Ảnh: Cầu Long Biên sau đợt trùng tu lớn nhất lịch sử
Sau gần một năm sửa chữa với kinh phí lên đến 300 tỷ đồng, cây cầu "vắt qua" 3 thế kỷ đã có diện mạo mới.
Hình ảnh cầu Long Biên trước khi tu sửa: Toàn bộ những thanh sắt của cầu đã bị hoen rỉ, hầu hết những thanh tà vẹt bằng gỗ đã bị mục.
Kết cấu thép nhiều đoạn bị hư hỏng nặng. Trước thực trạng xuống cấp của cầu Long Biên, dự án khôi phục quy mô lớn được Bộ Giao thông Vận tải khởi động từ đầu tháng 4/2015 và hoàn thành vào tháng 12/2015, phục vụ vận tải đến 2020. Với kinh phí lên đến 300 tỷ đồng, đợt gia cố cây cầu lần này lớn gấp 3 lần tổng kinh phí hai đợt tu sửa giai đoạn 1995 - 2010.
Hình ảnh cầu Long Biên sau khi được tu sửa: Toàn bộ kết cấu cơ bản của cầu đã được gia cố, nhiều kết cấu thép phải thay mới. Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng nối hai quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội, do Pháp xây dựng (1898 - 1902)
Kết cấu cầu khi trùng tu không thay đổi chỉ có một lớp sơn màu be phủ lên lớp rỉ sét cũ kỹ ở các trụ cột và phần "bụng" dưới.
Toàn bộ hệ thống khung thép "bụng" dưới mặt cầu sau hơn 110 năm tồn tại nhiều phần đã rỉ mọt, nay đã được thay thế, gia cố bằng các vật liệu mới.
Theo đơn vị thi công, việc sửa chữa đoạn giữa cầu là khó nhất, phải dùng một chiếc xà lan lớn luôn túc trực phục vụ việc sửa chữa
Để thay thế những cấu kiện thép của cầu đã bị hoen rỉ, các công nhân, kĩ sư cắt theo khuôn mẫu sau khi đã đo đạc ngay tại cầu
Hơn 2000 thanh tà vẹt cũ mọt được thay bằng những thanh tà vẹt mới bằng gỗ táu
Trước đó, với kinh phí khoảng 7 tỷ đồng mỗi năm, đơn vị duy tu bảo dưỡng cầu Long Biên chỉ có thể làm những việc đơn giản như cạo rỉ sắt và sơn lại, thay thế gia cố tà vẹt, ốc vít, vệ sinh cầu.
Đối với các nhịp cầu nguyên bản còn sót lại, hệ thống dầm ngang trên nóc cầu được bổ sung thêm các thanh thép để đảm bảo chắc chắn.
Đợt thay mới này, toàn bộ ốc vít cũ mòn đã bị loại bỏ, ốc vít nào còn dùng được công nhân sẽ làm mới để tận dụng. Các ốc vít được làm mới ngay tại công trường trên cầu Long Biên
Người dân đi qua gầm cầu bên Long Biên đã không còn sợ cảnh rỉ sắt rơi xuống đầu
Giai đoạn hai được khởi động sau đó sẽ tập trung cho việc xử lý mặt đường bộ trên cầu.
Với đợt tu sửa này, cây cầu lịch sử với đoạn cầu chính vắt qua sông chỉ còn một nhịp nguyên bản.