Áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 xuất hiện trên Biển Đông
Vùng áp thấp ở phía bắc Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới với sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8.
Vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. Ảnh Trung tâm Dự báo KTTVTƯ.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, sáng sớm nay (13/10), vùng áp thấp ở phía Bắc Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên khu vực biển thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Hồi 4 giờ sáng, tâm áp thấp nhiệt đới còn cách bờ biển Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 430km về phía đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7-8.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20km.
Đến 4 giờ ngày 14/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên vùng biên giới Việt Nam-Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7-8.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển quần đảo Hoàng Sa, vịnh Bắc Bộ và vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; biển động. Từ chiều tối nay vùng ven biển các tỉnh Hà Tĩnh đến Quảng Nam có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8.
Ngoài ra, do hoạt động của gió mùa tây nam nên khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận - Cà Mau, Cà Mau - Kiên Giang và vịnh Thái Lan tiếp tục có mưa dông mạnh. Sóng biển cao từ 2-3 mét; biển động.
Do ảnh hưởng kết hợp của áp thấp nhiệt đới, gió mùa đông bắc và nhiễu động gió đông trên cao nên từ nay đến hết ngày 15/10 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to (trên 200mm/cả đợt, riêng khu vực Nam Nghệ An-Huế khoảng 300-500mm).
Khu vực nam Tây Nguyên và Nam Bộ trong 2-3 ngày tới tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông.
Do mưa lớn, từ ngày 13/10 đến ngày 15/10 trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi sẽ xuất hiện lũ. Trong đợt lũ này, mực nước trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và sông La (Hà Tĩnh) phổ biến lên mức báo động (BĐ)1-BĐ2; riêng sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố (Hà Tĩnh) và các sông ở Quảng Bình có khả năng lên mức BĐ2-BĐ3.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ; sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng trũng, ven sông ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.