Áp thấp nhiệt đới đã đi vào Biển Đông, khả năng mạnh lên thành bão
Áp thấp nhiệt đới đã vượt qua miền Trung Philippines và đi vào Biển Đông, khả năng mạnh thành bão trong 24 giờ tới.
Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Ảnh Trung tâm Dự báo KTTVQG.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều tối nay (15/9), áp thấp nhiệt đới đã đi vào vùng biển phía Đông của khu vực giữa Biển Đông.
Hồi 17 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 119,9 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh lên thành bão, cơn bão số 5 năm 2020.
Đến 17 giờ ngày 16/9, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 700km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão nên vùng biển phía Đông của khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10. Biển động mạnh.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm.
Đến 17 giờ ngày 17/9, vị trí tâm bão ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200km về phía Nam Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và tiếp tục có khả năng mạnh thêm.
Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới/bão, ngày 15/9, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Uỷ ban Quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các bộ ngành, địa phương từ Thanh Hoá đến Bình Thuận chủ động ứng phó, theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ, thông báo cho tàu thuyền biển biết vị trí, hướng di chuyển để chủ động phòng tránh.
Đối với vùng đồng bằng và ven biển, chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn các khu nuôi trồng thủy sản ven biển, các tuyến đê biển xung yếu hoặc đang thi công. Rà soát, sẵn sàng tiêu úng khu vực trũng thấp, khu đô thị, khu công nghiệp, sản xuất nông nghiệp.
Đối với khu vực vùng núi, cần kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn; chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
Bên cạnh đó, cần kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Ban chỉ đạo cũng lưu ý, các bộ ngành, địa phương rà soát, cập nhật, bổ sung phương án ứng phó cho phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể tại địa phương, đảm bảo an toàn chống dịch COVID-19.
Một áp thấp nhiệt đới đã hình thành và khả năng đi vào Biển Đông rồi mạnh lên thành bão trong vài ngày tới.
Nguồn: [Link nguồn]