ấm cho mình và hai đứa em. Nghĩ cũng tội lắm, thương lắm, nhưng ở đây ai cũng khó khăn cả, nên đành phải chịu thôi anh ạ!”- cô giáo Quế tâm sự.

Đòa cho hay, mỗi tháng, bố mẹ cấp cho 3 chị em từ 20.000 – 30.000 đồng để chi tiêu. Với ngần ấy tiền, Đòa chỉ có thể xuống bản mua muối, mì chính và ít vừng khô. Còn rau xanh, tự Đòa đi tìm hái ở ven suối hoặc tranh thủ lên rừng hái măng. Lúc nào hết gạo, Đòa lại xuyên rừng về nhà cõng. Mọi sinh hoạt của 2 đứa em (một đứa lớp 3, em út học mẫu giáo) đều do một tay Đòa lo toan. Hàng ngày, Đòa phải dậy từ lúc gà gáy để hâm cơm, vệ sinh cá nhân cho em út, rồi cho em ăn sáng và đưa đến lớp. Xong công việc, cô bé trở về lều lo việc hái măng, rau rừng, kiếm củi… rồi về đón em ở lớp học. Buổi chiều, khi tan học, trở về lều, Đòa lại làm những công việc như một người mẹ cho đến đêm. Đến khi hai đứa em đã vùi đầu vào chăn ngủ, lúc đó Đòa mới có thời gian học bài.

Những ước mơ dung dị

Ba chị em và căn lều trọ học - 2

Sau khi các em đã ngủ, Đòa mới tranh thủ học bài dưới ánh nến

Trong lúc tôi đang ngồi nghe cô bé Đòa kể chuyện cuộc sống của 3 chị em, thì đứa em út Ngân Thị Huyện (5 tuổi) đi chơi với các bạn ở dưới trường lò dò lên. Thấy người lạ, bé Huyện len lén đến cạnh người chị cả túm áo của chị giật giật, rồi nói với chị bằng tiếng Thái: “Noọng xếp toọng”. Khi tôi hỏi cô giáo Quế xem bé Huyện nói gì, thì mới hay bé Huyện kêu đói, đòi ăn cơm. Cả tôi và cô giáo Quế phải giục Đòa cho em ăn cơm, Đòa mới đồng ý dọn bữa. Mâm cơm tối của ba chị em Đòa nhanh chóng dọn ra ở một góc lều. Mà gọi là “mâm cơm”, chứ thực ra, chỉ có vẻn vẹn một đĩa muối vừng, một tô canh rau dớn và một rá cơm được nấu từ sáng để phần buổi tối.

Cô giáo Trịnh Kim Quế (chủ nhiệm lớp của Đòa), cho biết: “Cuộc sống khốn khó là vậy, nhưng từ khi ra “ở riêng” đến giờ, năm nào Đòa cũng đạt học sinh tiến tiến. Tuy khó khăn, nhưng tính Đòa khảng khái lắm. Nhiều hôm, các thầy, cô giáo trong trường muốn cho em út của Đòa cái bánh, hay miếng thức ăn ngon, thì mọi người phải nịnh mãi, Đòa mới đồng ý cho em nhận. Ở trường này, bản này những người lớn tuổi ai cũng phải khâm phục ý chí kiên cường của cô bé, vừa chăm học, lại siêng năng, cần cù và lễ phép lắm”- cô Quế tâm sự.

Ở khu Cò Cài không có điện lưới, không có sóng điện thoại, đường ô tô đang làm dở, nên chỉ đi bằng xe máy. Vì vậy, mọi giao thương với bên ngoài vô cùng khó khăn. Đối với Đòa, em chưa bao giờ được tiếp cận với chốn đô thành hay nơi phố thị. Nên khi được hỏi, ước mơ của mình sau này, Đòa phấn chấn hẳn lên: “Con chưa bao giờ được đi xa. Nhưng con nghe thầy, cô giáo kể nên con ước sau này sẽ được học lên đến lớp 12, rồi đi thi đại học, để về dạy chữ cho các em nhỏ ở bản con”. Vừa dứt lời, bỗng gương mặt Đòa chùng xuống, tỏ vẻ buồn rầu, rồi em thổ lộ: “Con chỉ lo bố, mẹ không có tiền nuôi con theo học thôi. Còn hai em gái của con nữa”. Nói xong, Đòa khóc. Đứa em út ngồi trong lòng Đòa cứ ngửa cổ lên nhìn chị gái ngơ ngác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Dương (An ninh thủ đô)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN