Ký ức cơn bão làm trăm người chết hiện về khi áp thấp nhiệt đới hướng vào Nam Trung Bộ
Áp thấp nhiệt đới đang hướng vào Nam Trung Bộ được dự báo sẽ mạnh lên thành bão, kết hợp với nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm nên cần đặc biệt lưu ý.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường họp chỉ đạo ứng phó với áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão.
Sáng nay 29/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp triển khai công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) gần biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão.
Báo cáo tại cuộc họp, Tiến sĩ Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho hay, đến sáng nay (29/10), áp thấp nhiệt đới đang bắt đầu mạnh lên. Dự báo, khoảng chiều tối ngày 30/10, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão ảnh hưởng tới khu vực Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Khu vực tâm bão đổ bộ được nhận định là Nam Trung Bộ. Trong đó, các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên cần hết sức đề phòng để không lặp lại “thảm kịch” đã từng xảy ra vào đầu tháng 11/2017.
Trước đó, sáng sớm ngày 4/11/2017, cơn bão có tên quốc tế có tên Damrey (con voi), cơn bão thứ 12 trong năm 2017 đã đổ bộ vào tỉnh Khánh Hòa, gây thiệt hại kinh hoàng trên cả dải rộng tại Nam Trung Bộ. Hậu quả, 142 người chết và mất tích, hàng ngàn lồng bè nuôi tôm hùm, hải sản bị thiệt hại cùng nhiều hư hỏng khác...
“Cơn bão ngày mai có đặc điểm là sẽ đột ngột mạnh lên khi vào gần bờ và có đường đi, vị trí đổ bộ gần giống với cơn bão Damrey năm 2017”, ông Khiêm cảnh báo.
Ông Khiêm cũng nhận định, điều đáng lo ngại nhất của cơn bão sắp đổ bộ là sẽ gây ra mưa rất lớn tại miền Trung, gần giống đợt mưa gây lũ lụt năm 1999. Đợt 1 sẽ gây mưa trên dải rộng từ Nam Trung bộ, Tây Nguyên đến Huế, nhưng đợt 2 sẽ mở rộng ra cả Bắc Trung bộ và Bắc bộ do tương tác của không khí lạnh với hoàn lưu phía Bắc cơn bão.
Tiến sĩ Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.
Phát biểu tại cuộc họp Bộ trưởng- Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo TW về PCTT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, đây là cơn áp thấp nhiệt đới có khả năng hình thành bão, với tính chất rất phức tạp, nguy hiểm do tác động của dải hội tụ nhiệt đới, không khí lạnh.
Từ thực tế trên, các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến của áp thấp nhiệt đới/bão đồng thời chủ động các phương án ứng phó, đảm bảo an toàn về người và tài sản.
“Áp thấp nhiệt đới/bão sẽ gây mưa lớn đặc biệt là khu vực miền Trung và Tây Nguyên, chính vì vậy các khu vực trên cần phải hết sức chủ động trong công tác phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Đặc biệt chú ý hệ thống hồ thuỷ điện, thuỷ lợi đảm bảo an toàn cho sản xuất và các hoạt động khác.
Các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân và cộng đồng trong việc chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại”, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.
Vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Ảnh Trung tâm Dự báo KTTVQG.
Tổng cục trưởng, Tổng cục phòng chống thiên tai, Phó Trưởng ban Chỉ đạo TW về PCTT ông Trần Quang Hoài đề nghị, hiện còn 741 tàu đang ở khu vực nguy hiểm, do vậy các lực lượng chức năng cần phối hợp thông tin, hướng dẫn cho chủ tàu và các phương tiện tránh trú, vào bờ an toàn. Bên cạnh đó, căn cứ vào tình hình thực tế để ban hành lệnh cấm biển tại các địa phương.
Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông khả năng mạnh thành bão trong 24h tới và đang hướng vào đất liền các tỉnh từ Phú...