Ảnh: Vải thiều nhuộm đỏ quốc lộ trên xứ vải Lục Ngạn
Mùa vải chín, những chiếc xe máy chở hàng tạ vải thiều nối đuôi nhau, "nhuộm đỏ" Quốc lộ 31 đoạn qua thị trấn Chũ (Lục Ngạn, Bắc Giang).
Cứ vào tháng 6 hằng năm, người dân huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) lại tất bật vào mùa thu hoạch vải thiều chín. Năm nay, dù sản lượng vải trên toàn tỉnh chỉ đạt khoảng 70%, thế nhưng người nông dân vẫn hi vọng giá vải sẽ tăng so với năm ngoái.
Ngay từ 3 giờ sáng, cả gia đình bà Trương Thị Bảy đã cùng nhau ra vườn thu hoạch vải, chuẩn bị cho phiên chợ. Bà Bảy cho biết: “Mỗi năm chỉ có một vụ nên thời gian này cả gia đình ai cũng cố gắng dậy sớm thu hoạch vải để còn kịp đem bán cho thương lái ngoài thị trấn”.
Không ở nhà bà Bảy mà khắp mọi nẻo đường, ngõ xóm của huyện Lục Ngạn những ngày này, đâu đâu cũng tấp nập cảnh người chở vải về các điểm thu mua. Không khí buôn bán sôi động dọc Quốc lộ 31, đoạn qua thị trấn Chũ (Lục Ngạn, Bắc Giang).
Anh Hoài (nông dân trồng vải) chia sẻ: “Thời điểm này mọi năm là vào chính vụ thu hoạch vải, nhưng năm nay nói chung là vải mất mùa, giá cả tăng hơn năm ngoái một chút nhưng dao động tùy từng ngày chứ không cố định”.
“Vải ở Lục Ngạn hiện nay chủ yếu được thương lái ở miền Nam thu mua. Cũng có thương lái Trung Quốc về mua vải nhưng chưa nhiều bằng mọi năm”, anh Hoài cho biết thêm.
Vải khi mang ra chợ sẽ được các thương lái xem xét kỹ lưỡng và trả giá, nếu người bán đồng ý thì sẽ nhận phiếu tính tiền và chở vào điểm cân thu mua vải.
Khảo sát nhanh của PV tại chợ vải Lục Ngạn, vải loại ngon, quả to chín đều, bụng dài có giá từ 20 – 25 nghìn đồng/kg. Vải loại thường, quả to nhưng không đều hoặc chưa chín cây có giá từ 17 – 20 nghìn đồng/kg. Loại vải quả nhỏ, rụng cây có giá dao động từ 5 – 7 nghìn/kg, loại này các thương lái thu mua để đem về các tỉnh bán lẻ hoặc làm vải sấy khô.
Những sọt vải chín nhuộm đỏ rực cả tuyến đường quốc lộ dài hàng km.
Sau đợt cao điểm thu hoạch sớm, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) bắt đầu bước vào chính vụ. Năm nay, sản lượng toàn tỉnh chỉ đạt khoảng 70% so với năm ngoái, nhưng bù lại người dân trồng vải lại hồ hởi vì được giá.