Ảnh: Ruộng nứt toác, mặn chát, lòng dạ như bị xát muối
Hàng ngàn nông dân ở các tỉnh miền Tây rơi vào trắng tay, vỡ nợ khi lúa và hoa màu bị chết cháy do nhiễm mặn và hạn hán.
Nông dân miền Tây trắng tay vì hạn hán và nhiễm mặn.
Ghi nhận của PV vào chiều 15.3 trên các cánh đồng lúa ở Bến Tre đều cháy do hạn hán và xâm nhập mặn. Tại huyện Ba Tri, trên cánh đồng rộng hàng chục mẫu, nông dân tất tả thu hoạch nhưng không phải thu hoạch lúa mà cắt rạ về cho bò ăn.
Nông dân Phan Ngọc Trận (xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) đứng trên bờ nhìn về đám ruộng cháy khô nói như khóc: “Thua rồi chú ơi, trắng tay rồi. 6 mẫu ruộng đầu tư biết bao công sức, tiền bạc nhưng lúa trổ bị lép hạt. Không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ”.
Kế bên đám ruộng ông Trận, 6 phụ nữ đang khom lưng giữa trưa nắng để mót lúa. Chị Nguyễn Thị Nhung nói: “Giờ chẳng lẽ để như thế này. Thôi được hạt nào hay hạt đó, cắt lấy rơm về cho bò. Kỳ này thất thu dữ quá. Chắc sắp tới tôi phải thế chấp sổ đổ để vay ngân hàng trả nợ chứ cả mấy mẫu ruộng nhưng giờ lúa không thu được bao nhiêu. Mang rơm về cho bò, bò cũng chê vì rơm nhiễm mặn”.
Do nhiễm mặn nên lúa bị cháy và chết khô.
Tình cảnh của ông Trận, chị Nhung cũng giống như nhiều hộ khác trồng lúa ở Bến Tre. Không khí buồn tẻ, ảm đạm như vây bủa khắp các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú. Nhiều nhà cửa đóng then cài, ngoài đồng lúa, cây ăn trái chết khô vì hạn, mặn.
“Mỗi lần ra đồng nhìn mấy mẫu ruộng cháy đỏ, chân bước đi không nổi. Ở ngoài đồng thì não lòng, về nhà thì phải chạy cả xóm để tìm nước ngọt uống. Nhà đã chuẩn bị cả chục cái lu, hồ chứa bằng xi măng chứa nước mưa nhưng đợt này khí hậu khắc nghiệt quá nên cũng không còn nước. Mỗi một mét khối nước được mua với giá cao ngất ngưởng nhưng không mua thì lấy nước đâu mà dùng”, ông Nguyễn Văn Thêm (huyện Ba Tri, Bến Tre) lo lắng.
Tại huyện Trần Đề, Kế Sách tỉnh Sóc Trăng, nông dân cũng đứng ngồi không yên khi lúa bị nhiễm mặn không trổ bông, thủy sản chết hàng loạt do nước nhiễm mặn, người dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
“Dòng họ nhà tui làm ruộng mấy chục năm nay chưa từng thấy năm nào thời tiết khắc nghiệt như bây giờ. Mấy tháng trời không một giọt mưa, nước mặn thì vô sâu trong ruộng, lúa chết bạt ngàn cả cánh đồng”, lão nông gần 70 tuổi Nguyễn Văn Tư ở huyện Long Phú, Sóc Trăng nói.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương dự báo, với hiện tượng El Nino hoạt động mạnh, mùa hạn có thể kéo dài đến tháng 7-8 tới và dẫn đến nhiều hệ lụy cho sản xuất nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại huyện Giồng Trôm, Ba Tri, Bình Đại, lúa bị nhiễm mặn không chết, vẫn trổ bông nhưng lép hạt.
Nông dân cắt mót về cho bò, vịt ăn.
Tuy nhiên do rơm, rạ cũng bị nhiễm mặn nên bò cũng chê. Nhiều người lâm vào cảnh trắng tay vì mất mùa.
Đất ruộng nứt nẻ, nông dân đành bỏ không vì thiếu nước.
Nông dân Phan Ngọc Trận (xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) đứng trên bờ nhìn về đám ruộng cháy khô nói như khóc: “Thua rồi chú ơi, trắng tay rồi. 6 mẫu ruộng đầu tư biết bao công sức, tiền bạc nhưng lúa trổ bị lép hạt. Không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ”.
Ngoài đồng lúa mất mùa, về nhà nông dân miền Tây khổ sở vì không có nước ngọt sinh hoạt.
Nhiều nhà dân có cả chục lu, hồ chứa bằng xi măng chứa nước mưa nhưng do đợt hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài nên nước mưa dự trữ cũng đã hết.
Cụ bà ở xã An Hiệp, huyện Ba Tri, Bến Tre cho biết nhà còn đúng một lu nước mưa hứng từ tháng 10 năm ngoái đến giờ để dành uống. Còn giặt giũ, tắm rửa, nấu ăn phải mua nước ngọt bên ngoài với giá cao.
Mỗi mét khối nước ngọt được bán với giá từ 40.000đ-90.000đ tùy theo quãng đường di chuyển.
Tỉnh Bến Tre là tỉnh có số lượng đàn bò lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long nhưng nhiều người phải bán đổ bán tháo vì không có rơm cho bò ăn. Trong khi đó, rơm nhiễm mặn mang về bị bò chê. Theo nhiều nông dân, đợt hạn hán này khiến họ lâm vào cảnh nợ nần, phải cầm sổ đỏ để trả nợ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong đầu tháng 3, có khoảng 139.000ha lúa Đông Xuân ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại từ 30-70% do hạn hán, xâm nhập mặn. Tại tỉnh Cà Mau đến nay đã có 50.000ha lúa Đông Xuân bị thiệt hại; trong đó, thiệt hại từ 70% chiếm hơn 27.000ha và đều tập trung tại huyện Trần Văn Thời. Tại tỉnh Bạc Liêu, nước mặn xâm nhập sâu và hạn kéo dài đã gây thiệt hại gần 11.000ha nuôi tôm quảng canh cải tiến và 12.000ha lúa Đông Xuân. Tương tự ở tỉnh Trà Vinh, nước mặn đã bao vây toàn bộ tỉnh như hiện nay. Tất cả hệ thống cống được đóng kín để bảo vệ lúa nhưng có gần 1.000 ha bị mất trắng và thiệt hại từ 30 đến 70%. Tại Sóc Trăng, đã có 6/11 huyện, thị xã của tỉnh bị mặn xâm nhập, độ mặn cao nhất hơn 10‰. Hơn 10.000 ha lúa của tỉnh đã bị ảnh hưởng hạn, mặn trong đó có hơn 900ha bị mất trắng. Trong khi đó, tỉnh Bến Tre xuống giống 14.759ha, đến nay đã thiệt hại hơn 13.845ha do hạn, mặn. |