Án oan ông Chấn: 10 năm ân hận của mẹ kế hung thủ
Phát hiện người con trai riêng của chồng là hung thủ giết người, cướp của tàn độc, bà Lành phải chịu nhiều nỗi giằng xé trong suốt quãng thời hơn 10 năm. Vì gia đình, bà im lặng trong khi biết người hàng xóm hiền lành, tốt bụng phải chịu án oan.
10 năm và cuộc đấu tranh nội tâm
Kể lại câu chuyện cách đây 10 năm, bà Nguyễn Thị Lành (mẹ kế của Lý Nguyễn Chung - hung thủ thực sự trong vụ án oan 10 năm Nguyễn Thanh Chấn- PV) cho biết, khi bà nhìn thấy quần áo của Chung trong chậu có dính máu và nước trong chậu cũng loang vết máu, bà đã nghĩ rằng hung thủ vụ án mạng là do Chung gây ra. Sau khi ông Chúc và Chung ngủ dậy vào sáng hôm sau, bà đã hỏi Chung: “Phải mày làm việc hôm qua không?”. Chung thừa nhận là do mình gây ra.
Bà Lành đã không còn những dằn vặt nhưng đã sẵn sàng chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Khi được hỏi chuyện tại sao trong suốt 10 năm, dù đã biết sự thật, nhưng bà vẫn im lặng, người đàn bà cúi mặt như “sám hối” trước lương tâm. Bà kể quãng thời gian 10 năm ròng rã ấy quả là một quãng thời gian khổ sở đối với bà. Nhiều đêm bà trằn trọc không ngủ được và đấu tranh nội tâm, nên nói hay không nói ra cái sự thật động trời kia. Có hôm bà có ý định nói ra sự thật nhưng có một cái gì đó giữ chặt đôi chân và bịt miệng bà lại khi bà nghĩ đến gia đình. Bà sợ mình sẽ làm tuột khỏi tay cái hạnh phúc mong manh dễ vỡ mà bà đã ao ước và vun đắp bấy lâu ấy. Nên dù lúc ấy bà có biết đến mười mươi sự thật, bà vẫn im lặng. Nhưng chính điều đó cũng làm khổ bà suốt 10 năm trời.
Bà Lành kể, vào thời điểm năm 2013, trong nhà không có gì đáng giá ngoài con trâu. Ông bà ngoài việc làm đồng cũng chỉ đi làm thuê để kiếm sống qua ngày. Ông Chúc (chồng bà) làm nghề thợ xây cũng “bữa đực, bữa cái” nên không có tiền để giành, cuộc sống vất vả. Nên khi hay tin chồng định bán trâu để gửi tiền vào Đắc Lắc cho Chung, bà nổi giận. Hai vợ chồng xảy ra tranh cãi.
“Có lúc ông Chúc đuổi đánh rồi dọa giết vợ, mâu thuẫn trong nhà ngày một nặng nề hơn, đến cả chi bộ thôn Me, cũng phải nhờ sự can thiệp của hai công an viên đến khuyên can hòa giải nhưng đều không được…” ông Thọ (Trưởng thôn Me) chia sẻ.
Sợ những trận đòn của chồng, bà Lành phải bỏ nhà đi ra tận Quảng Ninh làm thuê, lúc bà về đến nhà thì lại bị đánh và bị đuổi. Điều này đã khiến bà lo lắng và hành động dọa sẽ nói ra sự thật như là một “vũ khí” cuối cùng của bà đưa ra để nhằm mục đích đảm bảo sự an toàn cho bản thân. Việc bà nói ra sự việc cũng là phút bột phát, điều này đã được phía người nhà gia đình ông Chấn biết được và thâu băng ghi âm.
Đến ngày 25/10/2013, Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú và khai nhận hành vi dùng dao giết chị Hoan vào đêm 15/8/2003. Sau khi chị Hoan chết, hung thủ đã tháo 2 chiếc nhẫn vàng trên tay bị hại cùng 59.000 đồng.
Lý Nguyễn Chung, hung thủ thực sự trong vụ án oan 10 năm
Ân hận muộn màng
Sau ngày nói ra sự thật, dù bị nhà chồng trách móc, bà Lành cũng cảm thấy nhẹ lòng hơn, nhất là hôm được vào thăm Chung, thấy Chung khỏe mạnh hơn trước. Bà không còn những dằn vặt hằng đêm trong giấc ngủ. Nói ra sự thật, bà phải vất vả hơn khi phụ giúp chồng làm thêm công việc để kiếm tiền để làm lộ phí vào thăm con và giúp vợ Chung phần nào để gửi vào nuôi các cháu.
Có đến 4 người (mẹ kế, bố đẻ, anh trai và chị gái của Chung) biết rõ việc Chung đã giết chị Hoan. Tuy nhiên, những người này không những không tố giác mà còn tạo điều kiện cho Chung bỏ trốn. Riêng Lý Văn Phúc còn nhận hai chiếc nhẫn do Chung cướp được của chị Hoan, rồi đi vay tiền đưa cho Chung để Chung trốn vào Đắk Lắk. |
Nhưng cũng vì thế mà bà lại phải chịu tội liên đới, che dấu tội phạm, bà lại không khỏi lo lắng và ân hận. Giá mà ngày ấy cách đây 10 năm, bà nói ra cái sự thật kinh hoàng ấy, thì hậu quả sẽ không thật sự nặng nề như bây giờ.
“Mình là người ít học, nên cũng không nắm rõ được luật pháp. Vậy nên cũng có biết đâu, thời gian ấy cũng chỉ biết là mình im lặng phần cũng để giữ yên ấm trong gia đình, phần là vì sợ chồng và con trai dọa giết. Mãi sau này, khi bột phát nói ra sự việc, rồi được gặp luật sư mình mới biết rằng hành động che dấu tội phạm cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, bà Lành nói.
Dù vậy, bà Lành cho biết bà không còn cảm thấy nặng nề. Chồng bà sau ngày hiểu chuyện cũng về ở cùng bà. Nếu phải trả giá cho sai lầm, bà cũng sẵn sàng.
Nguyễn Thanh Chấn đã rơi nhiều nước mắt vì cuộc đời lắm oan trái của mình.
Vì sao những người che giấu tội phạm trong vụ án oan 10 năm không bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Luật sư Trương Anh Tú: Qua đối chiếu với các điều luật cho thấy “Tội Không tố giác tội phạm” là tội ít nghiêm trọng, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội này là 5 năm kể từ ngày tội phạm được thực hiện. Vụ án đã xảy ra 10 năm, như vậy thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự những người này đã hết. Luật sư Dương Kim Sơn: Theo thông tin đã đưa, những người biết được hành vi phạm tội của Lý Nguyễn Chung được chia làm 2 loại: Một là những người trực tiếp biết được hành vi phạm tội của Chung nhưng cố tình che giấu, không tố giác, đó là: ông Chúc và bà Lành (là bố và mẹ kế của Chung). Lý Văn Phúc (anh trai), Lý Thị Nghiên (chị gái) đều biết được sự việc qua lời kể của Chung nhưng lại đưa Chung vào Đăk Lăk để trốn. Chỉ vì tình thương không đúng chỗ, họ đã có hành vi cấu thành tội phạm “che giấu tội phạm” theo điều 313 của BLHS. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm kể từ ngày xảy ra vụ án thì hành vi phạm tội của họ mới được phát hiện. Các đối tượng trên đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự . Hai là những người gián tiếp biết được hành vi phạm tội: ông Nguyễn Văn Hiền (do bà Lành kể lại) và ông Nguyễn Quang Khánh biết được do ông Hiền kể lại nhưng không tố giác. Những trường hợp này biết sự việc nhưng không có căn cứ chứng minh nên chưa đủ yếu tố cấu thành tội “không tố giác tội phạm”. |