Ấn khắc sai chính tả?
Sáng 2/2 (tức mồng 6 Tết), tại Khu Văn hóa núi Bài Thơ, TP Hạ Long (Quảng Ninh), nhiều nhà nghiên cứu văn hóa có mặt tại lễ khai bút, khai ấn đầu Xuân Đinh Dậu 2017 giật mình khi cầm trên tay hàng loạt lá ấn bị sai chính tả.
Chiếc ấn được trao trịnh trọng trong buổi lễ.
Khắc sai ấn mà không biết?
Từ năm 2009, cứ đến mồng 6 tết, Hội Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh (VHNT) lại tổ chức lễ khai bút đầu năm, buổi lễ thu hút đông đảo giới văn nghệ sĩ háo hức tham dự. Năm 2014, không biết xuất phát từ đâu, hội này lại “đẻ” thêm phần “khai ấn”. Chiếc ấn được hội tự nghĩ ra và nghiễm nhiên trở thành vật báu mấy năm nay.
Lễ Khai ấn Hội Tao Đàn lồng ghép lễ khai bút vào ngày mồng 6 tháng Giêng được dựa trên sự kiện lịch sử có thật là bài thơ khắc vào vách đá trên núi Truyền Đăng (thường gọi là núi Bài Thơ) của vua Lê Thánh Tông mang tên “Đề núi Truyền Đăng”, và Hội Tao Đàn của vua Lê Thánh Tông có 28 thành viên với tên gọi “Tao Đàn nhị thập bát tú”.
Ban đầu, ấn được chế tác hình vuông, bằng gỗ, bên trên có con nghê để làm núm, bên dưới đáy có 6 chữ Hán khắc kiểu chữ triện là: “Hồng Đức hiệu, Tao đàn hội”.
“Đa phần những người xin ấn không biết chữ Hán, nên ấn khắc có đúng hay không họ không thẩm định được. Việc hội VHNT vẽ ra một chiếc ấn mang niên hiệu cách đây mấy trăm năm để dùng riêng cho giới văn nghệ sĩ tỉnh nhà nhưng lại mắc quá nhiều lỗi thì quả thực không nên phát ấn”. Cụ Phạm Ngọc Thực, |
Năm 2015, chiếc ấn này được Hội VHNT Quảng Ninh “nâng cấp” lên làm bằng đồng và sáng tạo thêm các chữ nổi (khảm trai) hai bên thành ấn. Một bên, đọc từ trái qua là: “Hồng Đức hiệu, Tao Đàn hội” và bên còn lại là “Truyền đăng sơn từ thu quý nguyệt Nhâm Ngọ niên”. Mặt ấn 6 chữ: “Tao Đàn hội, Hồng Đức hiệu”.
Tại lễ khai ấn, khai bút xuân Đinh Dậu 2017, chiếc ấn Hội Tao Đàn, niên hiệu Hồng Đức này đã bị các nhà nghiên cứu văn hóa và một số người dân am hiểu chữ Hán phát hiện chi chít lỗi chính tả.
Theo TS Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm: chưa nói đến tính thẩm mỹ của dấu ấn trên đó, chỉ mới nghĩa của chữ in trên ấn thôi đã sai rồi. Khai ấn “Hồng Đức hiệu” (洪德號), viết đúng phải là chữ Hồng (洪) với nghĩa “lớn”, thì lại khắc thành chữ Hồng (紅) với nghĩa “màu đỏ”. Cột chữ bên trái khai bút “Tao Đàn hội” (騷壇會) thì viết chữ Tao (騷) nghĩa là “phong nhã” thành chữ Tao (遭) có nghĩa “gặp gỡ”. Cả hai đều là lỗi sai đồng âm Hán Việt. Lỗi này thường do tra từ điển để viết chữ.
Những chữ xung quanh ấn cũng bị cho là sai và sắp xếp không đúng thứ tự
Theo ông Cường, chữ xung quanh ấn cũng sai, ở thành ấn ghi 6 chữ “Hồng Đức hiệu Tao Đàn hội”. Tuy nhiên, chỉ đúng được chữ Hồng và vẫn tiếp tục sai chữ Tao. Chưa hết, một mặt khác của ấn có viết 10 chữ là cũng bị sắp xếp sai thứ tự thành “Truyền đăng sơn từ Nhâm Ngọ niên, quý thu nguyệt”. Trong đó,“quý thu nguyệt Nhâm Ngọ niên” thì viết sai chữ Qúy. Chữ Quý đã khắc là Quý trong thiên can (癸). Còn Quý thu là đầu mùa thu thì viết đúng phải là Quý (季).
Chuyên gia khẳng định ấn sai, “chủ ấn” không chịu
Trước sự việc khai ấn sai chính tả của hội VHNT tỉnh Quảng Ninh, nhiều chuyên gia nghiên cứu Hán Nôm đã khẳng định những chữ được khắc trên ấn về cơ bản là sai chính tả, lỗi này chủ yếu là do tra từ điển để viết chữ.
Một nhà nghiên cứu Hán Nôm còn cho rằng, tác giả của những chữ này chỉ là một người biết Hán Nôm lõm bõm. Sau đó, khi viết, người này còn tra từ điển một cách cẩu thả. “Chắc thuê hội vỡ lòng đánh máy, chữ nào đứng trước tiên thì chọn chữ ấy cho nhanh”, vị TS này nói.
Trao đổi với báo giới, về phía Ban tổ chức, ông Phạm Ngọc Thành (Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh) lại khẳng định ấn của Hội dùng trong dịp lễ vừa qua “là đúng”.
Về 2 chữ được TS Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chỉ ra là viết sai, ông Phạm Ngọc Thành giải thích chữ “Tao” ở mặt ấn có nghĩa gặp gỡ của những người văn chương đầu năm, còn chữ “Hồng” là cầu mong may mắn đầu năm.
“Cái ấn được làm theo ý của chúng tôi, không thể sao chép nguyên văn của vua Lê Thánh Tông được, vì nếu sao chép nguyên văn thì không khác gì chúng tôi làm giả ấn triện”, ông Thành nói.
Mặt dưới của chiếc ấn được các chuyên gia cho rằng khắc sai chính tả.
Theo ông Thành, phát huy giá trị của tiền nhân thì phải chọn những gì tinh hoa nhất, chứ không phải sao chép nguyên văn. Mục đích của lễ hội nêu trên là phục vụ giới văn nghệ sĩ, chứ không phải phục vụ nhân dân nói chung, “trong lễ có việc đóng ấn trên tờ giấy được khai bút thì mới có ý nghĩa”.
Ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân về việc khai ấn bị lỗi, ngày 7/2, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản gửi Hội VHNT Quảng Ninh yêu cầu báo cáo giải trình.
“Chúng tôi làm sao biết là ấn sai hay đúng, chỉ biết một lễ phát ấn được tổ chức ngay gần nhà, có nhiều quan chức đến dự và khai ấn thì rủ nhau đến tham dự thôi. Nhưng thực sự nếu ấn bị sai chính tả như mọi người phản ánh thì quả thật rất đáng buồn. Dù chỉ là ấn của hội thơ văn nhưng mang ý nghĩa và tầm vóc của cả tỉnh, không thể để xảy ra những sai sót đáng tiếc như vậy”, cụ Nguyễn Đức Chung, sống tại phường Bạch Đằng, TP Hạ Long cho biết.
Khai ấn Hội Tao đàn, niên hiệu Hồng Đức thể hiện truyền thống hiếu học, yêu chuộng văn chương, thơ ca, được kế thừa từ Tao đàn Nhị thập bát tú do đức vua Lê Thánh Tông sáng lập vào cuối thế kỷ XV. Đây cũng là lễ khai bút lần thứ 8 do Hội VHNT tỉnh tổ chức vào mỗi dịp đầu năm, nhằm phát động phong trào sáng tác VHNT cho đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà và cũng là lần đầu tiên được phát hiện những lỗi chính tả từ chiếc ấn đã được sử dụng mấy năm nay.
Theo ông Bùi Quang Nam, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh, Hội VHNT là hội chuyên môn của các văn nghệ sĩ, phát ấn là do hội này “sáng tác ra” để động viên văn nghệ sĩ, “hình như có phát cho cả nhân dân nữa”. Trước mắt, sở yêu cầu tạm dừng việc phát ấn này. “Sở sẽ cho kiểm tra, đối chiếu với các quy định của nhà nước, nếu sai đến đâu sẽ xử lý đến đó”.