Ba câu hỏi bỏ ngỏ trong dự luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi

Sự kiện: Thời sự

Dự luật Bảo hiểm xã hội sắp được thông qua, nhưng còn nhiều câu hỏi như thay thế lương cơ sở thế nào, bỏ lương hưu tối thiểu có thể "kéo lùi an sinh"?

Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi bắt đầu lấy ý kiến từ tháng 3/2023, sau hơn một năm tiếp thu góp ý, bàn bạc, chỉnh lý, dự kiến được Quốc hội thông qua vào ngày 25/6. Song ba tuần trước ngày bấm nút biểu quyết, Quốc hội vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận, đề nghị làm rõ một số vấn đề.

Thay thế lương cơ sở thế nào?

Mức lương cơ sở - căn cứ để tính đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho lao động khu vực nhà nước cũng như nhiều chế độ khác sẽ không còn áp dụng từ ngày 1/7 sau cải cách tiền lương.

Chính phủ đề xuất dùng mức tham chiếu thay thế cho lương cơ sở để làm căn cứ tính đóng BHXH và các chế độ liên quan; đồng thời bổ sung điều khoản chuyển tiếp "Mức tham chiếu được tính bằng 1,8 triệu đồng từ ngày 1/7/2024. Tham chiếu được điều chỉnh theo quy định của Chính phủ trên cơ sở mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước và Quỹ Bảo hiểm xã hội".

Công chức Sở Tư pháp Hà Nội làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người dân, tháng 4/2023. Ảnh: Ngọc Thành

Công chức Sở Tư pháp Hà Nội làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người dân, tháng 4/2023. Ảnh: Ngọc Thành

Quy định mức tham chiếu khiến hàng loạt đại biểu băn khoăn về cách xây dựng, điều chỉnh thế nào. Tại phiên họp ngày 27/5, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (đoàn Lạng Sơn) đánh giá việc điều chỉnh mức tham chiếu với các tiêu chí tăng CPI, tình hình ngân sách còn rất chung chung. Chỉ số CPI không ổn định, biến động thất thường trong thời gian ngắn.

"Điều này có ảnh hưởng lớn đến mức đóng - hưởng của người lao động tại thời điểm trước và sau khi tăng lương hay không?", bà Thái băn khoăn, đề nghị Ban soạn thảo giải trình thêm để đại biểu yên tâm khi bấm nút thông qua.

Bà Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng tính đóng - hưởng chế độ BHXH cần căn cứ trên mức tiền lương cố định. Tham chiếu thay đổi liên tục sẽ khó áp dụng, hoặc xác định dự toán kế hoạch BHXH trung hạn.

Chính phủ cũng chưa làm rõ được nguyên tắc xác định và cách xây dựng mức tham chiếu này thế nào. Trong khi tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để tính mức hưởng được người lao động quan tâm trước tiên thì cơ sở tính toán chưa rõ ràng, gây khó khăn khi thực hiện.

Bỏ lương hưu tối thiểu sẽ 'kéo lùi an sinh'?

Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định mức lương hưu hàng tháng thấp nhất của lao động đóng BHXH bắt buộc sẽ bằng lương cơ sở, hiện hành 1,8 triệu đồng. Chính sách giúp nhiều người lương hưu thấp hưởng an sinh tốt hơn vì nếu dưới mức sàn sẽ được ngân sách hoặc Quỹ Bảo hiểm xã hội bù đắp.

Dự thảo luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi bỏ sàn lương hưu thấp nhất, bởi từ ngày 1/7 cải cách tiền lương không còn mức lương cơ sở. Lý giải điều này, Chính phủ cho biết mức lương hưu thấp nhất chỉ áp dụng với lao động đóng BHXH bắt buộc 20 năm. Trong khi dự thảo luật sửa đổi theo hướng giảm năm đóng từ 20 xuống 15 nhằm mở rộng hưu trí.

Theo Chính phủ, căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất sẽ bằng một nửa lương tối thiểu vùng cao nhất (dự kiến 4,96 triệu đồng từ ngày 1/7). Mức này nhằm phù hợp với khả năng tham gia của một số nhóm dự kiến đưa vào diện đóng bắt buộc như người làm việc không trọn thời gian, chủ hộ kinh doanh, quản lý HTX không hưởng lương. Nếu giữ mức lương hưu thấp nhất thì không phù hợp với hướng sửa đổi.

Kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng hệ thống hưu trí đa tầng thì tầng dưới cùng được coi là "lương hưu" thấp nhất. Theo dự luật, thấp nhất trong hệ thống này là tầng trợ cấp hưu trí xã hội, với mức đề xuất 500.000 đồng mỗi người một tháng.

Người cao tuổi mưu sinh trên đường phố Đà Nẵng, tháng 4/2024. Ảnh: Nguyễn Đông

Người cao tuổi mưu sinh trên đường phố Đà Nẵng, tháng 4/2024. Ảnh: Nguyễn Đông

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đánh giá tầng hưu trí thấp nhất với mức dự kiến 500.000 đồng là "kéo lùi tiến bộ an sinh xã hội". Bởi mức này chỉ bằng 33,3% chuẩn nghèo nông thôn, hiện là 1,5 triệu đồng và bằng 25% so với chuẩn nghèo thành thị 2 triệu đồng. "Như vậy, mức sàn an sinh xã hội tối thiểu này sẽ tụt dốc không phanh", bà Thúy lo ngại.

Cho rằng lương hưu tối thiểu có lợi cho dân, "không thể bỏ đi", đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ bổ sung quy định về lương hưu thấp nhất bằng mức tham chiếu thay cho lương cơ sở sau ngày 1/7. Mức tham chiếu này phải bằng hoặc cao hơn 1,8 triệu đồng mỗi tháng khoảng từ 8% đến 15% tùy tốc độ tăng lương mới sau cải cách, để không tạo khoảng cách quá xa giữa thu nhập của người đang làm việc với người nghỉ hưu. Giữ được mức sàn này sẽ bảo vệ an sinh cho nhóm lao động yếu thế, thu nhập thấp.

Xếp chủ hộ kinh doanh vào diện đóng bắt buộc hay tự nguyện?

Dự luật sửa đổi xếp nhóm chủ hộ kinh doanh có đăng ký; quản lý doanh nghiệp, điều hành HTX không hưởng lương vào diện đóng BHXH bắt buộc. Tỷ lệ tham gia của nhóm này là 25% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH (22% Hưu trí tử tuất, 3% Quỹ Ốm đau thai sản).

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) đánh giá tỷ lệ như trên đồng nghĩa nhóm này phải gánh hai vai vừa là lao động vừa là chủ sử dụng. Bà Thơ dẫn báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ cho biết không có số liệu chứng minh nhóm này có nhu cầu đóng BHXH bắt buộc hay không?

Nữ đại biểu đã tự khảo sát bằng phỏng vấn sâu chủ hộ kinh doanh có đăng ký, người điều hành HTX không hưởng lương. Kết quả 70% nói không muốn và không có nhu cầu tham gia, 30% còn lại trả lời không nên bắt buộc mà để họ tự nguyện.

Bà Thơ cho rằng ban soạn thảo cần lấy ý kiến các nhóm này để đảm bảo công bằng với nhóm bắt buộc khác, không vì mục tiêu mở rộng diện đóng mà bỏ qua nhu cầu, nguyện vọng của họ. Đồng thời, cần cân nhắc xem các nhóm này nên xếp vào diện đóng bắt buộc hay tự nguyện.

Tiểu thương chợ Hội An (Quảng Nam). Ảnh: Đắc Thành

Tiểu thương chợ Hội An (Quảng Nam). Ảnh: Đắc Thành

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) cũng không đồng tình xếp các nhóm trên vào diện đóng bắt buộc. Bởi nếu đưa họ vào, thực chất là "tự mình đóng cho mình" nên không thể gọi là bắt buộc. Các chế tài đi theo như nợ đóng, trốn đóng không có ý nghĩa. Nhiều quản lý HTX hiện là nông dân, đang đóng BHXH tự nguyện được ngân sách hỗ trợ. Nếu đưa vào diện đóng bắt buộc với quy định tuổi trên 55 với nữ và 57 với nam thì họ không đủ thời gian tham gia để hưởng hưu trí.

"Cần cân nhắc mở rộng đối tượng với chủ hộ kinh doanh có đăng ký và điều hành HTX không hưởng lương, chỉ nên bắt buộc nếu ngân sách hỗ trợ", ông Thịnh đề xuất.

Dự luật đưa vào quy định chuyển tiếp chủ hộ kinh doanh đã đóng BHXH trước ngày 1/7/2025 sẽ được hưởng các chế độ nhằm xử lý quyền lợi cho hơn 4.000 chủ hộ kinh doanh bị thu BHXH trái luật từ năm 2003 đến nay.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Ninh Bình) không đồng tình đưa nội dung này vào quy định chuyển tiếp vì không đúng nguyên tắc. Luật hiện hành không quy định chủ hộ kinh doanh thuộc diện đóng bắt buộc. Chính phủ cũng đang đề xuất biện pháp giải quyết quyền lợi cho nhóm chủ hộ này. Vì thế bà đề nghị nên gói gọn trong nghị quyết Quốc hội và không đưa vào luật sửa đổi.

"Nếu đưa vào dễ gây hiểu nhầm là Quốc hội đã luật hóa cho một việc làm sai", bà nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu nhiều phương án nhận BHXH 1 lần, nhưng không có phương án nào khác ngoài 2 phương án nêu trong dự luật.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Chiêu ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN