Âm vang vùng đất thiêng
Có đến Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Trường Sơn, “địa ngục trần gian” Côn Đảo…, chúng ta mới thấy hết, mới cảm nhận sâu sắc về một thời ác liệt đã đi qua, về những mất mát không sao kể xiết.
Đoàn hành trình “Âm vang Trường Sơn” do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM tổ chức đưa chúng tôi đến vùng đất thiêng Quảng Trị vào trung tuần tháng 8/2013. Vùng đất có đến 72 nghĩa trang liệt sĩ - nơi yên nghỉ của gần 60.000 chiến sĩ này giờ không còn là địa danh của một địa phương mà đã trở thành biểu tượng chung, niềm tự hào về một thời hào hùng của dân tộc.
Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào…
Hễ có Việt Nam có Cổ thành/ Kết vòng hoa lửa nối Khe Sanh/ Huân chương khó đủ từng viên gạch/ Tấc đất từng giây mỗi lá cành (Trần Bạch Đằng). Giọng trầm bổng của diễn viên Bình Minh đọc diễn văn trước tượng đài Thành cổ Quảng Trị mở đầu cho hoạt động tri ân của gần 60 văn nghệ sĩ, cán bộ tuyên giáo TP HCM đến hàng vạn chiến sĩ hy sinh tại Thành cổ. Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ/ Trời cũng tự trong xanh và lộng gió…/ Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào (Phạm Đình Lân)…
Những vòng hoa tươi thắm, những nén hương nghi ngút được các thành viên trong đoàn dâng lên. Trong làn khói hương mờ ảo, nhiều người đã lặng lẽ khóc.
Các thành viên trong đoàn hành trình “Âm vang Trường Sơn” thắp hương tại Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn
Thành cổ Quảng Trị là nghĩa trang nhưng nơi đây không có nấm mồ nào mà chỉ có đài tưởng niệm chung dành cho các liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến kéo dài suốt 81 ngày (từ 28/6 đến 16/9/1972). Trong vô vàn di vật của các chiến sĩ để lại, bức thư của anh Lê Văn Huỳnh, sinh viên năm thứ tư Khoa Xây dựng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (quê xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), được tìm thấy ngày 28/10/2002 gây xúc động cho nhiều người.
Chàng lính trẻ Lê Văn Huỳnh viết bức thư vào ngày thứ 77, khi cuộc chiến đã trở nên khốc liệt. Đó là bức tâm thư của anh dành cho mẹ già, cho người vợ mới cưới 7 ngày, cho anh trai, chị dâu, cha mẹ vợ, cháu đích tôn, cho người bạn thân và cả bà con hàng xóm: “Xin mẹ đừng buồn để sống đến ngày tin mừng chiến thắng. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng ở bên mẹ, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau”.
Những dòng anh viết dặn dò người vợ thân yêu như biết trước sự ra đi của mình khiến ai đọc được cũng bồi hồi: “Nếu có điều kiện, em hãy bước thêm bước nữa”; “Ngày thống nhất, em hãy vào Nam tìm anh. Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh hy sinh. Từ thị xã, qua cầu ngược trở lại hỏi thăm đường về thôn Nhan Biều 1. Nếu tính xuôi theo dòng nước thì mộ anh ở cuối làng”.
Trước những di vật quen thuộc của các chiến sĩ để lại như áo quần, ba lô, súng đạn hoen gỉ…, ông Bùi Văn Ngư - trưởng đoàn đại biểu Hội Cựu Đảng ủy xã Tam Kỳ, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương - bùi ngùi: “Cũng một thời cùng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc nhưng chúng tôi được trở về xây dựng quê hương, đất nước, còn các anh đã anh dũng hy sinh cho độc lập tự do dân tộc. Chúng tôi rất biết ơn và vô cùng tiếc thương các anh. Chúc các anh yên giấc ngủ ngàn thu cùng đất mẹ”.
Nhắc nhớ một thuở hào hùng
Khi màn đêm buông xuống, đoàn chúng tôi đến Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn nằm trên khu đồi Bến Tắt thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Đây là nơi yên nghỉ của hơn 10.000 chiến sĩ thuộc Binh đoàn Bộ đội Trường Sơn hy sinh khi giữ gìn con đường huyết mạch nối liền hai miền Bắc - Nam.
Trước tượng đài uy nghi, nhà văn Trần Minh Hợp xúc động: “Khi một lần đặt chân đến nơi này, chúng ta mới thấy hết, mới cảm nhận sâu sắc một thời ác liệt đã đi qua, về những mất mát không sao kể xiết. Các anh đã ngã xuống cho nơi đây thành mảnh đất thiêng liêng, cho Trường Sơn thành huyền thoại. Các anh đã mang vào lòng đất hình ảnh quê nhà có mẹ già ngày đêm mỏi mắt trông con, có người em gái khóc thầm chờ đợi. Có lẽ trước người thân, các anh đành lỗi hẹn bởi đã vẹn lời thề với Tổ quốc thân yêu”.
Trong màn đêm tĩnh mịch giữa nghĩa trang, những văn nghệ sĩ, cán bộ tuyên giáo TP HCM chia nhau từng nén hương, thắp từng ngọn nến trước các phần mộ. NSƯT Mỹ Uyên xúc động: “Lần đầu tiên đến Trường Sơn, biết được sự hy sinh của các chiến sĩ, tôi thấy mình quá nhỏ bé. Các anh đã hy sinh mà không hề có sự tính toán cho cá nhân mình. Nếu có dịp, mỗi năm tôi sẽ trở lại Trường Sơn, thắp nén nhang cho các anh ấm lòng”.
Ngay trong đêm Trường Sơn, một chương trình văn nghệ “dã chiến” đã làm bừng dậy sức sống của những ngày tháng hào hùng năm nào qua giọng ca NSƯT Quỳnh Liên, ca sĩ Hoài Phương, ca sĩ Huỳnh Lợi, các nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Thế Hiển, Phạm Hoàng Long, Thập Nhất, Nguyễn Văn Hiên… Nhạc sĩ Trần Long Ẩn - Chủ tịch Hội Âm nhạc TP HCM, thành viên lớn tuổi nhất đoàn - tâm sự: “Đã 4 lần tôi đến Trường Sơn và lần nào cũng đều cho tôi cảm xúc rất lạ. Đó là tình cảm thiêng liêng dành cho những chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Những chuyến đi như thế như nhắc tôi về một thời hào hùng và các chiến sĩ xứng đáng là những ngôi sao sáng trên bầu trời Tổ quốc”.
Kỳ tới: Xanh cùng năm tháng
Nhận lại những bài học lịch sử Bà Thân Thị Thư - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM - thổ lộ: “Hành trình “Âm vang Trường Sơn” như một nhịp cầu để mỗi chúng ta hồi ức về quá khứ hào hùng, về một thời bom đạn, đau thương mà oanh liệt. Cuộc hành trình đã đưa chúng ta về thăm lại chiến trường xưa, nơi hằn in bao khốc liệt của chiến tranh, nơi ghi dấu sự hy sinh không gì bù đắp được. Chúng ta về đây để nhận lại những bài học lịch sử trong từng thớ đất, con người, trong mỗi cành cây, ngọn cỏ... Nồng nàn hơn, trong lòng mỗi chúng ta đang trào dâng một tình yêu Tổ quốc, tình yêu đất nước, quê hương”. |