Án oan 10 năm: Ông Chấn có thể… mất nhà
Số tiền bà Chiến vay mượn để đi kêu oan cho chồng đã lên tới gần 200 triệu đồng. Ngôi nhà ọp ẹp chui ra chui vào cũng đã thế chấp ngân hàng.
"Giết người còn kêu oan nỗi gì"
Khi ông Chấn chịu án tù, hàng quán của vợ chồng ông chẳng còn mấy khách lui tới bởi họ khinh rẻ một kẻ giết người, hiếp dâm.
Để có tiền trang trải hành trình đằng đẵng kêu oan cho chồng, ngoài việc đồng áng, bà còn lặn lội sang làng bên mua vài ký thịt lợn về bán lấy vài hào mua rau nhưng lời lãi chẳng đáng là bao. Một thân bà Chiến cực khổ đã đành, đến mẹ chồng bà, các con bà cũng chẳng được yên. Bà Vì, mẹ của ông Chấn là vợ liệt sỹ, góa chồng từ lúc còn trẻ nhưng quyết ở vậy nuôi con. Trước sự việc con trai bị đi tù, người thì nói thẳng vào mặt bà, người lại đàm tiếu sau lưng, nói bóng nói gió khiến bà tan nát cõi lòng, kéo theo sức khỏe cũng suy giảm nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Thanh Chấn bên ngôi nhà đã xuống cấp đã cầm cố lấy tiền cho hành trình kêu oan.
Thương con trai, con dâu và các cháu, thân già đau yếu, bà ra ngoài chợ dựng túp lều để bán tí dưa cà mắm muối nhưng cũng chỉ có một số rất ít người thấy thương hại mà mua. Thương nhất là mấy đứa trẻ, khi bố bị bắt đều đang tuổi đến trường nhưng tất cả đều không vượt qua nổi sự kỳ thị, xa lánh của bạn bè. Cậu út học lên cao đẳng nhưng cũng lại nghỉ nửa chừng vì bạn bè biết được bố mang tội giết người. Thương các con, bà Chiến chỉ biết khóc thầm, khóc vụng rồi lại động viên con cố gắng chịu đựng để bà có thêm nghị lực đi kêu oan cho chồng.
Như hiểu được tấm lòng của bà Chấn, thương người mẹ ốm đau mà vẫn phải gồng mình lên để kêu oan cho chồng. Các con bà cũng cố gắng đi làm thuê chắt bóp từng đồng đỡ đần mẹ xuống Hà Nội kêu oan cho bố. Bà Chiến bảo không nhớ đã bao nhiêu lần về Hà Nội, bàn chân đã đi nhẵn rất nhiều các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tuy nhiên cố gắng của bà đều trở nên vô vọng khi bà gửi đơn kêu oan cho chồng thì nhận được những từ chua xót của các cán bộ tiếp nhận đơn "giết người còn kêu oan nỗi gì"!
Gia đình người chết ngay cạnh nhà thi thoảng lại đến trước cửa mắng chửi từ bà mẹ đến vợ con ông Chấn. Đau đớn không biết bày tỏ cùng ai, hai cô con gái ông Chấn thề nếu không minh oan được cho bố sẽ không đi lấy chồng. Cô con gái lớn xin làm công nhân bị bạn bè xa lánh, ức quá vay tiền đi lao động nước ngoài, dành dụm được chút nào lại gửi về cho mẹ đi kêu oan cho bố
Cậu con trai cả lấy được vợ nhưng cũng chỉ chung sống được một thời gian thì vợ bỏ vì không chịu nổi áp lực con của kẻ giết người. Nhìn cảnh các con học hành dang dở, muốn yên ổn kiếm sống cũng không song, bà Chiến như đứt từng khúc ruột. Bà lại nén nỗi đau của riêng mình lại, gắng động viên các con rồi lặn lội đi kêu oan cho chồng.
Ông Chấn bên gia đình nhỏ thân yêu.
Vay cả trăm triệu, cắm 3 sổ đỏ làm "kêu oan phí"
Bà Nguyễn Thị Chiến, vợ ông Chấn tâm sự với PV báo Đời sống và Pháp luật rằng, nếu kể nỗi khổ cực, nhục nhã, tủi hờn hành trình 10 năm đội đơn kêu oan thì dài tưởng như vô tận. Nó đã vắt kiệt sức lực, tinh thần của bà. Còn về tiền để trang trải dọc chặng đường kêu oan thì bà Chiến cho biết: "Trong 10 năm kêu oan, tôi đã phải vay mượn hơn 170 triệu đồng tiền mặt, còn chưa kể chị, em trong gia đình đã phải cắm 3 sổ đỏ để mượn tiền đưa cho tôi đi kêu oan cho chồng". Có những hôm lê bước đến các cơ quan chức năng, bụng đói cồn cào, cổ khát cháy nhưng chẳng dám đi ăn ở hàng quán bởi sợ đắt đỏ, bà chỉ dám mua cái bánh mì rồi xin ngụm nước uống chống đói, khát.
Cũng trong thời gian gần 3 năm sau vụ án, trong một lần bà Chiến cùng con gái đi tiếp tế cho chồng đã gặp phải một vụ tai nạn khiến cho bà bị rách 2 miếng to ở đùi, còn con gái chị thì ngất lịm đi.
Vết rách ở đùi của bà Chiến do vụ tai nạn khi cùng con gái lên tiếp tế cho ông Chấn
10 năm, với một niềm tin sắt đá rằng chồng mình vô tội, người phụ nữ nông thôn kiên định tuyệt vời đã làm nên điều kỳ diệu. Những chứng cứ bà Chiến gửi cho công an như là “làm cỗ bắc lên cho công an uống rượu” (lời bà Nguyễn Thị Chiến).
Tuy nhiên, hiện nay, vợ chồng ông Chấn lại như ngồi trên đống lửa bởi căn nhà ọp ẹp làm chỗ che mưa che nắng, chui ra chui vào có nguy cơ mất bởi ông bà không đào đâu ra tiền để trả nợ ngân hàng.