Ảnh: Người dân nghẹn ngào viếng Đại tướng
Dòng người xếp hàng như kéo dài vô tận, trong trật tự, không khí trang nghiêm, từng người một vào viếng Đại tướng với tấm lòng thành kính.
Tại Hà Nội. Dòng người xếp hàng chờ vào viếng Đại Tướng tại số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) ngày càng đông hơn.
Dòng người đổ về viếng Đại tướng mỗi lúc một kéo dài
Khuôn mặt rầu rĩ, ông Trần Văn Thường 64 tuổi, ở Tam Dương Vĩnh Phúc cho biết, ông bắt xe xuống Hà Nội từ 6h sáng.
“Khi biết tin Đại tướng ra đi vào ngày 5/10, chân tay tôi như rụng rời. Cả cuộc đời tôi đã ước gặp bác một lần nhưng đến hôm nay thì tôi không còn cơ hội. Đại tướng mất tôi muốn xuống Hà Nội một lần để được vào viếng Đại tướng để tỏ lòng thành kính”, ông Thường nói.
Ông Trần Văn Thường (người đi đầu) 64 tuổi, ở Tam Dương Vĩnh Phúc cho biết, ông bắt xe xuống Hà Nội từ 6h sáng. Ông Thường xúc động khi mình là một trong nhiều người dân được vào viếng Đại tướng.
Giọt nước mắt tiếc thương vị tướng tài ba của dân tộc
Ông Thường cho hay, ông khâm phục tài cầm quân của Đại tướng qua các trận đánh lịch sử. Đặc biệt là trận đánh Điện Biên Phủ. “Trong mọi trận đánh, Đại tướng không chỉ giỏi về tài cầm quân mà người còn rất nhân hậu, quan tâm đến các chiến sĩ. Giờ Đại tướng mất đi, đó là tổn thất lớn đối với đất nước”, ông Thường nghẹn ngào nói.
Năm 1968, ông Thường là chiến sĩ tham gia chiến trường Thừa Thiên Huế. Dù chưa được gặp Đại tướng một lần nhưng ông Thường luôn ngưỡng mộ và khâm phục tài năng, đức độ của người.
Bà Trần Thị Luận, 84 tuổi (ở Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội) không kìm được nước mắt khi vào viếng Đại tướng. Bà cho biết: “Năm 16 tuổi, tôi là thanh niên xung phong ở Điện Biên Phủ. Khi chúng tôi đang đào hầm thì Đại tướng đến động viên. Hình ảnh đó khiến chúng tôi xúc động đến mãi bây giờ”.
Đến viếng, cô Lê Thị Kim Loan (Hà Đông - Hà Nội) mang theo đôi câu đối ca ngợi tấm gương đạo đức của Đại tướng. Có bố mẹ từng hoạt động cách mạng cùng Đại tướng, từ khi còn nhỏ, cô Loan được nghe kể rất nhiều câu chuyện xúc động về Đại tướng.
Ông Ruydico Zinsen (Quốc tịch Đức) bước từng bước khó khăn đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bà Zinsen cho biết, chồng mình từng được nghe đến danh tiếng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ những năm 1959, khi ông còn là một thiếu niên. Được biết, ông Ruydico đã tới nhà riêng của Đại tướng để viếng hôm 9/10 và hôm nay vẫn muốn đến một lần nữa để tiễn biệt.
Vợ ông Zinsen cho biết: "Chồng tôi biết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lâu, nghe được nhiều câu chuyện về tài năng và đạo đức nên rất kính trọng, ngưỡng mộ".
Một em nhỏ mang theo ảnh Đại tướng đến lễ viếng
Trong khi đó, tại nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở số 30 Hoàng Diệu, mặc dù đã hết 3 ngày viếng, người dân vẫn đến trước cổng xin được vào viếng và thắp hương. Đã có rất nhiều người không kìm nổi cảm xúc và bật khóc ngay khi nhìn vào sân. Không được vào, nhiều người dân đã xin gửi hoa vào và cầu nguyện từ xa.
\
Không được vào, nhiều người dân đã xin gửi hoa vào và cầu nguyện từ xa
Mặc dù đã hết 3 ngày viếng, người dân vẫn đến trước cổng xin được vào viếng và thắp hương
Tại Quảng Bình, sau cơn mưa, trời Quảng Bình nắng gắt, nhưng dòng người dài xếp hàng như quên đi cái nắng miền Trung, chờ viếng người con ưu tú của quê hương.
Người dân Quảng Bình xếp hàng vào viếng người con ưu tú của quê hương
Lệ nhỏ xuống trước nỗi mất mát quá lớn của dân tộc
Cụ Quế Thị Nhung 79 tuổi, ở xã Yên Thành, tỉnh Nghệ An đến Quảng Bình từ 3h sáng
Cụ cảm động khi được một sinh viên mời một hộp sữa
Cụ tâm sự, trong đời có 3 người cụ cảm phục nhất là Bác Hồ, Bác Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp. Đến hôm nay, người cuối cùng trong số 3 người ấy đã ra đi. Vừa nói mắt bà nhòa lệ, rồi bà khóc nức nở. Bà có mong ước được vào tận nhà Tướng Giáp ở An Xá, Lệ Thủy nhưng từ Nghệ An vào, không biết đường, lại mưa to.
Tại TPHCM. Ngay từ sáng sớm, tại Hội trường Thống Nhất đã có rất đông các đoàn đại biểu và nhân dân chờ vào viếng Đại tướng.
Dòng người xếp hàng như kéo dài vô tận, trong trật tự, không khí trang nghiêm, từng người một vào viếng Đại tướng với tấm lòng thành kính.
Dòng người xếp hàng vào viếng Đại tướng ngày càng đông hơn
Ông Nguyễn Hữu Cương, chủ tịch hội người Quảng Bình tại TP Hồ Chí Minh
Những lời tri ân gửi đến Đại tướng
Theo thống kê sơ bộ của BTC Lễ Quốc tang tại TPHCM, trong sáng nay đã có hơn 500 đoàn với khoảng 20.000 người vào viếng Đại tướng.
Xếp hàng vào ghi sổ tang
Sau khi viếng, dòng người kéo về phòng viết sổ tang ngày một đông. Dù phải đứng xếp hàng chờ đến lượt khá lâu nhưng người dân vẫn quyết tâm ghi vào sổ tang vài dòng tưởng nhớ Đại tướng.