Ai xứng đáng là đại biểu Quốc hội?

Sự kiện: Họp Quốc hội

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng - ông Vũ Quốc Hùng cho rằng đã đến lúc nên thay đổi các tiêu chí chọn đại biểu Quốc hội.

Phóng viên đã trao đổi với ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng về vấn đề này.

Phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi chiều 22/10, Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. HCM) cho rằng "đừng chọn người có chức vụ làm đại biểu chuyên trách vì người có chức vụ thường chỉ tay 5 ngón”. Ông nghĩ sao về phát biểu này?

Ai xứng đáng là đại biểu Quốc hội? - 1

Ông Vũ Quốc Hùng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng

Đại biểu Đỗ Văn Đương nói vậy có một phần đúng, nhưng chưa khái quát được vấn đề. Đúng ở chỗ nếu bầu những người có thói quan liêu, thiếu trách nhiệm, vô cảm vào vị trí đại biểu Quốc hội thì họ sẽ thường chỉ tay 5 ngón bởi họ ỷ vào chuyện khối lượng công việc, nhiệm vụ quá nhiều. 

Thế nhưng, ở khía cạnh khác, khi một người tham gia vào nhiều việc, có chức có quyền, có trách nhiệm với nhân dân được bầu làm đại biểu, họ có thể phát huy sự ảnh hưởng khiến mong muốn của dân được thực hiện có hiệu quả hơn.

Theo ông đã đến lúc nên thay đổi các tiêu chuẩn, tiêu chí chọn đại biểu quốc hội chưa và cần thay đổi như thế nào cho phù hợp?

Hiện tại tôi thấy quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội chung chung quá, cần cụ thể hơn nữa.

Muốn trở thành đại biểu Quốc hội – cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước này – tiêu chuẩn đầu tiên phải đề cập tới đó là: Họ phải là những người thực sự tiêu biểu trong số những người hết mực yêu nước, thương dân, những người có tinh thần trách nhiệm cao, lúc nào cũng đau đáu lo cho dân, cho nước.

Ngoài ra, đã là đại biểu quốc hội phải làm việc quên mình, thấy việc gì của dân – không chỉ dân ở địa phương mình mà trên cả nước – thì phải tìm hiểu và phải tỏ thái độ. Hơn nữa, đại biểu phải tích cực đấu tranh với những kẻ làm hại dân, quan liêu, hách dịch, vô trách nhiệm…để bảo vệ những ý kiến đúng đắn, nguyện vọng chính đáng của dân.

Đó là tinh thần chung còn cách thể hiện bằng văn phong, các điều khoản cụ thể ra sao thì các cơ quan soạn thảo quy định sẽ làm.

Ai xứng đáng là đại biểu Quốc hội? - 2

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng cho rằng đã đến lúc nên thay đổi các tiêu chí chọn đại biểu quốc hội.

Có nên thay đổi số lượng đại biểu chuyên trách, đại biểu kiêm nhiệm không thưa ông?

Tôi cho rằng nên tăng số lượng đại biểu chuyên trách, giảm đại biểu kiêm nhiệm vì một ngày chỉ có 24 tiếng nên dù đại biểu kiêm nhiệm có tích cực đến đâu cũng chỉ là “người hành chính”, tức là suốt ngày họp hành, không sâu sát được việc gì.

Thứ người dân mong đợi nhất sau các kỳ họp quốc hội là có nhiều biện pháp, luật… để điều tiết sự phát triển của đất nước này đồng thời phải có sự kiểm tra, giám sát thi hành luật. Do vậy, phải chọn được những người hết sức khách quan, không ràng buộc để tránh tình trạng họ vừa đá bóng vừa thổi còi.

Một đại biểu Quốc hội cho rằng mỗi đại biểu chuyên trách nên phát biểu tối thiểu một lần trong các kỳ họp của Quốc hội. Ông có đồng tình với quan điểm trên?

Quá đúng. Thậm chí tôi cho rằng họ phải có thật nhiều ý kiến và không chỉ nêu ý kiến tại các kỳ họp của quốc hội mà phải ý kiến hàng ngày, thấy có vấn đề chưa hợp lý là phải chất vấn các cấp, các ngành mọi lúc.

Việc họ lười phát biểu như hiện nay cho thấy tinh thần chiến đấu, sự phản kháng, sự cởi mở… chưa nhiều dù đã có tiến bộ so với trước. Mặt khác, điều đó chứng tỏ có thể họ là người xa thực tế, không thấy có gì ràng buộc cả nên họ thích thì nói, không thì thôi. Số khác có thể sợ đụng chạm, nể nang hoặc họ không nắm được tình hình đến nơi đến chốn, sợ nói ra thì hớ nên không phát biểu.

Tại kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội cũng đề xuất người được lấy phiếu tín nhiệm mà có 2/3 đánh giá tín nhiệm thấp phải từ chức. Ông có nghĩ vậy không?

Đã là đại biểu Quốc hội, công bộc của dân, khi thấy mình vô tác dụng nên tự giác từ chức. Ở nước ta đã có trường hợp từ chức, nhưng hy hữu. Muốn quan chức tự giác từ chức, dự luận xã hội cũng nên coi văn hóa từ chức là chuyện thường, không nên xem đó là thất bại để cười nhạo, đàm tếu người ta.

Sắp tới Việt Nam sẽ có chức danh Tổng thư ký quốc hội. Ý nghĩa và sự cần thiết của vị trí này ra sao thưa ông?

Tôi hoan nghênh sự thay đổi này và hi vọng khi có thêm chức danh này, nội dung của các kỳ họp quốc hội sẽ có sự thay đổi, vai trò, vị thế của Quốc hội sẽ tăng lên.

Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Quân ([Tên nguồn])
Họp Quốc hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN