Ấn Độ: Vì sao hiếp dâm nhiều hơn cơm bữa?

Từ thiến đến tử hình, Ấn Độ vẫn đang tranh luận làm thế nào để ngăn ngừa những kẻ hiếp dâm, nhưng lại làm được rất ít trong thực tế để ngăn chặn loại tội phạm đang tăng mạnh nhất trong số các hình thức phạm tội ở đất nước 1,2 tỷ dân này.

Nguy cơ phụ nữ Ấn Độ bị hiếp dâm đã tăng gần gấp đôi trong hai thập kỷ qua, nhưng khả năng bị kết án của kẻ hiếp dâm lại giảm đi 1/3, số liệu của Cục Dữ liệu tội phạm quốc gia Ấn Độ (NCRB) cho biết.

Từ đó có thể thấy rằng: Ấn Độ là nơi nguy hiểm đối với phụ nữ. Từ vùng Haryana với sự cai quản của “khap”, tức hội đồng tự bầu của đàn ông trong làng, đến vùng Bengal “cấp tiến”, nạn hiếp dâm vẫn là sự thực tàn nhẫn ở quốc gia vốn đa dạng, phức tạp như chính hệ thống kinh tế xã hội và văn hóa của nước này.

Cứ 20 phút lại có một phụ nữ Ấn Độ bị hiếp dâm. Cứ ba nạn nhân bị hiếp dâm thì một nạn nhân là trẻ em, số liệu năm 2011 của NCRB cho biết. Cứ bốn vụ hiếp dâm mới có một vụ mà kẻ phạm tội bị kết án sau những phiên tòa kéo dài tới nhiều năm.

Tình trạng ứ đọng các vụ hiếp dâm tại tòa đã tăng từ 78% lên 83% trong hai thập kỷ qua. Madhya Pradesh nằm trong số các bang có số vụ hiếp dâm được báo cáo cao nhất trong năm ngoái.

Cảnh sát Haryana tháng trước tiếp nhận hơn chục vụ hiếp dâm xảy ra tại bang này. Chủ tịch quốc hội Sonia Gandhi phải đến TP. Jind, nơi một thiếu nữ đã tự thiêu sau khi bị hiếp dâm tập thể, để khảo sát tình hình.

Ấn Độ: Vì sao hiếp dâm nhiều hơn cơm bữa? - 1

Một trong các vụ biểu tình ở Delhi đấu tranh đòi luật pháp trừng phạt nghiêm khắc những kẻ hiếp dâm sau vụ việc nữ sinh viên 23 tuổi bị cưỡng hiếp trên xe buýt và hành hung đến chết (Nguồn: Economist)

Số liệu của NCRB chỉ phản ánh các vụ được báo cảnh sát, nên số vụ thực tế còn cao hơn nhiều. Nhiều nạn nhân không dám trình báo vì sợ bị xã hội kỳ thị.

Ở nhiều nơi, cảnh sát nhận hối lộ để khuyên các nạn nhân không nên kiện. Cha mẹ các nạn nhân còn bị gia đình đối tượng hiếp dâm con gái mình ép phải hòa giải. Theo Jagmati Sangwan, giám đốc ban nghiên cứu phụ nữ thuộc ĐH Maharshi Dayanand, các điều tra viên khá thờ ơ với việc điều tra và thu thập bằng chứng phạm tội.

Kết quả là, năm 1990 có 41% vụ hiếp dâm bị tòa xử. Sau 10 năm, tỷ lệ này giảm xuống gần 30% vào năm 2000. Năm ngoái, cứ 1 đối tượng phải vào tù thì 3 đối tượng khác thản nhiên phủi tay sau vụ cưỡng hiếp.

Vì sao phụ nữ Ấn bị coi là công dân hạng hai

Xã hội Ấn Độ vẫn duy trì quan điểm méo mó về vai trò của phụ nữ. Yếu tố văn hóa, kinh tế khiến phụ nữ ở đây vẫn bị đối xử như công dân hạng hai.

Nền văn hóa của Ấn Độ chịu ảnh hưởng nặng nề của quan điểm của những người theo đạo Hindu. Những quy định trong luật Dharmaśāstra của đạo Hindu tạo nên tư tưởng bất công đối với người phụ nữ. Tư tưởng phân biệt đối xử với phụ nữ là điều được xã hội chấp nhận vì ngay trong luật Dharmaśāstra cũng cấm phụ nữ làm nhiều điều.

Nghèo khó là một trong những lý do chính khiến phụ nữ bị coi là công dân hạng hai. Khi các gia đình phải chật vật với cơm ăn áo mặc thì chi phí để nuôi con gái là quá tốn kém, trong khi con gái trưởng thành lại phải mất của hồi môn khi đi lấy chồng. Ngược lại, con trai giúp bố mẹ giảm bớt nhiều gánh nặng vì gia đình sẽ có thêm một lao động chính, và đàn ông lại được nhận của hồi môn từ nhà gái.

Ngay cả tầng lớp trung lưu, tức những người đang đi tiên phong trong công cuộc xây dựng và thay đổi đất nước theo hướng tự do hơn, cởi mở hơn ở Ấn Độ vẫn mang nặng tư tưởng thành kiến giới tính đối với phụ nữ.

Vì thế, mỗi năm, hàng nghìn cô gái ở đây phải phá thai vì truyền thống thích con trai, còn các bác sĩ và nhân viên y tế nhận hối lộ để tiết lộ giới tính của thai nhi. Thực trạng này dẫn tới tỷ lệ chênh lệnh giới tính lớn, gây nên nhiều hệ lụy kèm theo, trong đó có hiếp dâm.

Trong khi đó, tình hình tại một số quốc gia Nam Á khác gần Ấn Độ cũng không tốt hơn gì. Theo báo cáo của Tổ chức Nhân quyền quốc tế, cứ hai giờ đồng hồ ở Pakistan lại có một phụ nữ bị cưỡng hiếp. Hệ thống luật pháp và thực thi pháp luật nhằm bảo vệ phụ nữ ở đây rất yếu, và ngay một số cảnh sát và thành viên của các lực lượng vũ trang cũng cưỡng hiếp phụ nữ. Thực trạng này lên đến cao trào vào năm 2002, khi cô gái tên là Mukhtaran Bibi dũng cảm tố cáo việc mình bị cưỡng hiếp tập thể. Dù nhiều nạn nhân như cô thường lựa chọn con đường tự tử sau khi bị chiếm đoạt, nhưng Mukhtaran đã tố cáo những kẻ hãm hại mình, vì thế đã thu hút được sự chú ý của báo giới trong nước và quốc tế.

Còn tại Sri Lanka, phong trào Phụ nữ và tập thể truyền thông nói rằng xã hội Sri Lanka là nơi “những kẻ phạm tội ác ghê tởm chống lại phụ nữ và trẻ em có thể sống ung dung mà ít bị pháp luật sờ đến”.

Những vụ hiếp dâm chấn động ở Ấn Độ năm 2012

7/10, tại Delhi, cô bé 14 tuổi làm ô sin cho gia đình một bác sĩ cho biết em bị ông chủ cưỡng hiếp suốt 1 năm.

14/9, tại Delhi, hai sinh viên ĐH Delhi bị ba sinh người đàn ông cho uống ước pha thuốc kích dục rồi cưỡng hiếp.

25/9, tại Kolkata, sau khi bị chú ruột cưỡng hiếp, em bé 18 tháng tuổi được tìm thấy trong tình trạng đang nằm bên vệ đường, người dính đầy máu.

9/9, tại Haryana, thiếu nữ 16 tuổi bị cưỡng hiếp, video ghi lại cảnh này bị phát tán. Trước đó không lâu, một bà mẹ 30 tuổi cũng bị cưỡng hiếp tập thể và quay video phát tán. Đây là 2 trong số 12 vụ hiếp dâm ở Haryana được báo cảnh sát chỉ trong vòng 1 tháng.

15/6, tại Karnataka, viên chức tòa lãnh sự Pháp Pascal Mazurier bị bắt vì cưỡng hiếp cô con gái 3 tuổi rưỡi. Vụ việc được phát hiện sau khi vợ ông ta báo lên chính quyền.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trúc Quỳnh - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN