Ám ảnh những chuyến săn voọc

Nhiều người già ở huyện Hương Khê - Hà Tĩnh kể lại, thời điểm những năm 80-90 thế kỷ trước, người đi rừng mà gặp từng đàn mấy chục con voọc là chuyện bình thường.

“Kỹ nghệ” săn voọc

Trong một lần đi công tác tới huyện miền núi Hương Khê - Hà Tĩnh, tôi được một đồng nghiệp tên Tuấn, đang công tác tại một tờ báo địa phương mời đến một quán đặc sản thú rừng. Là chỗ bạn học ngày xưa, Tuấn không ngần ngại dẫn đến một quán đặc sản nằm gần sát đường Hồ Chí Minh. Đúng là quán xá nơi đại ngàn Trường Sơn có khác, có nhiều món lần đầu tiên tôi mới nghe, nào là cháo voọc, óc voọc chần cho đến tiết canh voọc, chân lợn rừng hầm măng... Đồ uống thì không thể thiếu cao voọc ngâm, voọc con ngâm rượu...

Gã chủ quán tên Nam hồ hởi giới thiệu những đặc sản vùng biên mà chỉ nghe thôi tôi đã rợn cả người. Lấy cớ không quen, tôi từ chối món cháo voọc và gọi mấy món lợn rừng. Sau buổi hôm đó, tôi hỏi ông bạn đồng nghiệp “lấy quái đâu ra mà nhiều voọc thế ông, hàng giả à?”, Tuấn vỗ vai tôi bảo, gã chủ quán từng là một tay buôn voọc có hạng ở vùng này, nên hắn biết cách gom hàng “độc”, ở đây toàn hàng thật cả đấy. Để chứng minh những đặc sản nơi đây không phải hàng rởm như ở thành phố, Tuấn hứa hôm sau sẽ đưa tôi đi gặp những tay thợ săn voọc nổi tiếng một thời.

Đúng hẹn, sáng hôm sau Tuấn chạy qua đón tôi. Từ trung tâm huyện phải mất khoảng 2 tiếng đường rừng để đi đến thôn Phú Lâm – xã Phú Gia (địa điểm tiếp giáp biên giới Việt – Lào – PV). Người đầu tiên chúng tôi ghé thăm là ông Lê Văn P., ông P. năm nay đã gần 70 tuổi và là một trong những thợ săn thiện xạ nhất của vùng này. Theo lời ông kể thì ông đã có gần 60 năm kinh nghiệm. Lúc 10 tuổi, bố ông đã dẫn ông theo những chuyến đi săn xuyên rừng bạt núi, vì thế những ngọn núi, những cánh rừng đại ngàn giữa biên giới Việt – Lào rộng là thế nhưng ông thuộc như trong lòng bàn tay.

Ám ảnh những chuyến săn voọc - 1

Sau một hồi trò chuyện, Tuấn đặt vấn đề muốn ông P. dẫn tôi theo phường săn một lần cho biết “mùi”. Ông P. tỏ vẻ tiếc nuối bảo: “Tôi giờ già rồi, săn bắn chi nữa, đi đến bìa rừng đã thấy mệt chứ chưa nói đến vào trong rừng sâu. Mà giờ voọc ít lắm, đi săn cả tuần có khi chả được con nào, với lại, mùa này (lúc đó là mùa đông – PV) không phải là mùa săn voọc”. Tuấn nài nỉ thêm lần nữa nhưng không được, đành quay sang tìm sự cảm thông từ phía tôi. Thú thực, tôi không khoái cái món săn bắn lắm, chỉ muốn tìm hiểu câu chuyện săn voọc của người thực việc thực. Như muốn “bù đắp”, ông P. mời chúng tôi ở lại ăn cơm trưa. Trong bữa cơm hôm ấy, tay thợ săn thiện nghệ ngày nào mang ra một bình rượu khá lớn, trong đó có ngâm một con voọc chừng 15 kg. Theo ông P. thì đây là chiến tích từ 7 năm về trước, trong một lần ông đi săn ở rừng Cơn Trồ, ngay sát biên giới nước bạn Lào.

Đang kể về chuyện đi săn, dường như “ngứa nghề”, ông P. chạy vào nhà lấy chiếc súng kíp và chiếc nỏ ra khoe. Vừa lau súng, ông P. chậm rãi kể: “Voọc là loài vật rất khôn, nếu không biết cách thì không dễ để bắt được chúng. Tuy thế, voọc lại rất tham ăn, cánh thợ săn thường dựa vào đặc tính này để bẫy. Mỗi lần đi săn, ngoài súng, cung, nỏ, bẫy thì còn có chuối chín, thuốc gây mê... Mỗi lần đi săn như thế, chúng tôi thường chọn những cánh rừng có nhiều hang đá, vách núi, vì đêm đến voọc “rủ” nhau chui vào hang đá ngủ, ban ngày mới ra ngoài kiếm ăn.

Thợ săn thường treo chuối chín đã tẩm thuốc mê quanh khu vực đó rồi đặt bẫy ở cửa hang. Bọn voọc tinh khôn lắm, sáng nhìn thấy chuối, chúng chưa lao vào ăn ngay, con đầu đàn đi một vòng ngó quanh xem động tĩnh để đảm bảo không có ai theo dõi. Sau đó chúng mới giành nhau ăn. Những con voọc ăn phải chuối tẩm thuốc thì một lúc sau lăn ra ngủ, lúc này thợ săn chỉ việc xách bỏ vào lồng đã mang sẵn”.

Ám ảnh voọc mẹ dính bẫy vẫn “ẵm” voọc con

Theo ông P. thì không phải khi nào cũng gặp được đàn như vậy, và nếu chỉ dùng chuối tẩm thuốc mê mà bắt được voọc thì dễ quá, ai cũng đi săn được. “Chỉ khi nào hên gặp đàn thì mới được như vậy, còn bình thường thì vẫn phải dùng súng, cung tên để săn bắn, dùng các loại bẫy để đặt. Trước đây voọc nhiều, giờ chúng bị săn liên tục nên cũng hiếm đi rồi, với lại rừng giờ còn mấy nữa đâu, nếu đi săn thì có khi phải sang tận đất Lào”, ông P. cho biết.

Rời nhà ông P., chúng tôi sang nhà ông Nguyễn Văn K. cũng là một thợ săn có hạng ở vùng này, nhưng vừa giải nghệ cách đây mấy năm. Nếu như ông P. nổi tiếng về khả năng bắn như một xạ thủ, con mồi nào đã lọt vào tầm ngắm của ông thì ít có cơ hội sống sót, thì ông K. lại là một thợ săn kiếm cơm bằng việc đặt bẫy thú. Căn nhà gỗ khang trang nằm ở cuối làng, nhìn khá đơn giản, theo Tuấn thì căn nhà này đã được trả giá 300 triệu đồng nhưng ông K. chưa muốn bán. “Nhìn thế thôi nhưng toàn gỗ “xịn” cả đấy”. Căn nhà gỗ ba gian có giá hàng trăm triệu đồng được “trang trí” bởi khá nhiều loại bẫy thú khác nhau, từ bẫy kẹp, bẫy sập, bẫy lồng... đầy vẻ hoang dã.

Vì quen Tuấn từ trước nên ông K. niềm nở đón tiếp chúng tôi và có nhã ý mời ở lại ăn cơm rồi hẹn tối ông dẫn đi săn gà rừng. Câu chuyện săn bắn đang xôm, nhưng khi nói về việc săn voọc thì ông cứ cố tình lảng tránh sang chuyện khác. Dè dặt mãi, ông K. mới kể lại chuyện nghề của mình.

Thời đỉnh cao của “sự nghiệp”, ông K. thường sử dụng bẫy lồng để săn voọc. Theo lý giải của ông thì làm cách này voọc sẽ bớt đau đớn hơn và thường bắt sống được chúng, bán sẽ được giá hơn. Dùng bẫy lồng khá đơn giản, chỉ mất công tìm ra nơi trú ngụ của voọc, rồi cho thức ăn vào lồng, voọc đánh hơi thấy thức ăn chui vào, dẫm phải thanh lẫy là bẫy sập, voọc thành “tù binh”, thợ săn chỉ việc khênh về. Tuy nhiên, cách này chỉ có nơi nào địa hình thuận lợi mới áp dụng được, còn không vẫn phải dùng bẫy kẹp. Cánh thợ săn thường đặt bẫy kẹp ở ngoài, còn ông K. thì có thể tự tạo được những chiếc bẫy kẹp của riêng mình mà không kém phần lợi hại.

“Bẫy kẹp của tôi lợi hại nhất vùng này, từ cầy hương cho đến lợn rừng mấy chục cân, “khi dính” đều không thoát. Nhưng tôi giải nghệ cũng bắt nguồn từ bẫy kẹp”. Trầm ngâm một lúc, ông K. kể tiếp về lý do ông giải nghệ. Cách đây khoảng 5 năm, lúc ấy những đàn voọc sinh sống tại các cánh rừng ở Hương Khê đã ít dần, ông K. và con trai theo dấu một đàn voọc sang tận địa phận nước bạn Lào. Vì địa hình hiểm trở nên không thể dùng bẫy lồng, ông chuyển qua dùng bẫy kẹp tự tạo. Cả ngày hôm đó hai bố con rải bẫy xung quanh khu vực trú ngụ của đàn voọc tội nghiệp. Tối mắc võng ngủ, ông K. mừng thầm vì lần này gặp được đàn voọc đông, ít ra cũng kiếm được dăm con mang về.

Đúng như dự đoán, sáng hôm sau mới đi thăm một nửa số bẫy nhưng đã có 5 con dính bẫy. Con bị bẫy kẹp gãy tay, con gãy chân tất cả đều được nhốt chung vào một lồng để chiều mang về. “Đến gần trưa, khi thăm những chiếc bẫy cuối cùng, một cảnh tượng đã ám ảnh cả cuộc đời tôi, một con voọc cái khoảng chừng 13 kg sập bẫy, chiếc chân phải của nó gãy gập và đang bị kẹp giữa hai thanh gỗ lớn. Máu chảy ướt đẫm cả vạt lá khô bên cạnh, thế nhưng trên tay nó vẫn đang bồng một con voọc con mới sinh. Tôi sững người trước tình cảnh ấy.

Mấy chục năm trong nghề chưa có điều gì làm tôi sợ, nhưng lúc này tôi thấy ghê sợ chính mình. Định bụng sẽ thả hai mẹ con voọc tội nghiệp, nhưng chân đã gãy gập, voọc mẹ không thể lết đi được. Tôi quyết định đưa về nhà để nuôi, nhưng hai hôm sau voọc mẹ chết, chú voọc con cũng không thể sống nổi vì còn non quá. Sau lần ấy, tôi không dám bước chân vào rừng săn voọc nữa”.

Những câu chuyện về săn bắn luôn cuốn hút người nghe, có khi vì nó hấp dẫn bởi sự lạ lẫm, nhưng cũng có khi nó ám ảnh cả một đời người. Rời nhà ông K., trong đầu tôi đặt ra câu hỏi, sao con người lại có thể dã man đến vậy? Dường như hiểu được suy nghĩ của tôi, Tuấn bảo “liên quan đến voọc còn nhiều cái ám ảnh và dã man hơn nữa ông ạ. Ông có biết người ta ăn óc voọc sống như thế nào không?” Để chứng minh, mấy ngày sau Tuấn đưa tôi đi xem. Cho đến tận bây giờ, những hình ảnh man rợ của bữa tiệc “óc voọc tươi” ấy vẫn ám ảnh tôi, kể cả trong giấc ngủ.

(Còn nữa)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quốc Triều (Người đưa tin)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN