Áp thấp nhiệt đới không mạnh thành bão, miền Trung vẫn hứng mưa lớn
Mặc dù không mạnh lên thành bão nhưng áp thấp nhiệt đới vẫn gây mưa to đến rất to cho các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.
Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của áp thấp nhiệt đới, Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTVQG.
Áp thấp nhiệt đới sẽ không mạnh lên thành bão
Sáng nay, 26/10, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức cuộc họp trực tuyến với 9 tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên và các Bộ ngành để ứng phó với áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa lũ khu vực miền Trung. Chủ trì cuộc họp có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Trưởng ban, ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho hay, hồi 10 giờ sáng nay (26/10), áp thấp nhiệt đới đang cách Khánh Hòa khoảng 270km, cách Ninh Thuận khoảng 250km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km vào vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận. Sau đó, áp thấp nhiệt đới đi vào đất liền khu vực trên rồi suy yếu dần thành một vùng áp thấp.
Ông Khiêm nhận định, áp thấp nhiệt đới không còn khả năng mạnh lên thành bão do chịu sự tác động của không khí lạnh, càng vào gần bờ thì áp thấp nhiệt đới càng giảm cấp và suy yếu dần.
Dù không mạnh thành bão nhưng từ hôm nay (26/10) đến hết ngày 27/10, áp thấp nhiệt đới vẫn gây mưa to đến rất to ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.
Cụ thể, từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Bình Thuận, Bắc Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 200mm; Từ Bình Định đến Ninh Thuận và Nam Tây Nguyên mưa 150-250mm, có nơi trên 300mm.
Từ ngày 27-30/10, khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to do ảnh hưởng của không khí lạnh và nhiễu động gió Đông.
Không được chủ quan trước mưa lũ
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp – Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, áp thấp nhiệt đới không mạnh lên thành bão và theo dự báo, chiều tối 26/10 sẽ tác động trực tiếp đến 3 tỉnh từ Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên. Do đó, các địa phương này cần phải quan tâm đảm bảo an toàn lao động trên các lồng bè, tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra như đợt mưa bão trước.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Mặc dù, dự báo áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào bờ với cường độ không lớn, tuy nhiên tình hình mưa lũ vẫn còn diễn biến rất phức tạp, các địa phương không được chủ quan.
“Đợt mưa tại khu vực này không lớn như đợt mưa ngày 25/10 nhưng xảy ra trên diện rộng. Ngoài ra, mưa đợt 2 diễn ra từ nay đến chiều 28/10, đợt 3 từ ngày 27/10 đến ngày 29/10 kéo dài đến Bắc Trung Bộ. Nguy cơ sạt lở ở khu vực miền núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp, vì vậy, đề nghị các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi tiếp tục động viên, hỗ trợ bà con ổn định tâm lý, nhất là sau nhiều lần di dời, tránh trú thiên tai.
Bên cạnh đó, Ninh Thuận, Phú Yên tận dụng xem xét tích nước cho mùa khô hạn sắp tới, nhất là nguy cơ hạn hán xảy ra ngay sau Tết”, Thứ trưởng Hiệp thông tin.
Đối với khu vực miền núi, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, khu vực Nam Tây Nguyên… quan tâm vấn đề sạt lở đất, nhất là khu vực đã có cảnh báo. Trong 3 ngày tới, địa phương cần bố trí người, lực lượng để ứng trực nhất là thời điểm ban đêm để báo động, thông tin kịp thời tới người dân, đảm bảo an toàn tính mạng.
Đối với công tác đảm bảo an toàn giao thông, Thứ trưởng Hiệp lưu ý các địa phương đảm bảo lực lượng ứng trực để đảm bảo “thông đường nhanh nhất có thể” nhằm khắc phục hậu quả bão lũ và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Các địa phương chủ động tổng hợp, báo cáo thiệt hại để báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thẩm quyền để điều tiết ngân sách hỗ trợ địa phương theo quy định.
Áp thấp nhiệt đới đã tăng cấp so với 24h trước đó, gió giật cấp 9 hướng vào các tỉnh Nam Trung Bộ gây mưa lớn cho...
Nguồn: [Link nguồn]