Ảnh: Máy bay MH17 thủng lỗ chỗ to như nắm tay

Các lỗ thủng rất to ở phần trước MH17 chứng tỏ máy bay rất có thể đã trúng mảnh tên lửa phòng không.

Ngày 21/7, những bức ảnh đầu tiên mang giá trị tố cáo thứ vũ khí bắn hạ chiếc máy bay xấu số MH17 cùng 298 người trên khoang đã bắt đầu xuất hiện trên các mạng xã hội trong bối cảnh ngày càng nhiều quan sát viên tiếp cận được với hiện trường máy bay rơi.

Những bức ảnh này cho thấy các mảnh vỡ của máy bay lỗ chỗ những vết thủng to bằng nắm tay trẻ con. Các chuyên gia phân tích pháp y cho biết đây là bằng chứng cho thấy máy bay đã bị trúng nhiều mảnh của một quả tên lửa phòng không phát nổ ở cự ly gần.

Ảnh: Máy bay MH17 thủng lỗ chỗ to như nắm tay - 1

Những vết thủng lỗ chỗ rất to trên thân máy bay MH17

Ông Reed Foster, chuyên gia phân tích của trang tin tức quốc phòng Jane’s Military nhận định: “Mặc dù các lỗ thủng này có nhiều kích thước khác nhau, tuy nhiên hình dáng của chúng lại rất đồng nhất, rất giống với việc máy bay bị trúng mảnh của đầu đạn tên lửa phát nổ ở phạm vi gần mục tiêu.”

Chuyên gia này nói tiếp: “Điều này phù hợp với loại đầu đạn tên lửa nổ mảnh được sử dụng trong nhiều hệ thống tên lửa phòng không hiện đại.”

Hầu hết các loại tên lửa phòng không, chẳng hạn như tên lửa SA-11 hay Buk M1 đều kích nổ ở cự ly cách mục tiêu khoảng 15 mét. Việc kích nổ sớm này sẽ khiến các mảnh tên lửa đạt tốc độ tối đa khi lao về phía mục tiêu, phá hủy hoặc làm hư hại nghiêm trọng các bộ phận của máy bay như động cơ, cánh, buồng lái.

Ảnh: Máy bay MH17 thủng lỗ chỗ to như nắm tay - 2

Ảnh: Máy bay MH17 thủng lỗ chỗ to như nắm tay - 3

Phần buồng lái của MH17 dường như đã hứng trọn một cơn mưa mảnh đạn

Những bức hình được đăng trên Twitter cũng cho thấy nhiều vết thủng do mảnh tên lửa gây ra ở một bộ phận giống như buồng lái của máy bay. Việc phần đầu của máy bay bị hư hỏng nặng như vậy đã loại trừ khả năng máy bay bị tên lửa không đối không bắn rơi, bởi nếu tên lửa được phóng ra từ một chiến đấu cơ, nó thường trúng vào phần sau của máy bay.

Ngoài ra, tên lửa phòng không đất đối không thường gây ra thiệt hại khủng khiếp hơn so với tên lửa không đối không bởi chúng có khối thuốc nổ lớn hơn. Đầu đạn của tên lửa Buk mang theo tới 150 kg thuốc nổ, gây ra sức công phá không thể tưởng tượng được đối với máy bay trên bầu trời.

Ông Foster cho biết: “Trước đây đã từng có trường hợp máy bay dân dụng thoát nạn sau khi trúng tên lửa không đối không, tuy nhiên chưa từng có chiếc máy bay dân sự nào thoát khỏi tên lửa phòng không, bởi sức nổ, sức ép và màn mưa mảnh đạn mà nó gây ra quá khủng khiếp.”

Ảnh: Máy bay MH17 thủng lỗ chỗ to như nắm tay - 4

Ảnh vệ tinh hiện trường nơi MH17 đâm xuống đất

Tuy nhiên, ông James Hackett, chuyên gia phân tích quân sự và quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho rằng những bằng chứng này vẫn chưa thể giúp các điều tra viên đưa ra kết luận cuối cùng nếu như họ chưa tìm thấy các mảnh tên lửa đã bắn rơi MH17.

Ông Hackett cho biết: “Nếu không có thêm bằng chứng, chẳng hạn như mảnh đầu đạn hoặc thân tên lửa, chúng ta chưa thể xác định chính xác kiểu bắn cũng như loại tên lửa đã được sử dụng để bắn hạ MH17.”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo WP) ([Tên nguồn])
Máy bay Malaysia rơi ở Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN