An Giang kiểm điểm 29 tập thể, 126 quan chức liên quan vi phạm về đất, cát
Thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ, tỉnh An Giang đã tổ chức kiểm điểm 29 tập thể và 126 lượt cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Đây là những tập thể, cá nhân có vi phạm, hoặc chịu trách nhiệm về cấp phép, quản lý khai thác cát và một số nội dung khác được trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2015- 2020, được Thanh tra chỉ ra.
Ngày 21/2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - Lê Văn Phước đã báo cáo việc thực hiện Kết luận thanh tra số 1522, ngày 6/7/2023 của Thanh tra Chính phủ. Kết luận này đã chỉ ra một số sai phạm liên quan tới phòng chống tham nhũng, quản lý sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và cấp phép khai thác cát... tại An Giang (giai đoạn 2015- 2020).
Thực hiện kết luận thanh tra trên, tới nay, An Giang đã thực hiện xong 19 kiến nghị, đang hoặc chưa hoàn thành 16 kiến nghị. Đã có 43 cơ quan, đơn vị thực hiện kiểm điểm trách nhiệm của tập thể và cá nhân liên quan.
An Giang thu hồi các giấy phép khai thác cát và truy thu hàng tỷ đồng. Ảnh: Hòa Hội
Cụ thể, Cục Thuế tỉnh An Giang đã họp kiểm điểm tập thể 6 phòng, 5 đội và 28 cá nhân liên quan với hình thức rút kinh nghiệm. Tổng cục Thuế cũng đã chủ trì họp kiểm điểm lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Cục Thuế An Giang có liên quan.
Chủ tịch UBND cấp huyện đã họp kiểm điểm 30 cá nhân công tác tại 11 phòng trực thuộc; các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện đã họp kiểm điểm lãnh đạo cấp phòng, chi cục, đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
UBND tỉnh An Giang đã họp kiểm điểm tập thể, lãnh đạo UBND tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, gồm 2 chủ tịch và 6 phó chủ tịch. Dù vậy, còn 2 trường hợp chưa kiểm điểm do đã bị khởi tố, tạm giam và 1 trường hợp không xem xét.
UBND tỉnh An Giang cũng tổ chức kiểm điểm 29 tập thể và 126 lượt cán bộ, công chức, viên chức tại 29 đơn vị thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Trong đó có75 cá nhân công tác tại đơn vị cấp tỉnh và 51 cá nhân công tác tại đơn vị cấp huyện.
Báo cáo cũng nêu 4 cá nhân chưa tổ chức kiểm điểm do đang trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam, tạm đình chỉ công tác hoặc chức vụ, gồm: Ông Nguyễn Việt Trí - nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông Vận tải; ông Ngô Hoàng Hiếu - Phó Chánh Thanh tra tỉnh, nguyên Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới; ông Vũ Minh Thao - Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới; ông Nguyễn Hồng Viễn - nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới.
Trước đó, ngày 6/7/2023, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; công tác quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng cơ bản; công tác cấp giấy phép khai thác cát trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2015- 2020. Kết luận này đã chỉ ra nhiều sai phạm của địa phương trong công tác quản lý nhà nước.
Thanh tra Chính phủ yêu cầu tỉnh An Giang tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra những hạn chế, vi phạm trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện pháp luật thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; công tác quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng cơ bản; công tác cấp giấy phép khai thác cát trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, cũng liên quan tới sai phạm về cấp phép, quản lý khai thác cát trên địa bàn An Giang, tháng 12/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - Nguyễn Thanh Bình về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Cũng bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ án còn có: Ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang; ông Nguyễn Việt Trí - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang về hành vi nhận hối lộ; ông Lê Quang Bình, - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Trung Hậu - Tổng 68, bị khởi tố về hành vi vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên và đưa hối lộ…
Vi phạm của ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang và Phó Chủ tịch tỉnh Trần Anh Thư gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc.
Nguồn: [Link nguồn]