Ấn tượng phiên chất vấn cuối nhiệm kỳ
Phiên chất vấn là dịp để Chính phủ nhìn lại những thành công cũng như tồn tại để tiếp tục xây dựng chương trình hành động trong nhiệm kỳ tới...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn các đại biểu quốc hội. Ảnh: TTX VN
Ngày 10/11, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Với tính chất tổng kết lại cả nhiệm kỳ 5 năm, tất cả các thành viên Chính phủ gồm Thủ tướng, 3 Phó Thủ tướng và 15 bộ trưởng, trưởng ngành đều đã đăng đàn trả lời chất vấn.
Đa số các ĐBQH hài lòng với phần trả lời của các thành viên Chính phủ, đồng thời cho rằng đây vừa là dịp đánh giá những việc đã làm được, vừa là dịp nhìn nhận lại yếu kém, tồn tại để có các quyết sách phù hợp tiếp theo.
Từ “bị” chất vấn thành “được” chất vấn
Đánh giá về phiên chất vấn, ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, các ĐB đã mang đến hội trường Quốc hội những vấn đề nóng hổi từ thực tiễn cuộc sống, từ chuyện phá rừng, sách giáo khoa cho đến tăng trưởng kinh tế.
“Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã có những câu trả lời thẳng thắn, rõ ràng, trách nhiệm. Các câu hỏi và trả lời chất vấn gợi mở nhiều giải pháp, đây là cơ hội hiến kế để xây dựng chương trình hành động cho nhiệm kỳ tới”, ĐB Lâm nhìn nhận.
Đã tham gia nhiều khóa Quốc hội, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đánh giá, phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này đã có thay đổi rất lớn so với các kỳ trước.
Các bộ trưởng, trưởng ngành dường như đã thay đổi tâm thế, từ “bị” chất vấn thành “được” chất vấn, coi chất vấn như diễn đàn quan trọng để giải quyết những vấn đề của lĩnh vực mình phụ trách. Đồng thời, cũng là dịp để Quốc hội, cử tri chia sẻ, nhìn nhận những đóng góp, cả những hạn chế.
“Phiên chất vấn lần này rất sinh động, tuy có thể đã khiến một số tư lệnh ngành phụ trách những lĩnh vực có nhiều vấn đề nóng “mệt mỏi” khi liên tục phải đứng lên trả lời câu hỏi của các ĐB. Nhưng điều này cho thấy nội dung chất vấn rất thiết thực”, ông Quốc nhìn nhận.
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng đánh giá cao cách tổ chức phiên chất vấn của kỳ họp này, khi những người “ngồi ghế nóng” không biết trước nội dung được chất vấn, tranh luận. Điều này cho thấy các tư lệnh ngành sẽ phải nắm rất sát các vấn đề thuộc lĩnh vực được giao quản lý.
“Phiên chất vấn đã cho cử tri cả nước nhìn lại tổng thể hiệu quả giám sát của Quốc hội đối với việc thực hiện công việc của các bộ, ngành, Chính phủ trong suốt cả nhiệm kỳ. Đây cũng là dịp Chính phủ nhìn lại những thành công cũng như tồn tại để tiếp tục xây dựng chương trình hành động trong nhiệm kỳ tới”, ĐB Cường nói.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) kỳ vọng, sau phiên chất vấn này, sẽ chuyển tiếp được những vấn đề mà nhiệm kỳ trước chưa hoàn thành, đang triển khai đến nhiệm kỳ sau.
“Nhiều vấn đề như phát triển cơ sở hạ tầng, câu chuyện thủy điện, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, từ phiên chất vấn này, ĐB không chỉ đưa ra quan điểm mà còn có các đề xuất rất hay, các bộ, ngành nên quan tâm, lưu ý để có những chiến lược hành động cho nhiệm kỳ sau hiệu quả hơn”, ĐB Hòa góp ý.
Cùng quan điểm, ĐB Quàng Văn Hương (Sơn La) bày tỏ: “Thông qua phiên chất vấn, với những vấn đề chưa rõ giải pháp, những việc cần thiết cấp bách nhưng chưa làm được, các ĐB sẽ gửi gắm vào nhiệm kỳ tới. Mong rằng những gì được nêu ra sẽ được Chính phủ, các bộ ngành lưu tâm để nhiệm kỳ sau có thể giải quyết dứt điểm”.
Bộ trưởng Bộ GTVT đưa ra nhiều phương án khả thi
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội
Tại phiên chất vấn, nhiều ĐB Quốc hội đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, từ việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Tây Nguyên, vùng núi phía Bắc; tiến độ các dự án giao thông trọng điểm; việc đặt trạm thu phí…
ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) nhìn nhận, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã nắm rất chắc những vấn đề mà ĐB chất vấn, thể hiện qua những chi tiết Bộ trưởng nắm bắt về quy mô, chất lượng, tiến độ từng con đường, từng dự án.
Ông Sinh cho biết, trong thời gian qua chúng ta đã triển khai rất tốt những tuyến cao tốc, đặc biệt ở khu vực ở phía Bắc và miền Trung. Từ nay đến năm 2025, sẽ triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc ở khu vực ĐBSCL, từ đó sẽ đồng bộ với hệ thống đường cao tốc Việt Nam…
Đây là một khối lượng công việc lớn, phải huy động nhiều nguồn vốn, phải có sự phối hợp giữa các địa phương và ngành GTVT trong việc giải phóng mặt bằng…
“Qua phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, tôi thấy Bộ trưởng đã nhìn thẳng vào thực tế, đưa ra những giải pháp khắc phục những tồn tại, có những kế hoạch rõ ràng, khả thi. Tôi cho rằng, một vị lãnh đạo ngành nắm chắc như vậy thì triển khai công việc sẽ rất hiệu quả”, ĐB đánh giá.
ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế) cũng nhìn nhận, trong các nhiệm kỳ trước đây và nhiệm kỳ vừa qua, giao thông được quy hoạch và đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ từ đường bộ, đường thủy, đường sắt cho đến hàng không.
“Trong phiên chất vấn này, nhiều đại biểu quan tâm đến hệ thống đường cao tốc của ĐBSCL, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã nắm bắt thông tin rất đầy đủ. Bộ trưởng đã nêu được thực trạng và những biện pháp giải quyết để xây dựng mạng lưới đường cao tốc ở vùng này, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội”, ĐB Nghĩa nói.
Trước đó, trả lời chất vấn về việc đầu tư các tuyến cao tốc tại khu vực ĐBSCL, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, việc ĐBSCL sẽ có ít nhất 300km đường cao tốc vào năm 2025 đã được Bộ GTVT tính toán rất kỹ, dựa trên thực tế những công việc đang và sẽ triển khai. Thậm chí, nếu hoàn thành theo đúng kế hoạch của Chính phủ, con số này sẽ là 400km.
Cũng tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã trả lời nhiều vấn đề được ĐBQH, cử tri quan tâm như khuyến khích xã hội hóa xây dựng cảng hàng không; thu phí trở lại đối với tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phát huy hiệu quả đầu tư, tập trung xây dựng hạ tầng Tại phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham gia trả lời câu hỏi của các ĐBQH về nhiều vấn đề quan trọng. Liên quan đến chất vấn của ĐBQH về bài toán cân đối ngân sách, Thủ tướng cho biết, nếu tăng trưởng năm 2021 chỉ 6%, dự kiến tổng thu chỉ khoảng 1,34 triệu tỷ đồng, giảm 170.000 tỷ đồng so với năm 2020. Về giải pháp, trước hết, cần phải đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là vốn ODA; phát huy hiệu quả đầu tư để giải quyết việc làm, xây dựng hạ tầng tốt nhằm thu hút đầu tư, giải quyết vấn đề phát triển, nhất là những công trình sân bay Long Thành, đường sắt Cát Linh - Hà Đông… Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), Lê Thanh Vân (Cà Mau) về việc chọn nhân tài, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, phòng trình Bộ Chính trị xem xét. Về chất vấn của ĐB Ksor H’Bơ Khắp (Gia Lai) về “văn hóa từ chức”, Thủ tướng cho biết, Luật Cán bộ, công chức đã quy định về việc từ chức. Quyết định số 1847/QĐ-TTg của Thủ tướng về việc phê duyệt đề án văn hóa công vụ cũng nêu rõ, “cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo chủ động xin thôi giữ chức vụ khi thấy bản thân còn hạn chế về năng lực và uy tín”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Nhiều yêu cầu chưa được giải quyết dứt điểm Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tổng cộng đã có 121 lượt ĐBQH chất vấn; 41 lượt đại biểu tranh luận. Theo Chủ tịch Quốc hội, qua phiên chất vấn cho thấy, cơ bản việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã được Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao nghiêm túc, chủ động triển khai thực hiện với nhiều giải pháp, biện pháp đồng bộ, quyết liệt. Tuy nhiên, còn có nhiều nội dung, nhiều chỉ tiêu, yêu cầu chưa đạt, chưa giải quyết dứt điểm hoặc vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc, do đó cần tiếp tục có giải pháp căn cơ để triển khai, khắc phục. Có những vấn đề đã được Quốc hội yêu cầu nhiều lần, nhưng chuyển biến còn chậm, chưa đạt kết quả đề ra. Theo Chủ tịch Quốc hội, nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế có cả khách quan và chủ quan, trong đó có tác động từ những bất cập trong chính sách pháp luật, từ vấn đề tổ chức thực hiện, vấn đề nguồn lực, nhưng cũng có những nguyên nhân xuất phát từ tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và của đội ngũ cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ. Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành cao tốc Bắc - Nam phía Đông Tại phiên chất vấn, đề cập đến lĩnh vực phát triển hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đang tập trung nguồn lực, phấn đấu đến năm 2030 có 5.000km đường cao tốc, đến 2025 hoàn thành đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau... Đề cập vấn đề được nhiều ĐB quan tâm là phát triển khu vực ĐBSCL, Thủ tướng cho biết: “Chúng ta đã triển khai một số công trình quan trọng, quy mô lớn như tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ… Thời gian tới, sẽ bố trí hơn 1 tỷ USD, tương đương 22 nghìn tỷ cho khu vực này và giai đoạn tiếp theo tiếp tục đầu tư cho giao thông nội vùng và liên vùng như đường ven biển, đường TP HCM - Vũng Tàu…”, Thủ tướng cho biết. |
Nguồn: [Link nguồn]
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm nay 10-11 đăng đàn trả lời chất vấn, khép lại 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn...