Ảnh: Dựng rạp đám cưới, biến đường thành... sân ở HN
Biến đường phố thành... đường làng, biến lòng đường trước nhà thành... sân nhà mình dường như đã trở thành một "nét văn hóa" của người dân mỗi khi nhà có tiệc, hiếu hỷ.
Chuyện người dân hễ có đám cưới, đám ma là ngang nhiên dựng rạp chiếm cả lòng đường như đã là một tục lệ xưa nay ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc dựng rạp như vậy gây cản trở giao thông và rất nguy hiểm cho người đến tham dự. Mới đây, một vụ tai nạn giao thông chết người xảy ra tối 21.11 ở địa bàn Q.Thủ Đức (TP.HCM) cho thấy tình trạng người dân rào đường tổ chức tiệc tùng cản trở giao thông đã đến mức cần phải báo động.
Không riêng TP.HCM, trong ngày hôm qua (29.11), theo ghi nhận của PV, tình trạng dựng rạp lấn chiếm lòng lề đường ở Hà Nội vẫn tràn lan.
Rạp cưới chiếm nửa đường tại nút giao đường Quang Trung - đường Ba La (phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội) khiến cho người điều khiển xe máy bị che khuất tầm nhìn khi rẽ phải hay quan sát các phương tiện rẽ vào đường Ba La.
Dọc quốc lộ 32, rất nhiều rạp đám cưới lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây cản trở giao thông. Chiều rộng mặt đường đã hẹp, nhưng một hộ dân ở Lai Xá - Kim Chung (thị trấn Trôi, huyện Hoài Đức, Hà Nội) ngang nhiên dựng rạp chiếm gần hết diện tích lòng đường để tổ chức đám cưới. Một hộ dân đóng cọc sắt chiếm một phần diện tích lòng đường, cản trở giao thông, nhìn rất nguy hiểm khi những ô tô chạy với tốc độ cao qua đây.
Một “siêu rạp cưới” được dựng lên tại nút giao đường Quang Trung - đường Ba La (phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội), trong khi tại nút giao thông này luôn có nhiều xe tải, xe buýt, xe máy lưu thông. Rạp dựng lên chiếm hết vỉa hè đầu đường khiến các phương tiện đi qua gặp khó khăn, che mất tầm nhìn.
Không chỉ đường thành phố bị lấn chiếm dựng rạp đám tiệc, ma chay, mà ngay cả đường trong xã, trong thôn cũng bị chiếm dụng. Dù đường chỉ rộng 3m, nhưng một hộ dân ở xã Thạch Bích (huyện Thanh Oai, Hà Nội) vẫn dựng rạp đám cưới lấn ra đường, chỉ chừa lại một lối nhỏ vừa một xe máy đi qua. Bàn, ghế bày biện tràn lan dài hàng chục mét.
Dựng rạp đám cưới lấn chiếm lòng lề đường trước hết là vi phạm luật giao thông, cản trở giao thông, sau đó là nguy hiểm đến tính mạng của người tham dự. Mỗi địa phương đều có một không gian chung nhất định cho các hộ gia đình tổ chức đám cưới, đám tiệc..., tuy nhiên vì tiện lợi mà họ vô tình cản trở giao thông và gây nguy hiểm đối với chính gia đình mình và những người khác.
Một “siêu rạp cưới” dưới chân công trình đường sắt trên cao nút giao đường Quang Trung - Ba La (Hà Đông, Hà Nội).
Rạp cưới chiếm nửa đường khiến cho người điều khiển xe máy bị che khuất tầm nhìn khi rẽ phải hay quan sát các phương tiện rẽ vào đường Ba La. Hằng ngày, tại nút giao thông này luôn tấp nập xe tải, xe buýt chạy qua, việc dựng rạp cưới bành trướng nhìn rất mất mỹ quan đô thị và gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, dù bên ngoài rạp cưới có gắn đèn báo hiệu.
Trên quốc lộ 32 đoạn qua Lai Xá - Kim Chung (thị trấn Trôi, huyện Hoài Đức, Hà Nội), một rạp cưới chiếm trọn vỉa hè. Bàn, ghế, bát đĩa khắp mọi nơi, nấu ăn và khách ăn tiệc cưới ngay tại vỉa hè.
Rạp cưới được dựng bằng cột sắt đóng xuống nền đường, chiếm một phần diện tích lòng đường.
Cách đó không xa, một rạp cưới khác cũng đã được dựng lên, chiếm gần hết lòng đường dành cho xe máy.
Ô tô con, xe tải... thường chạy qua đây với tốc độ cao...
...rất dễ gây nguy hiểm cho người đi ngược chiều và những người tham dự đám cưới.
Cũng tại thị trấn Trôi này, một rạp cưới lung linh dài hàng chục mét chiếm trọn lòng đường bên trong quốc lộ 32.
Thậm chí, họ còn ngăn hàng rào bắt buộc người đi bộ, đi xe máy phải leo lên dải phân cách khi qua đây.
Trên quốc lộ 32, rất nhiều rạp đám cưới được dựng lên lấn chiếm vỉa hè và lòng đường.
Ngay cả đường làng cũng bị rạp cưới chiếm gần hết đường. Trong ảnh: Một rạp cưới ở xã Thạch Bích, huyện Thanh Oai (Hà Nội).