AIC dùng chiêu gì để bao trọn các gói thầu tại Trung tâm công nghệ sinh học?

Sự kiện: Thời sự

Cựu Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM Trần Thị Bình Minh cùng các bị can đã ký phê duyệt điều chỉnh dự án khi chưa tổ chức thẩm định, tạo điều kiện cho công ty của Nguyễn Thị Thanh Nhàn nâng giá các gói thầu trong Dự án Trung tâm công nghệ sinh học (khu công nghệ cao TPHCM).

Theo thông tin từ TAND TP.HCM, dự kiến ngày 10/7 sẽ đưa ra xét xử bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (SN 1969, trú Bắc Ninh, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC), cùng hai cấp dưới là Trần Mạnh Hà (SN 1971, ngụ Ninh Bình; Phó Tổng Giám đốc AIC), Trần Đăng Tấn (SN 1975, trú Hòa Bình, Trưởng Văn phòng đại diện AIC tại TPHCM)  về tội đưa hối lộ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Cả ba bị cáo này hiện đang bỏ trốn và bị truy nã quốc tế.

Bị cáo Dương Hoa Xô (SN 1960, ngụ Hà Nội, cựu Giám đốc Trung tâm CNSH TP.HCM) bị đưa ra xét xử về tội nhận hối lộ. Bị cáo Trần Thị Bình Minh (SN 1963, cựu Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM) và Phan Tất Thắng (SN 1968, cùng ngụ Hà Nội; cựu Phó trưởng phòng kinh tế ngành thuộc Sở KH&ĐT TP.HCM) bị đưa ra xét xử về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. 8 bị cáo khác bị xét xử về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong vụ án này, bị hại được xác định là Trung tâm công nghệ sinh học TPHCM. Để phục vụ công tác xét xử, tòa đã triệu tập 37 pháp nhân và 74 cá nhân là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Phạm Lương Toản. Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 12/7.

6 lần nhận hối lộ!

6 lần nhận hối lộ!

Hồ sơ vụ án thể hiện, Trung tâm công nghệ sinh học là pháp nhân trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, có nhiệm vụ tham mưu giúp UBND TP về định hướng phát triển, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học lĩnh vực nông nghiệp, xử lý môi trường, công nghiệp thực thẩm và y dược học; nghiên cứu và tiếp nhận, khiển khai các quy trình, kỹ thuật hiện đại về công nghệ sinh học…

Vì mục tiêu và định hướng nêu trên, TPHCM ban hành văn bản số 233/UBND-CNN chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Trung tâm trên tổng diện tích đất 2,3ha, tại Khu công nghệ cao (TP.Thủ Đức) tổng mức đầu đầu tư dự kiến 1.632 tỷ bằng nguồn vốn ngân sách cấp.

Sau đó, trung tâm có văn bản đề xuất thành phố tách dự án trên thành hai dự án riêng biệt và được chấp thuận, gồm: Dự án xây dựng khu nghiên cứu và Dự án mua sắm trang thiết bị cho 12 phòng thí nghiệm chuyên ngành. UBND TP, giao các Sở, ban ngành phối hợp thành lập hội đồng khoa học phục vụ dự án, giao Sở kế hoạch đầu tư thẩm tra phê duyệt dự án…

Lúc này, Dương Hoa Xô với vai trò là giám đốc Trung tâm ký quyết định thành lập Hội đồng khoa học (HĐKH) gồm 10 thành viên do phó giám đốc trung tâm Nguyễn Quốc Bình làm chủ tịch HĐKH có nhiệm vụ lập dự án, kế hoạch thực hiện, lập hồ sơ yêu cầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu, xem xét và thẩm định các hồ sơ liên quan đến dự án.

Ngày 9/8/2011, HĐKH hoàn thành việc lập Dự án mua sắm thiết bị phòng thí nghiệm có tổng mức đầu tư hơn 566 tỷ đồng.

Dự án sau đó được Sở kế hoạch đầu tư thẩm định và phê duyệt. Hình thức đấu thầu rộng rãi. Để triển khai dự án, tháng 7/2015, Xô thành lập tổ chuyên gia giúp việc pháp lý. Cuối tháng này, Xô ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, Trung tâm công nghệ sinh học chỉ định Công ty AIC thực hiện gói thầu.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định trong quá trình lập, phê duyệt, tổ chức đấu thầu Dự án đầu tư nâng cấp và mua sắm máy móc thiết bị phục vụ nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm sản phẩm vi cơ điện tử tại Trung tâm nghiên cứu triển khai khu công nghệ cao TPHCM, các bị can đã có hành vi thông đồng giữa Cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn đấu thầu và nhà thầu cung cấp thiết bị, vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật Đấu thầu, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản nhà nước.

Cụ thể, cáo trạng xác định, khoảng tháng 4-2014, Nguyễn Thị Thanh Nhàn làm quen, đặt vấn đề và được Dương Hoa Xô đồng ý tạo điều kiện để Công ty AIC tham gia thực hiện dự án mua sắm thiết bị 12 phòng thí nghiệm thuộc dự án đầu tư của trung tâm công nghệ sinh học.

Sau đó, Nhàn cử Trần Mạnh Hà, Trần Đăng Tấn đến Trung tâm công nghệ sinh học gặp Xô để bàn bạc, thống nhất về chủ trương thực hiện gói thầu, thống nhất việc thay đổi danh mục thiết bị, nâng giá dự toán để cho Công ty AIC hưởng lợi 40% giá trị gói thầu.

Được sự gật đầu đồng thuận từ Xô, Nhàn và thuộc cấp đã sử dụng các công ty trong hệ sinh thái của Công ty AIC dễ dàng ẵm trọn 8 gói thầu cung cấp thiết bị cho Trung tâm công nghệ sinh học. Trong quá trình thực hiện hồ sơ và trúng thầu, Nhàn chỉ đạo Hà và Tấn 6 lần mang 14,4 tỷ hối lộ cho Xô.

Số tiền nhận hối lộ, để các gói thầu không bị phát giác vi phạm, trong các Sở, ban, ngành phê duyệt hồ sơ dự án, Xô chia cho Trần Thị Bình Minh- Phó giám đốc Sở kế hoạch đầu tư một tỷ, Nguyễn Đăng Quân- Phó giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học 950 triệu, Nguyễn Viết Thạch, Trưởng Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Trung tâm công nghệ sinh học 1 tỷ, số tiền còn lại 11,35 tỷ Xô sử dụng vào mục đích cá nhân.

Cáo trạng xác định Xô đã có hành vi nhận hối lộ 14,4 tỷ từ Nguyễn Thị Thanh Nhàn để giúp Công ty AIC và các công ty do Công ty AIC chỉ định, cho tham gia đấu thầu, trúng thầu trái pháp luật 8 gói thầu của dự án, chỉ đạo nhân viên trung tâm công nghệ sinh học nâng khống giá trị gói thầu, thực hiện các hành vi thông thầu gây thiệt hại cho Nhà nước tại 8 gói thầu của dự án với tổng số tiền hơn 94,6 tỷ đồng.

Liên danh ‘‘ma quái’’ quân xanh, quân đỏ

Cáo trạng xác định, quá trình tham gia dự thầu các gói thầu mua sắm thiết bị cho 12 phòng thí nghiệm thuộc Dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị Trung tâm công nghệ sinh học thành phố, Nguyễn Thị Thanh Nhàn với vai trò chủ mưu, chỉ đạo đã thực hiện các hành vi vi phạm đấu thầu.

Các bị cáo trong vụ án

Các bị cáo trong vụ án

Theo hồ sơ, Nhàn dùng Công ty Gene Việt liên danh với Công ty AIC để thực hiện 3 gói thầu. Trong đó, Công ty AIC thực hiện việc ngoại giao và chi phí. Công ty Gene Việt chịu trách nhiệm phần chuyên môn gồm mua hàng, bàn giao, lắp đặt, hướng dẫn vận hành, bảo trì) và phải đảm bảo mức lợi nhuận cho Công ty AIC tương đương 40% giá trị mỗi gói thầu. Gen Việt cũng phải chịu trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu để liên danh AIC- Gene Việt trúng thầu.

Do mới thành lập, chưa đủ năng lực để tham gia dự thầu nên các thành viên Gene Việt thông nhất sử dụng pháp nhân Công ty CP Việt Á- do Phan Quốc Việt làm Tổng giám đốc (Việt bị khởi tố, bắt giam trong vụ án sản xuất kit test) vì Công ty CP Việt Á có 10% vốn góp trong Công ty Gene Việt đại diện đứng tên liên danh và thực hiện hoạt động đấu thầu.

Một mũi Nhàn mang tiền đi bôi trơn thông qua các thuộc cấp của AIC gồm Trần Mạnh Hà, Trần Đăng Tấn. Một mũi Phan Quốc Việt chỉ đạo Võ Anh Triết- Phó tổng giám đốc Việt Á phối hợp với Xô và thuộc cấp của Xô triển khai thực hiện ba gói thầu giai đoạn 1 của dự án. Đồng thời, Phan Quốc Việt giao Đồng Sỹ Huy- Phó Tổng Việt Á điều chỉnh làm đẹp hồ sơ năng lực của Gene Việt nhằm đủ điều kiện tham gia đấu thầu và trúng thầu

Sau đó, Đồng Sỹ Huy và một số nhân viên Công ty Việt Á như Vũ Đình Hiệp, Trần Đăng Hiếu… phối hợp với nhân viên Công ty AIC lập hồ sơ dự thầu và nộp hồ sơ dự thầu liên danh, các công ty ‘‘quân đỏ’’ gồm Công ty CP Y dược phẩm Vimedimex và các công ty ‘‘quân xanh’’, gồm: Công ty Nam Anh, Công ty Đông Dương, Công ty Công nghệ cao, Công ty uy tín Toàn cầu… làm hồ sơ dự thầu liên danh với AIC để trúng các gói thầu giai đoạn một của Dự án.

Cũng bằng chiêu thức trên, trong các gói thầu giai đoạn 2, giai đoạn 3, Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Công ty AIC, các công ty do AIC nhờ đứng tên thay và liên danh đã dự thầu và trúng thầu 8/10 gói thầu trị giá hơn 400 tỷ. Toàn bộ 8 gói thầu này ngân sách đã thanh toán xong. Trong đó, số tiền thiệt hại trong 8 gói thầu theo kết luận định giá tài sản hơn 94,6 tỷ.

Cáo trạng xác định, để các hành vi sai phạm xảy ra trong 8 gói thầu tại dự án Trung tâm công nghệ sinh học thành phố, ngoài vai trò chủ mưu của bị cáo Nhàn, còn có sự giúp sức của Trần Mạnh Hà, Trần Đăng Tấn và các bị can là nhân viên dưới quyền; bên cạnh đó là hành vi làm trái quy định của các bị can thuộc Sở KH&ĐT TP.HCM.

Trong đó, cáo trạng xác định, cựu Phó giám đốc Sở Trần Thị Bình Minh, vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng chức vụ quyền hạn chỉ đạo bị can Phan Tất Thắng lập tờ trình để ký quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án khi chưa tổ chức thẩm định; không thực hiện thủ tục cần thiết để xử lý sai phạm của chủ đầu tư, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Ngoài vụ án này, trước đó, năm 2023, Bản án sơ thẩm của TAND TP. Hà Nội và bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên phạt Nguyễn Thị Thanh Nhàn 30 năm tù về tội vi phạm đấu thầu, đưa hối lộ liên quan Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Tháng 10-2023, Nhàn tiếp tục bị TAND TP Quảng Ninh xét xử sơ thẩm trong vụ án thông thầu Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh. Đầu năm 2024, TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án, tuyên phạt Nhàn 10 năm tù về tội vi phạm quy định đấu thầu… Tổng hợp hình phạt 2 bản án là 30 năm tù.

Tháng 12-2023, Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục bị khởi tố về hành vi vi phạm quy định đấu thầu trong vụ án xảy ra tại Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) thuộc Bộ TT-TT.

Bắc Ninh - Bị kẻ gian lừa cài phần mềm bảo mật dẫn đến mất 11,9 tỷ đồng trong tài khoản, khách hàng kiện Vietcombank không tư vấn, cảnh báo phương pháp bảo mật khiến bị thiệt hại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bích Hà ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN