Ánh hào quang khủng khiếp của phiến quân IS
Bằng những thủ đoạn tuyên truyền tinh vi, IS đang vẽ ra ánh hào quang thu hút các tín đồ từ khắp nơi trên thế giới, khiến Mỹ và phương Tây đau đầu tìm cách đối phó.
Lầu Năm Góc Mỹ đang cố gắng tìm hiểu lý do vì sao phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) lại có thể thành công đến vậy trong việc thu hút các tín đồ từ khắp nơi trên thế giới.
Trong một hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia chống khủng bố nổi tiếng trên thế giới, tướng Michael Nagata, tư lệnh các lực lượng đặc nhiệm Mỹ ở Trung Đông đặt câu hỏi: “Điều gì khiến IS trở nên hấp dẫn như vậy? Chúng đang thu hút nhiều người lũ lượt kéo tới tham gia. Tôi không thể hiểu được sức mạnh vô hình của IS nằm ở đâu”.
Cho tới nay, các chiến lược gia hàng đầu của Mỹ đã phải thừa nhận rằng cuộc đối đầu với IS đòi hỏi một thứ mà họ không hề quen thuộc: đó là suy xét thật cẩn thận về sức hút đầy cám dỗ mà ánh hào quang của IS đang tạo ra.
Điều khó khăn hơn là họ phải nhận ra sức hút đến từ những hình ảnh, những ý tưởng mà phần lớn người phương Tây cho là man rợ, tàn bạo hay khủng khiếp, bởi cũng giống như vẻ đẹp nằm trong đáy mắt của kẻ si tình, sự quyến rũ cũng nằm sâu trong đầu óc của những kẻ tiếp nhận.
Ánh hòa quang quyến rũ mà IS đang tạo ra là một chiến lược vô cùng hiệu quả, bởi nó tạo ra cho những kẻ cuồng tín một hình thức cụ thể để thực hiện ước mơ, dù đó là tiền tài, danh vọng, quyền lực, tình dục, tự do hay cảm giác phiêu lưu.
Đây cũng là lý do khiến nhiều thanh niên phương Tây dù có một cuộc sống vật chất đủ đầy và nhiều cơ hội trong tương lai vẫn coi IS là một thiên đường mà họ cần dấn thân tới để thỏa những nguyện ước của mình.
Chuyên gia phân tích Virginia Postrel lý giải: “Điều tạo cảm hứng cho những tên khủng bố nguy hiểm nhất trên thế giới hiện nay không phải là kinh Koran hay những bài giảng tôn giáo mà là lời kêu gọi hành động hứa hẹn sẽ đem lại vinh quang cho chúng và sự ngưỡng mộ trong mắt bạn bè”.
Với những lời hứa về tình anh em, về vinh quang, về những cuộc phiêu lưu và vị thế xã hội, IS đang tạo nên sức hút ghê gớm của chiến trận đối với những thanh niên phương Tây vốn chưa hề trải qua chiến tranh, chưa biết đến cảm giác chết chóc nhưng lại rất khao khát được thể hiện mình.
Trên mạng Internet, IS xây dựng một hình ảnh đầy lôi kéo khác với những đoạn video, những tạp chí tuyên truyền không ngừng “nhồi sọ” giới trẻ rằng việc giết chóc là vô cùng dễ dàng, chính nghĩa và mang đậm hương vị chiến thắng. Theo chuyên gia phân tích Scott Atran, những thủ đoạn tuyên truyền này của IS khiến những chiến binh thánh chiến tương lai cảm thấy mạnh mẽ và quan trọng hơn.
Kết quả là IS đang biến cuộc chiến đẫm máu của chúng hiện nay thành một phiên bản của cuộc Thập Tự chinh thời Trung cổ. IS hứa hẹn mang lại cho những con người bình thường cảm giác được phiêu lưu, được coi trọng nếu họ chiến đấu chống lại những kẻ “dị giáo”, tà đạo ở một vùng đất xa xôi.
Thách thức hiện nay của Mỹ và phương Tây là tìm ra điểm yếu trong chiến lược lôi kéo tín đồ của IS. Theo các chuyên gia chống khủng bố, ánh hào quang nào cũng ẩn chứa một ảo vọng, và ảo vọng đó có thể dễ dàng tan biến trong trải nghiệm thực tế và vấp phải những khắc nghiệt có thật của chiến trường.
Bởi vậy, họ cho rằng điều quan trọng hiện nay là Mỹ phải phơi bày những sự thật nghiệt ngã ở Iraq và Syria để xua tan ảo vọng của những tín đồ.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã từng phát động chiến dịch “Nghĩ kỹ trước khi quay lưng”, thế nhưng chiến dịch tuyên truyền chống IS này tỏ ra không mấy hiệu quả, thậm chí là phản tác dụng khi họ tìm cách dọa những chiến binh tương lai bằng hình ảnh người Hồi giáo bị đóng đinh hay một vụ đánh bom tự sát ở nhà thờ.
Chiến dịch “Nghĩ kỹ trước khi quay lưng” của Bộ Ngoại giao Mỹ có thể khiến các ông bố bà mẹ sợ hãi, nhưng nó hầu như không tác động được gì tới những thanh niên trẻ tuổi quyết tâm lên đường chứng tỏ bản thân.
Việc dùng những hình ảnh ghê rợn chỉ càng làm cho ánh hào quang của IS thêm phần rực rỡ. Để phá vỡ được ánh hào quang này, các chuyên gia cho rằng Mỹ cần phải chú trọng vào những điều bình thường hơn, phi bạo lực hơn, chẳng hạn như tình trạng phải làm việc quần quật, những cuộc đấu đá lẫn nhau, thói đạo đức giả và sự bẩn thỉu trên chiến trường.
Ông John Maher nhận định: “Thực tế trên chiến trường là một thế giới hoàn toàn khác so với ánh hào quang mà IS vẽ ra trong các đoạn video tuyên truyền, và chúng ta phải chú trọng vào những lời than phiền, kêu ca của những người đã từng tham gia IS”.
Một chiến binh người Pháp khi tới Aleppo gia nhập IS đã cho biết: “Tôi ở đó, gần như chẳng được làm gì ngoài phân phát quần áo và thực phẩm, lau chùi vũ khí và vận chuyển xác chết từ chiến trường. Tôi chán ghét việc này. Họ thậm chí còn bắt tôi phải giặt giũ”.
Một chiến binh người Ấn Độ cũng đã rời bỏ IS sau 6 tháng tham gia vì bị giao làm những việc tầm thường như cọ toilet, mang nước cho các chiến binh khác, khiến anh ta hoàn toàn vỡ mộng về ánh hào quang của IS.