Ấn Độ: Khi người sống bị xem như đã chết
“Người chết” lập hiệp hội đấu tranh đòi quyền sống, phụ nữ chỉ kết hôn nếu gia đình chồng có nhà vệ sinh… là một số chuyện lạ lùng chỉ có thể thấy ở Ấn Độ - một trong những nước có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới hiện nay.
“Người chết” đấu tranh đòi lại quyền sống
Santosh Kumar Singh từng phải đấu tranh suốt 9 năm ròng để chứng minh rằng ông còn sống. Trước đó, những người anh em của Kumar Singh tuyên bố ông đã chết và lấy đi mảnh đất của ông sau khi ông kết hôn với một người phụ nữ ở đẳng cấp thấp hơn.
Santosh Kumar Singh không phải là trường hợp duy nhất ở Ấn Độ đang phải tìm cách xóa từ “bị chết” ra khỏi hồ sơ của họ. Giấy chứng tử giả (dễ dàng có được bằng cách hối lộ các quan chức) là cái được dùng khá phổ biến tại đất nước này, nhất là trong vấn đề tranh chấp đất đai.
Hình ảnh thần linh xuất hiện trên các bức tường giúp ngăn chặn tình trạng “phóng uế” nơi công cộng. (Ảnh: BBC)
"Kumar Singh là đại diện cho những cá nhân bị phản bội bởi chính gia đình mình và chính quyền", ông Lal Bihari, một người nông dân cũng từng “bị chết” từ năm 1976 đến năm 1994 cho biết.
Thấy rằng có nhiều người giống mình, Bihari đã thành lập hiệp hội gọi là UP Mritak Sangh để đấu tranh cho quyền lợi của “những người chết còn sống”. Các nỗ lực của hiệp hội đã mang lại kết quả. Sau khi có sự can thiệp của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia, 335 “người chết” đã đòi lại được quyền sống của họ.
Thần linh giúp ngăn chặn “phóng uế” nơi công cộng
Gần 50% dân số Ấn Độ đang phải chịu cảnh không có nhà vệ sinh trong khu nhà ở của mình và vì vậy, việc người dân phóng uế bừa bãi nơi công cộng cũng là một vấn đề lớn khiến các nhà chức trách đau đầu. Nhiều giải pháp được đưa ra trong đó khả quan nhất phải kể đến ý tưởng vẽ hình ảnh các vị thần của người Ấn Độ trên các bức tường.
Ở đất nước này, người dân rất sùng đạo, cho nên sự xuất hiện của các vị thần là điều duy nhất có thể ngăn chặn một ai đó đang có ý định đi tiểu lên tường.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Phát triển Nông thôn Ấn Độ Jairam Ramesh cho biết đất nước này cần nhiều nhà vệ sinh hơn là nhiều đền thờ. Phát ngôn gây tranh cãi của ông đã châm ngòi cho phong trào phản đối của các nhà hoạt động cánh hữu trên khắp Ấn Độ. Vài ngày sau, ông tiếp tục lên tiếng kêu gọi phụ nữ Ấn Độ không kết hôn trừ khi gia đình nhà chồng có nhà vệ sinh.
Hàng trăm nghìn nông dân tự tử
Rất nhiều nông dân Ấn Độ với gánh nặng nợ nần buộc phải nghĩ đến giải pháp tiêu cực là tự tử. Kể từ năm 1995, hơn 250.000 trường hợp như vậy đã được ghi nhận. Mất mùa, chi phí thu lại thấp, những khoản nợ thì ngày càng tăng và không có khả năng thanh toán khiến họ tìm đến cái chết như là lối thoát duy nhất.
Mất mùa, những khoản nợ ngày càng tăng buộc hàng trăm nghìn nông dân Ấn Độ tìm đến cái chết. (Ảnh: wordpress.com )
Ấn Độ là một nước nông nghiệp với khoảng 60% người dân trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia sản xuất. Tuy nhiên, nền nông nghiệp ở Ấn Độ chẳng khác nào “đánh bạc với thời tiết” vì nó phụ thuộc gần như tuyệt đối vào lượng mưa từ các đợt gió mùa. Hạn hán cũng là 1 trong những yếu tố tác động đến tỷ lệ tự tử của nông dân trên khắp đất nước Ấn Độ.
Ấn Độ là quốc gia có tình trạng quan liêu đáng lo ngại nhất ở châu Á. (Ảnh: wsj.com)
Theo thống kê, mỗi năm, có hàng chục nghìn người tìm tới cách giải thoát này. Tự tử thậm chí trở thành nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tử vong ở nhóm người trẻ tuổi Ấn Độ, sau tai nạn giao thông và biến chứng do sinh nở. Bộ trưởng nông nghiệp Ấn Độ Sharad Pawar đã lên tiếng công nhận đây là một vấn đề rất nghiêm trọng mà quốc gia này phải đối mặt.
Vấn nạn quan liêu nặng nhất châu Á Theo báo cáo của Công ty Tư vấn Rủi ro chính trị và kinh tế (PERC) có trụ sở tại Hồng Kông, Ấn Độ là quốc gia có nạn quan liêu đáng lo ngại nhất ở châu Á. Trên thang điểm từ 1 đến 10 (10 là số điểm tồi tệ nhất), Ấn Độ đạt tới 9,21 điểm, vượt cả Việt Nam, Indonesia, Philippines và Trung Quốc. Singapore vẫn là quốc gia có bộ máy quản lý nhà nước tốt nhất, với chỉ số 2,25. Tiếp theo là Hồng Kông, Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia. Kết quả từ một cuộc thăm dò mới đây cho biết 71% người dân Ấn Độ nghĩ rằng gian lận là "việc không thể tránh khỏi của nền kinh doanh trong nước", ngay cả trong lĩnh vực điều trị y tế. Một nhà hoạt động chống lại vấn nạn quan liêu đã từng bị thuyên chuyển công tác tới 43 lần, nhiều quan chức cũng rất hiếm khi chịu trách nhiệm cho dù họ đã đưa ra một quyết định sai lầm nào đó. |