Áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh thêm, Thủ tướng chỉ đạo ứng phó khẩn cấp
Áp thấp nhiệt đới gió giật cấp 8 được dự báo sẽ còn mạnh thêm hướng vào các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận, gây một đợt mưa lớn ở Trung Bộ.
Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTVQG.
Áp thấp nhiệt đới hướng vào Khánh Hòa đến Bình Thuận
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 19 giờ tối nay (25/10), áp thấp nhiệt đới đang cách Khánh Hòa khoảng 360km, cách Ninh Thuận khoảng 340km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 80km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh thêm.
Đến 19 giờ ngày 26/10, áp thấp nhiệt đới ở trên vùng biển các tỉnh Khánh Hòa-Ninh Thuận. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, đi vào khu vực từ Khánh Hòa đến Bình Thuận và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực phía Nam Tây Nguyên.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trên vùng biển phía Tây khu vực giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9; sóng biển cao từ 2-4m, biển động rất mạnh; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao từ 2-4m, biển động.
Từ ngày mai (26/10), vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9; sóng biển cao từ 2-4m, biển động
Trên đất liền, từ ngày mai (26/10) đến hết ngày 27/10, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có mưa to đến rất to. Trong đó, từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Bình Thuận, Bắc Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ: 100-200mm, có nơi trên 200mm; Từ Bình Định đến Ninh Thuận và Nam Tây Nguyên 150-250mm, có nơi trên 300mm.
Đặc biệt, từ ngày 27-30/10, khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to do ảnh hưởng của không khí lạnh và nhiễu động gió Đông.
Mưa lũ diễn ra nhiều ngày qua gây thiệt hại nặng cho một số tỉnh miền Trung. Ảnh NLĐ.
Thủ tướng chỉ đạo ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ
Chiều nay (25/10), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện hỏa tốc yêu cầu các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và tài sản, đồng thời khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ.
Công điện nêu rõ, những ngày qua, mưa lũ đã liên tiếp xảy ra tại các tỉnh miền Trung, đặc biệt từ ngày 22-24/10, tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đã có mưa rất lớn (có nơi gần 1.000mm trong 3 ngày); lũ trên các sông lên nhanh, ngập lụt, sạt lở đất gây chia cắt cục bộ một số khu vực.
Bên cạnh đó, hiện nay, lũ một số sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi còn đang ở mức cao, một số khu vực vẫn xảy ra ngập lụt; đồng thời áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đang di chuyển về phía đất liền nước ta, theo dự báo có khả năng mạnh lên thành bão, gây gió mạnh trên biển, ven biển từ Quảng Trị đến Bình Thuận và tiếp tục gây mưa lớn tại khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên.
Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên khẩn trương rà soát, triển khai công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới, trong đó tập trung hướng dẫn bảo đảm an toàn cho tàu thuyền hoạt động trên biển, ven biển.
Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thừa Thiên Huế tập trung khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ: tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, cứu trợ lương thực cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, khắc phục nhanh các tuyến giao thông, hồ đập bị sự cố, xử lý bảo đảm vệ sinh môi trường sau khi lũ rút….
Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ địa phương triển khai công tác ứng phó và khắc phục hậu quả áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ theo đề nghị của địa phương.
Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành khác có liên quan theo chức năng và nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập, bảo vệ sản xuất, hệ thống điện, giao thông, kịp thời hỗ trợ địa phương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ.
Nguồn: [Link nguồn]
Áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh thành bão số 9 gây mưa lớn ở Trung Bộ, ngay sau đó, một đợt mưa khác lại trút xuống...