"Ăn bớt” vắc xin vì nhân viên y tế… mệt!
Theo giải trình của nhân viên Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, việc tiêm “thiếu” vắc xin là do bị ốm, mệt.
Chiều 9/5, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã tổ chức gặp mặt PV để giải trình về việc nhân viên y tế của trung tâm này bị “tố” tiêm thiếu vắc xin cho trẻ.
Trước đó, ngày 19/4, anh Nguyễn Dương Lam (TP.Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc) đưa con trai là Kiều Phong đến phòng tiêm chủng số 70 Nguyễn Chí Thanh - Hà Nội (Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội) để tiêm vắc xin Pentaxim mũi 3 và uống Rotateq.
Sau khi anh Lam mua phiếu tiêm hết 1.185.000 đồng, anh để vợ bế con còn anh đứng quan sát nhân viên tiêm. Khi đứng tại đó, anh Lam đã thấy nữ nhân viên tên Hoa bóc lọ vắc xin ra và bơm nước vào rồi rút vào xilanh nhưng rút không hết. Theo quy định đối với vắc xin Pentaxim phải đủ 0,5ml mới có tác dụng, nhưng bà Hoa chỉ rút có 0,3ml, để lại trong lọ khoảng 0,2ml.
Khi anh Lam hỏi lý do tại sao lại không hút hết vắc xin vào xilanh để tiêm cho con trai thì bà Hoa lại tỏ ra lúng túng và đưa ra lý do không thuyết phục. Ngay sau đó, anh Lam đã chụp ảnh, giữ lại lọ vắc xin và gọi điện yêu cầu phòng tiêm chủng, các cơ quan chức năng làm rõ vấn đề.
Vắc xin Pentaxim là loại vắc xin phòng tránh được 5 loại bệnh (bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và hib).
Ông Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội trả lời báo chí
Trao đổi với PV chiều 9/5, ông Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, ngay trong ngày 19/4, trung tâm đã có buổi làm việc về vụ việc này. Ngay hôm đó, nhân viên y tế đã thừa nhận tiêm thiếu vắc xin.
Theo giải trình của nhân viên y tế, nguyên nhân do sức khỏe không đảm bảo, nên quá trình tiêm chủng có sai sót.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Nhật Cảm nhấn mạnh, nhân viên y tế này chỉ ốm mệt chứ không bị sốt hay bị bệnh, do đó không phải lo đến việc lây bệnh cho trẻ. Theo quy định, trường hợp nào không đủ điều kiện sức khỏe thì không được phép tham gia tiêm chủng.
Ông Cảm cũng cho biết, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã cử bác sĩ theo dõi sức khoẻ về mặt tiêm chủng và sẽ kiểm tra xem cháu có được tiêm vắc xin bảo vệ hay không.
“Trung tâm sẽ tiến hành theo dõi sức khỏe của cháu Phong trong 30 ngày. Sau đó sẽ mang cháu đi xét nghiệm lượng kháng thể trong cơ thể. Nếu không đủ lượng kháng thể cần thiết để phòng bệnh, bé sẽ phải tiến hành tiêm lại. Tuy nhiên, theo quy định của nhà sản xuất, mỗi liều vắc xin phải đủ 0,5ml mới có tác dụng”, ông Cảm nói.
Hình ảnh lọ vắc xin và nhãn được cho là bị "ăn bớt" tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội
Trước những thắc mắc của PV về việc có hay không việc ăn bớt vắc xin một cách chuyên nghiệp và có hệ thống, ông Cảm cho rằng tính đến thời điểm này, ngoài sai sót trên, trung tâm vẫn chưa phát hiện ra bất thường nào. Bản thân nhân viên y tế này cũng không có sai sót một cách hệ thống.
Xung quanh sự việc này, PV đặt câu hỏi, liệu có tình trạng nhân viên y tế đã cố tình ăn bớt vắc xin để đem lượng vắc xin thừa này tiếp tục tiêm cho một cháu bé khác? Hậu quả của chuyện này sẽ còn nguy hại gấp đôi khi cùng lúc có nhiều cháu phải sử dụng một loại vắc xin không đảm bảo chất lượng.
Ông Nguyễn Nhật Cảm cho rằng sẽ khó xảy ra chuyện đó vì thuốc đã mở nắp, không được bảo quản lạnh sẽ không có tác dụng phòng bệnh.
Vị Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội còn cho biết: “Chúng tôi đã họp rút kinh nghiệm cho các nhân viên khác và đề xuất hình thức kỷ luật với nhân viên sai phạm. Nhân viên này sai đâu xử đó, không bao che và không nhân nhượng. Bên cạnh đó, xin ý kiến của lãnh đạo sở và các đơn vị liên quan, cá nhân nào sai phạm sẽ xử lý trách nhiệm. Hiện tại nhân viên y tế có sai sót đã được cho nghỉ việc một tuần làm kiểm điểm và đề nghị không cho nhân viên này làm công tác tiêm chủng nữa”.