Ăn thịt chó có phi nhân đạo?

“Có nên ăn thịt chó không, khi mà món ăn này không chỉ gây ra đau đớn với một loài vật thông minh gần gũi với con người, mà còn mang đến nguy cơ về sức khỏe”.

Liên minh Bảo vệ chó Châu Á (ACPA) vừa được thành lập với mục đích chấm dứt nạn buôn bán thịt chó vô nhân đạo. Tháng 8/2013, tại Hà Nội, Tổ chức Động vật châu Á tại Việt Nam sẽ tổ chức một hội nghị kết nối các thành viên của liên minh. Nhân dịp này, PV có cuộc trò chuyện với Tiến sỹ Tuấn Bendixsen - Trưởng đại diện Tổ chức Động vật châu Á tại Việt Nam.

Thưa ông, tại Việt Nam, món ăn thịt chó rất phổ biến, thậm chí nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đó là văn hóa ẩm thực. Vậy, mục tiêu chấm dứt nạn buôn bán thịt chó vô nhân đạo của Liên minh liệu có “va chạm” gì với văn hóa này của người Việt?


Chúng tôi không khuyến khích ăn thịt chó, nhưng chúng tôi hiểu đó là một phần văn hóa của rất nhiều người Việt.

Chúng ta cũng nên đặt ra câu hỏi cho chính mình: Có nên ăn thịt chó không, khi mà món ăn này không chỉ gây ra đau đớn với một loài vật thông minh gần gũi với con người, mà còn khiến người ăn gặp nhiều nguy cơ về sức khỏe.

Không kể đến khía cạnh đạo đức, thịt chó là món ăn là khoái khẩu với một số người nhưng là nỗi bất hạnh của người chủ bị mất chó.

Tại sao các ông khẳng định việc buôn bán và sản xuất thịt chó là phi nhân đạo?

Rất nhiều cuộc điều tra trên toàn châu Á đã chứng minh rằng tất cả các khâu trong chuỗi buôn bán cung ứng thịt chó từ khai thác, vận chuyển, phân phối, đến giết thịt đều vô cùng tàn bạo.

Hành trình buôn bán chó từ Thái Lan về Việt Nam kéo dài từ 3- 4 ngày. Hàng chục con chó bị nhốt chật cứng chen chúc, thậm chí chồng lên nhau trong một cái cũi chật hẹp (chỉ tầm 60 x 100 cm). Trong suốt quá trình ấy chúng thậm chí không được cho ăn và uống nước đầy đủ. Nóng nắng, chật chội, và bệnh dịch... khiến nhiều con chó đã chết trên đường vận chuyển.

Cách giết chó cũng rất phi nhân đạo. Những chú chó bị nhốt vào lồng, nhìn đồng loại của mình bị đập chết ngay trước mắt... Trong khi đó, chúng là loài động vật cực kì thông minh.

Ăn thịt chó có phi nhân đạo? - 1

Tiến sỹ Tuấn Bendixsen - Trưởng đại diện Tổ chức Động vật châu Á tại Việt Nam.

Giết chó là phi nhân đạo, vậy giết thị các con vật khác như lợn, gà, bò... thì sao. Cũng là “phi nhân đạo”, thưa ông?

Xét về khía cạnh lịch sử, thì từ xưa chó đã được nuôi dưỡng không phải để làm thức ăn cho con người. Lợn, bò, gà... được nuôi dưỡng trong các trang trại để cung cấp thức ăn cho con người.

Trong khi đó, chó là bạn, được coi như một thành viên trong gia đình. Chó là người bạn đồng hành, chúng giúp đỡ con người. Nhiều người tàn tật, người mù được hỗ trợ bởi những chú chó thông minh. Tai nạn, động đất, chó cứu người, trong khi các động vật khác không làm được điều này.

Bên cạnh đó, nạn buôn bán thịt chó, dù là phi pháp hay được pháp luật quy định, đều mang lại một mối nguy hại cho sức khỏe của con người.

Cụ thể, mối nguy hại ở đây là gì?

Nạn buôn chó liên quan trực tiếp đến việc bùng nổ các dịch bệnh như giun xoắn, bệnh tả, và bệnh dại.

Tổ chức Y tế Thế giới gần đây khuyến cáo rằng nạn buôn bán chó chính là tác nhân bùng phát dịch bệnh dại ở Indonesia và bệnh tả ở Việt Nam. Đáng lo ngại hơn cả là bệnh dại.

Chúng tôi phản đối việc buôn bán chó không qua kiểm dịch qua biên giới các nước, vì đó là một tác nhân gây ra bùng nổ dịch bệnh.

Về luật pháp, mọi cá thể động vật khi vận chuyển từ nước này sang nước khác phải có kiểm dịch, chứng nhận sức khỏe, nguồn gốc rõ ràng. Như vậy, trên thực tế với 1.000 con chó chuyển lậu qua biên giới trên mỗi chuyến xe thì không hề đáp ứng được các yêu cầu trên.

Vấn nạn buôn chó hoàn toàn là vấn đề lợi nhuận. Vì lợi nhuận quá cao, những người buôn chó hầu như chỉ quan tâm đến tiền, không quan tâm đến pháp luật và càng không quan tâm đến vấn đề nhân đạo đối với động vật.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hội nghị kết nối các thành viên của liên minh Bảo vệ chó Châu Á (ACPA) nhằm kêu gọi và hỗ trợ giải pháp cùng với các chính phủ kiểm soát pháp luật chặt chẽ hơn, theo đúng quy trình dịch tễ và y tế. Việc làm đầu tiên là kêu gọi chấm dứt buôn bán chó lậu qua biên giới Thái Lan - Việt Nam để ngăn chặn bệnh dại. Theo thống kê của Cục Thú Y năm 2011, mỗi năm có hơn 100 người chết vì bệnh dại tại Việt Nam, và 342.000 người phải tiêm phòng dịch bệnh trên.

Liên minh ACPA bao gồm các tổ chức: Tổ chức Thay đổi vì Động vật (Change for Animals Foundation), Tổ chức Nhân đạo Quốc tế (Humane Society International), Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia), và Tổ chức Soi Dog -Thái Lan (Soi Dog Foundation), hoạt động trong khu vực và trên toàn cầu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng (thực hiện) ([Tên nguồn])
Ăn thịt chó mèo: Nên hay không? Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN