Ảnh: Đào thất thốn “nằm” phòng điều hòa, đợi trổ hoa đúng dịp Tết Giáp Thìn
Đào thất thốn là loại cây “khó tính” nên người trồng đào phải biết "chiều" mới có thể giúp cây nở hoa đúng dịp Tết Nguyên đán.
Để phục vụ Tết Nguyên đán 2024, những ngày này, anh Nguyễn Quang Vụ (làng hoa Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội) đang tất bật chăm sóc cho hàng trăm cây đào thất thốn. Anh Vụ cho biết, nhà anh có khoảng 400 cây đào thất thốn, các gốc đào có tuổi đời ít nhất 5-7 năm, có cây gần 20 năm tuổi
Theo anh Vụ, đào thất thốn là loại cây “khó tính” nên phải đặt cây trong phòng điều hòa khép kín để chăm sóc. Tùy vào thời tiết mà nhà vườn sẽ điều chỉnh nhiệt độ phòng sao cho phù hợp. Nếu không, đào có thể nở hoa không đúng dịp Tết Nguyên đán.
Hiện tại ở Nhật Tân có nhà vườn của anh Vụ và của ông Lê Hàm có thể kích thích, giúp đào thất thốn ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, cách chăm sóc cây của hai nhà vườn lại có điểm khác nhau.
“Mỗi nhà có cách làm khác nhau, đào thất thốn nhà chú Hàm trồng trên chậu còn nhà tôi trồng dưới đất. Hai cách làm hoàn toàn khác nhau về quy trình. Tuy nhiên, kết quả lại giống nhau là đều ra hoa đúng dịp Tết. Tôi trồng dưới đất từ đầu năm đến tháng 7 Âm lịch mới đảo lên chậu”, anh Vụ chia sẻ.
Mỗi nhà có một bí quyết riêng để kích thích sự sinh trưởng của đào. Theo anh Vụ, quan trọng nhất là giai đoạn kích thích sự sinh trưởng từ mầm lộc chuyển hóa thành mầm hoa của đào thất thốn (thời gian khoảng 3 tháng). Trong ảnh là vườn đào thất thốn của ông Lê Hàm, đối diện với vườn đào của anh Vụ.
Anh Vụ cho biết, để thành công như bây giờ, anh đã phải trải qua nhiều thất bại. Thời gian những năm 2008 – 2009, anh đã phải chặt đi nhiều đào, thiệt hại rất lớn. Nguyên nhân là vì cây trồng 5-7 năm mà chưa ra được hoa nên đành bỏ. Đến khi ông Hàm thành công, thị trường sôi động, anh Vụ quyết định quay lại trồng đào thất thốn.
“Thời gian đó chú Hàm không nghĩ tôi có thể cho đào thất thốn ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán, bởi tôi chỉ nghe người ta nói chứ không được ai truyền bí quyết. Sau đó 3 năm, tôi mới thành công”, anh Vụ nói.
Phòng giữ nhiệt cho đào được dựng bằng tôn bạt, lắp điều hoà. Để đảm bảo cho đào ra hoa tự nhiên, hằng ngày, anh Vụ và công nhân phải theo dõi nhiệt độ một cách sát sao. Nắng thì tháo bỏ mái che, khi có gió mùa và sương muối thì lại đậy lại.
"Về nguồn gốc tên gọi, có người cho rằng "thất thốn" là 7 thốn, mỗi thốn tương đương với một đốt ngón tay. Lá đào dài 7 thốn, cây phát triển đến 7 thốn thì lại chia cành một lần. Một thốn có 7 bông hoa", anh Vụ nói.
Mỗi cây đào thất thốn trước kia chỉ ra một vài bông hoa, nhưng nay số lượng hoa đã được chủ vườn đào tác động, mỗi cây có thể ra hàng chục bông.
Mỗi cây đào lại có một thế cây và dáng riêng. Để nở hoa đúng thời điểm Tết, thì ngày 23 tháng Chạp, đào phải ra nhiều lộc, nụ bắt đầu nhú. Khi đưa vào nhà, ấm áp, đào sẽ dần bung hoa.
Ngoài tuổi cây, giá đào còn phụ thuộc từng dáng, thế cụ thể của cây. Những cây tuổi đời từ 5-7 năm có giá bán trung bình dao động từ 9 triệu đồng - 10 triệu đồng/cây. Nhưng cũng có cây giá lên tới 60 triệu đồng, thậm chí 180 triệu đồng hoặc cao hơn.
“Năm nay, vườn nhà tôi có khoảng 400 gốc đào thất thốn, đa số đã được khách quen đặt mua từ trước. Thị trường năm nay chưa thể biết được vì sau dịch COVID – 19, kinh tế khó khăn nên mọi người đang cắt giảm chi tiêu”, anh Vụ cho hay.
Đào thất thốn của nhà vườn thường không bán mà chủ yếu cho khách thuê về chơi Tết với giá chỉ bằng một nửa giá mua.
Nguồn: [Link nguồn]