Ấn rồng phát hiện ở Nghệ An chỉ là “đồ chơi”?

Sự kiện: Nghệ An Tin nóng

Các chuyên gia đầu ngành nghiên cứu về ấn chương Việt Nam đặt nhiều nghi vấn về giá trị của chiếc ấn gây xôn xao dư luận.

Ấn rồng phát hiện ở Nghệ An chỉ là “đồ chơi”? - 1

Chiếc ấn nghi là ấn vua chúa phong kiến được người dân phát hiện tại Nghi Lộc, Nghệ An (ảnh: Hồng Quân) 

Gần đây, thông tin về việc một nông dân ở huyện Nghi Lộc, Nghệ An đào đất làm vườn phát hiện ấn hình rồng, nghi là ấn của vua chúa phong kiến, thu hút sự chú ý của dư luận. Nhiều người dân đã kéo đến xin sờ để lấy lộc. Chiếc ấn đã được giao nộp cho bảo tàng Nghệ An nghiên cứu.

Xung quanh vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia đầu ngành, chuyên nghiên cứu về ấn chương Việt Nam - TS Phạm Quốc Quân, thành viên Hội đồng di sản quốc gia.

Theo TS Phạm Quốc Quân, để đánh giá cổ vật thì phải trực tiếp quan sát, nghiên cứu.

“Qua những hình ảnh tôi xem trên báo chí thì đây không phải ấn truyền thống của Việt Nam. Căn cứ vào những hoa văn, văn tự, tôi khẳng định đây không phải ấn cổ của vua chúa Việt Nam. Ngay cả ấn người ta làm giả cổ cũng không làm những ấn như thế này”, TS Quân nói.

Ông Quân cho hay, nhiều năm nghiên cứu, ông từng tiếp xúc với rất nhiều các ấn giả cổ. Nhưng ấn giả cổ thường làm tương đối sát với những mẫu ấn thật trong lịch sử.

Chuyên gia nghiên cứu về ấn chương nói: “Chiếc ấn đó không làm theo mô hình ấn thật nào. Nó là ấn mới, mới được sáng tạo nên. Chiếc ấn mới phát hiện ở Nghệ An mang tính hàng hóa nhiều hơn, giống như một vật phẩm lưu niệm, phong thủy hay đồ chơi trưng bày”.

Trước một số ý kiến phỏng đoán chiếc ấn có xuất xứ từ Trung Quốc, triều đại Mãn Thanh, TS Quân khẳng định: “Thường các loại ấn liên quan đến vua, triều đình đều có lạc khoản ghi thông tin thời điểm làm ra nó. Chiếc ấn kia không có, ấn hình rồng thường là ấn vua chúa, thuộc hàng quốc bảo, không dễ gì lưu lạc đến Nghệ An”.

Theo TS Quân, việc người dân phát hiện vật nghi là cổ vật, cơ quan chức năng yêu cầu giao nộp là đúng theo luật di sản. Tuy nhiên, trước khi quyết định thu hồi cần có chuyên gia đánh giá thẩm định, để tránh lãng phí thời gian, tiền bạc.

PGS .TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội khảo cổ Việt Nam cũng đặt ra nhiều nghi vấn về niên đại và giá trị của chiếc ấn hình rồng mới phát hiện ở Nghệ An.

“Từ những ký tự khắc trên ấn, tôi có thể khẳng định, chiếc ấn đó không nằm trong hệ ấn chương của Việt Nam. Tôi chưa được tiếp xúc trực tiếp với hiện vật, còn quá sớm để đưa ra đánh giá cụ thể”, ông Tín nói.

Trước đó, ngày 26.11, gia đình ông Trương Văn Sửu (SN 1961, trú tại xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) đào đất làm vườn thì phát hiện một vật lạ bằng kim loại có 9 đầu rồng, nặng khoảng 1,6kg, có màu đen, vàng, mặt trước và mặt dưới có dòng chữ Hán.

Ngày 30.11, Đoàn công tác của Bảo tàng tỉnh Nghệ An, Phòng văn hóa huyện Nghi Lộc đã về xã Nghi Lâm làm các thủ tục cần thiết để tiếp nhận vật thể lạ nghi là ấn tín cổ của vua chúa thời phong kiến.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tất Định ([Tên nguồn])
Nghệ An Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN