Ai phải bồi thường trong vụ tai nạn liên hoàn tại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng?
Liên quan đến vụ tai nạn liên hoàn xảy ra trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng gây hậu quả rất nghiêm trọng, nhiều người đặt câu hỏi, trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về ai?
Sáng 11-7, tại km 49 cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, hướng đi Hải Phòng, qua địa phận huyện Gia Lộc, Hải Dương xảy ra vụ tai nạn liên hoàn giữa 3 xe ô tô.
Trong khi 2 xe ô tô (xe khách 16 chỗ, xe bán tải) đang ở làn chạy tốc độ 120km/h thì xe ô tô con loại 7 chỗ đâm vào đuôi xe khách. Cú đâm khiến xe khách lao về phía trước va chạm với xe bán tải khiến 2 người tử vong, 10 người được đưa đi bệnh viện kiểm tra sức khỏe. Phần đầu ô tô con và đuôi xe khách hư hỏng nặng. Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra làm rõ.
Kết quả xác minh ban đầu cho thấy, do xe bán tải đi chậm tránh chướng ngại vật, dẫn đến việc xe 16 chỗ va chạm vào phía sau. Khi lái xe 16 chỗ và 2 người trên xe bán tải đứng lại tranh luận trước đầu xe khách thì xe ô tô con đi phía sau đâm vào đuôi xe khách.
Vụ tai nạn liên hoàn xảy ra trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khiến nhiều người thương vong
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ việc trên, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Luật Giao thông đường bộ quy định, chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định; trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết.
Còn về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp do sự kiện bất khả kháng; hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại hoặc có thỏa thuận khác...
Trong vụ tai nạn xảy ra tại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nếu có căn cứ xác định việc dừng, đỗ xe saiquy định dẫn đến tai nạn giao thông thì người điều khiển phương tiện dừng, đỗ xe vi phạm sẽ bị phạt hành chính, thậm chí có thể bị xử lý hình sự theo Điều 260 Bộ luật hình sự, với mức phạt tù thấp nhất là 1 năm, cao nhất là 15 năm tù, đồng thời chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân.
Trường hợp lái xe dừng, đỗ xe đúng quy định, tai nạn xảy ra là do người điều khiển phương tiện khác do vi phạm về tốc độ, khoảng cách, thiếu quan sát...gây ra thì cá nhân đó phải chịu trách nhiệm theo quy định đồng thời thực hiện bồi thường thiệt hại cho nạn nhân.
Trường hợp lỗi xuất phát từ nhiều bên (lỗi hỗn hợp) thì những cá nhân liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần lỗi của mình.
Cũng theo Bộ luật Dân sự 2015, người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải bồi thường thiệt hại về tài sản bị xâm phạm; Thiệt hại về sức khỏe bị xâm phạm; Thiệt hại về tính mạng bị xâm phạm;Một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại…
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 lần mức lương cơ sở.
“Trong vụ việc trên, cơ quan chức năng cần xác minh, xem xét trách nhiệm của 2 người tranh cãi với lái xe 16 chỗ trên làn đường vượt của đường cao tốc (nơi không được phép đi bộ) nhưng không có cảnh báo” - luật sư Lê Hồng Vân nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch tỉnh Hải Dương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng khẩn trương làm rõ các vi phạm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ tai nạn giao thông trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Nguồn: [Link nguồn]