Ba anh em hơn 20 tuổi chưa có giấy khai sinh
UBND phường sẽ mời gia đình cùng Công an phường, Phòng Tư pháp TP Thủ Đức đến để xác định nhân thân, sau đó sẽ thực hiện cấp giấy khai sinh.
Đã hơn 20 tuổi nhưng chưa được cấp giấy khai sinh, không có giấy tờ tùy thân, không được học hành, không có một công việc ổn định. Đây là hoàn cảnh ba người con của bà Phạm Tuyết Trinh, ngụ tại 145/36 quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP.HCM.
Không làm giấy khai sinh vì nhà quá nghèo
Sau khi nhận được phản ánh của bà Phạm Tuyết Trinh gửi đến Pháp Luật TP.HCM, phóng viên đã tìm đến nhà bà Trinh để tìm hiểu sự việc.
Căn nhà gia đình bà đang ở được lợp lá, dựng bằng vài thân cây xiêu vẹo và chỉ rộng khoảng 10 m2 là nơi cư trú của năm người, bao gồm vợ chồng bà Trinh và ba người con.
Theo bà Trinh, căn nhà này vợ chồng bà được người thân cho ở từ mấy chục năm nay. Lý giải về việc tại sao ba người con của bà đã hơn 20 tuổi vẫn chưa được làm giấy khai sinh, bà Trinh cho biết: Năm 1992, bà và chồng quen nhau rồi dẫn nhau về nhà chồng ở chung, không đăng ký kết hôn.
Năm 1993, bà mang thai và sinh đứa con trai lớn tại nhà. Đến năm 2000 bà sinh tiếp con trai thứ hai, lần này bà sinh ở BV Nhân dân Gia Định và có giấy chứng sinh. Năm 2002, bà Trinh tiếp tục sinh con trai thứ ba, lần này bà lại sinh tại nhà.
Do hoàn cảnh gia đình quá nghèo, cả hai vợ chồng bà không biết chữ nên sau khi sinh ba đứa con, vợ chồng bà chỉ lo làm ăn để có tiền nuôi con và chữa bệnh tim cho con trai út, không nghĩ đến chuyện làm giấy khai sinh cho các con. Mãi đến năm 2012, nhiều người nói vợ chồng bà phải đăng ký kết hôn mới làm được giấy khai sinh cho ba đứa con.
Bà đăng ký kết hôn xong thì nghe thông tin nếu làm giấy khai sinh trễ hạn sẽ bị phạt. Cũng vì sợ không có tiền đóng phạt, bà Trinh lại ngưng làm hồ sơ làm giấy khai sinh cho các con. Sau đó có người quen đi làm thủ tục giùm nhưng hồ sơ lại bị vướng.
Căn nhà của gia đình bà Trinh. Ảnh: Nguyễn Hiền
“Việc chậm làm giấy khai sinh cho ba đứa con là lỗi của vợ chồng tôi, hoàn cảnh lúc sinh các con gia đình gặp quá nhiều khó khăn. Giờ tôi chỉ mong sao các cấp chính quyền giúp các con tôi có giấy khai sinh và được làm giấy tờ tùy thân để đi làm, có cuộc sống ổn định” - bà Trinh mong mỏi.
Khi được hỏi về cuộc sống hiện tại, em Trương Thanh Tùng, một người con của bà Trinh, cho biết: “Lúc còn nhỏ, em ao ước được đến trường đi học như những người bạn trong xóm nhưng vì không có giấy khai sinh nên em chỉ học được ba năm ở lớp học tình thương. Lớn lên, em cũng không có bất kỳ loại giấy tờ nào nên không thể xin được chỗ làm ổn định. Hiện em đang xin rửa chén cho quán ăn, làm 12 tiếng mỗi ngày và chỉ nhận được khoảng 100.000 đồng/ngày. Em rất mong muốn được làm giấy khai sinh để đi làm căn cước công dân. Có như vậy mới xin được việc làm ổn định, có thu nhập để phụ giúp ba mẹ”.
Sinh ra, lớn lên tại địa phương
Bà Nguyễn Thị Thanh Phương (tổ 2A, khu phố 1 phường Hiệp Bình Chánh), là người giúp ba người con của bà Trinh đi làm giấy khai sinh, cho biết nhà bà và nhà bà Trinh ở gần nhau. Trước đây, bà Phương là nữ hộ sinh tại trạm y tế phường. Hai đứa con của bà Trinh do bà Phương đỡ đẻ tại nhà. Hoàn cảnh của gia đình bà Trinh xóm này ai cũng biết, rất khó khăn và sự hiểu biết cũng hạn chế. Từ khi sinh đứa con trai thứ ba, gia đình bà Trinh càng khó khăn hơn bởi thằng bé bị bệnh tim bẩm sinh, làm bao nhiêu tiền cũng đều dùng chữa bệnh cho con.
“Tính đến nay đứa con lớn nhất của cô Trinh đã 29 tuổi và đứa nhỏ nhất cũng đã gần 20 tuổi. Vậy mà không đứa nào có lấy một giấy khai sinh chứ nói chi đến căn cước công dân và hộ khẩu” - bà Phương nói.
Ba người con của bà Trinh rất mong mỏi được có giấy khai sinh. Ảnh: MINH TÂM
Bà Phương kể: Tháng 11-2020, thấy gia cảnh bà Trinh khó khăn quá, bà đến liên hệ UBND phường để làm giấy khai sinh giúp cho ba anh em. Cán bộ tư pháp hướng dẫn ngoài những văn bản cam kết của vợ chồng bà Trinh, cam kết của những người làm chứng việc sinh ba đứa nhỏ thì phải có xét nghiệm ADN của cả gia đình để chứng minh quan hệ huyết thống. Khổ nỗi gia đình bà Trinh quá nghèo, không đủ tiền để làm xét nghiệm ADN.
“Đến tháng 12-2020, tôi có quay lại phường để tiếp tục trình bày hoàn cảnh gia đình cô Trinh. Lần này, cán bộ hộ tịch hướng dẫn không cần xét nghiệm ADN nữa, rồi hướng dẫn gia đình đến công an phường để làm xác nhận nhân thân.
Sau đó gia đình có đến công an phường xác nhận thì lại bị từ chối bởi trước giờ ba đứa nhỏ không có giấy khai sinh thì làm sao đăng ký tạm trú, thường trú để xác định nhân thân. Vì vậy nên việc làm giấy khai sinh cũng không thực hiện được” - bà Phương nói.
Phường sẽ thực hiện các bước để làm giấy khai sinh Về nguyên tắc, mọi trẻ em sinh ra đều có quyền được đăng ký khai sinh. Những trường hợp trẻ mới sinh hoặc trẻ còn nhỏ khi làm giấy khai sinh thì rất là dễ. Thế nhưng, những trường hợp đã trên 18 tuổi thì phải xác định nhân thân kỹ để tránh những trường hợp vi phạm pháp luật ở nơi khác rồi về địa phương làm lại nhân thân mới. Ba người con của bà Trinh đều đã trên 18 tuổi. Khi tiếp nhận hồ sơ, phường phải xin ý kiến phòng tư pháp để được hướng dẫn cụ thể. Đồng thời, phường cần phải có thời gian xác nhận kỹ nhân thân của ba người này. Hiện nay, phía công an phường đã gửi văn bản xác nhận ba người này có cư ngụ tại địa phương. Vì thế, sắp tới phường sẽ tổ chức buổi tiếp xúc mời cả gia đình bà Trinh đến cùng với công an phường, phòng tư pháp để xác định nhân thân ba người con của bà Trinh một lần nữa. Sau đó, phường sẽ gửi văn bản về địa phương mà trước đây bà Trinh cư trú để xác định ba đứa con của bà chưa đăng ký giấy khai sinh ở đó. Sau khi làm tất cả thủ tục xong, phường sẽ tiến hành cấp giấy khai sinh cho ba người con của bà Trinh. Ông PHAN THÀNH PHÚC, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP.HCM |
Vừa mới được cấp giấy khai sinh sau 30 năm sinh sống ở Hà Nội, anh Dũng vẫn còn một nguyện vọng mong chính quyền các...
Nguồn: [Link nguồn]