Anh hùng phi công "quyết tử quân" trong lòng người anh trai đại tá

Đại tá Vũ Xuân Thăng là anh trai của anh hùng phi công Vũ Xuân Thiều đã anh dũng hy sinh khi lao máy bay MIG 21 vào máy bay B52 của giặc Mỹ.

Anh hùng tiêu diệt "pháo đài bay" B52

Trong căn nhà nhỏ chiều đầu thu, Đại tá Vũ Xuân Thăng chia sẻ với PV Báo Giao thông về ý nghĩa của ngày Quốc khánh, của sự tự do, độc lập và cả những câu chuyện về người em trai đã hy sinh với biết bao yêu thương, trìu mến, tự hào.

Dù năm nay đã 86 tuổi, nhưng Đại tá Vũ Xuân Thăng vẫn rất khoẻ mạnh, tinh anh, đôi mắt sáng, bước chân nhanh nhẹn. Những câu chuyện, ký ức về liệt sỹ phi công Vũ Xuân Thiều vẫn được ông kể lại rành rọt.

Anh hùng phi công Vũ Xuân Thiều (ảnh chụp năm 1972)

Anh hùng phi công Vũ Xuân Thiều (ảnh chụp năm 1972)

"Cứ mỗi dịp đất nước tưng bừng cờ hoa mừng Quốc khánh, tôi lại lật giở album, các kỷ niệm về chú Thiều. Chú Thiều sinh năm 1945, giờ mà còn sống thì chú ấy 78 tuổi", ông Thăng nhẩm tính.

Ông Thăng kể, gia đình ông có 10 anh em, Thiều là thứ bảy. Ngay từ thuở nhỏ, Thiều đã ước mơ thành phi công bằng cách... vẽ rất nhiều hình máy bay trên bìa vở.

Lớn lên, Thiều theo học tại khoa Vô tuyến điện, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đang học cuối năm thứ 3, không nói với bố mẹ, Thiều tự ý tham gia tuyển phi công.

Sau lần thứ nhất thi trượt vì bị nôn khi kiểm tra động tác quay tròn, hàng tối, Thiều đều lén trốn bố mẹ, anh chị lên sân thượng tập quay. Ở lần thi thứ hai, Thiều trúng tuyển phi công rồi được cử đi học lái máy bay tại Liên Xô.

Năm 1968, Vũ Xuân Thiều về nước tham gia chiến đấu ở Trung đoàn 921, rồi Trung đoàn 927.

"Chú Thiều cứ đi học, rồi đi chiến đấu biền biệt, gia đình chỉ biết được Thiều công tác ở đơn vị nào qua những dòng thư chú ấy biên gửi về. Rồi chú ấy hy sinh khi 27 tuổi, chưa kịp lập gia đình...", ông Thăng trầm giọng.

Trung tuần tháng 12/1972, đế quốc Mỹ mở cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B52 vào thành phố Hà Nội, Hải Phòng.

Trong trận chiến đấu lúc 21h41 phút ngày 28/12/1972, Vũ Xuân Thiều trên chiếc MIG 21, cất cánh từ sân bay Cẩm Thuỷ, Thanh Hóa. Đến vùng trời Sơn La, Vũ Xuân Thiều vượt qua hàng rào máy bay tiêm kích của địch tiếp cận và phát hiện được mục tiêu B52.

Được lệnh, Vũ Xuân Thiều vào công kích. Sau khi bắn 2 quả tên lửa mà B52 địch chỉ bị thương, Vũ Xuân Thiều đã dùng chiếc MIG 21 của mình làm quả đạn pháo thứ 3, lao vào máy bay địch. Chiếc B52 tan xác rơi ngay trên vùng trời Sơn La. Còn người phi công quả cảm ấy vĩnh viễn ra đi.

"Thiều được an táng tại Sơn La, sau này đưa về nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội. Những ngày chú ấy nằm trên đất Sơn La, bà con thường xuyên thắp hương chăm sóc. Giờ có người từ Sơn La thi thoảng vẫn liên hệ với gia đình, có người có dịp về Hà Nội lại tìm về thắp hương cho chú ấy...", ông Thăng kể.

Đại tá Vũ Xuân Thăng - anh trai anh hùng phi công Vũ Xuân Thiều

Đại tá Vũ Xuân Thăng - anh trai anh hùng phi công Vũ Xuân Thiều

Niềm tự hào của vị đại tá

Không chỉ lưu giữ những ký ức và niềm tự hào về cậu em trai anh hùng, vị đại tá già trải qua nhiều cuộc kháng chiến Vũ Xuân Thăng còn lưu giữ những kỷ niệm đặc biệt về những ngày Quốc khánh.

Ngày Quốc khánh 2/9/1945, ông Thăng mới chỉ là một cậu bé 8 tuổi, đang sinh sống tại quê nhà ở Nam Định.

"Hôm ấy đường phố đông đúc lạ thường, người ở mọi nơi đi thành từng đoàn, từng đoàn theo hàng ngay ngắn. 1 hàng nam, 1 hàng nữ và 1 hàng trẻ em, khuôn mặt ai cũng phấn khởi, vui sướng, vừa đi vừa hát. Ai mà không vui sướng, khi đất nước mình đã được tự do, độc lập rồi", ông Thăng nhớ lại.

Gia đình có truyền thống quân đội, nên từ năm 18 tuổi, ông Thăng gia nhập quân ngũ. Trong suốt những năm tháng ấy, dù ở trong doanh trại nhưng không khí đón Tết Độc lập năm nào cũng rất tưng bừng.

Kể cả trong kháng chiến chống Mỹ những năm sau đó, trong khó khăn gian khổ, nhưng những ngày Quốc khánh đều rung lên trong lòng mỗi người con dân đất Việt niềm tự hào, thêm quyết tâm để chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc.

"Nhiều năm nay, cứ đến dịp 2/9 mỗi năm, khi cả đất nước rực rỡ cờ hoa, tôi lại kể cho con cháu nghe về chiến công của những người đã dũng cảm chiến đấu và nỗ lực trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Thế hệ trẻ cần phải hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa của "tự do", "độc lập" để cùng trân trọng và giữ gìn giá trị của Tuyên ngôn Độc lập mãi mãi", Đại tá Vũ Xuân Thăng chia sẻ.

Người lái xe vận tải đầu tiên vào Dinh Độc Lập ngày 30/4

Chiến sĩ lái xe Trường Sơn Dương Quang Lựa ở tuổi đôi mươi năm nào giờ đã gần thất thập cổ lai hy (ông SN 1953).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.Giang ([Tên nguồn])
Ngày Quốc khánh 2/9 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN