"Ai nói phạt mũ bảo hiểm rởm phải xin lỗi dân"

Việc xử phạt mũ bảo hiểm rởm, cơ quan nào ban hành quy định đó nếu không đúng thì cần phải xin lỗi người dân và bãi bỏ.

Nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương cho biết như trên khi trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật.

Thời gian vừa qua, dư luận cả nước xôn xao trước thông tin: Từ ngày 1/7, theo kế hoạch của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ xử lý đối với những trường hợp người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe đạp máy không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách hoặc đội mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy. Mức phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng. 

Điều khó hiểu là trước thời điểm 1/7, khi báo chí tuyên truyền về việc xử phạt mũ bảo hiểm rởm, không một cơ quan chức năng hay người có trách nhiệm nào lên tiếng rõ ràng rằng đây chỉ là kế hoạch tuyên truyền của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

Chỉ đến khi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên khẳng định tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tối 1/7 là không hề có chuyện xử phạt người dân nếu đội mũ bảo hiểm “rởm”, người dân mới hết ngỡ ngàng.

"Ai nói phạt mũ bảo hiểm rởm phải xin lỗi dân" - 1

CSGT Hà Nội đang nhắc nhở 1 trường hợp đội mũ bảo hiểm không đúng quy chuẩn ngày 1/7.

Ngay sau khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, sáng 2/7, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia mới ra thông cáo khẳng định không có chuyện xử phạt mũ rởm mà chỉ xử phạt hành vi không đội mũ hoặc đội mũ không cài quai- điều mà lẽ ra họ phải làm trước đó từ lâu.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đình Hương chia sẻ: "Tôi thấy qua các phương tiện báo chí, truyền hình thì bản chất vấn đề ở đây là cần phải làm từ gốc chứ không nên bắt tội người dân, người dân ta rất vất vả".

"Bản thân tôi đi mua mũ bảo hiểm cũng không thể nào phân biệt được mũ nào là mũ rởm, mũ nào là mũ thật cả. Nhiều đối tượng phải thốt lên là rất khó để phân biệt; nếu ai không có chuyên môn nghiệp vụ, không có kiến thức, hiểu biết chuyên môn thì không thể phân biệt được mũ nào là mũ thật mũ nào là mũ rởm", ông Hương nói.

Ông Hương cho rằng, điều khiến ông cảm thấy bất hợp lý là ông còn thấy ngay cả việc khi cảnh sát giao thông tiến hành giải thích cho người đi xe đội mũ không bảo đảm chất lượng, thì nếu họ cho rằng mũ của họ là mũ thật và bảo bảo đảm chất lượng vậy thì giải quyết thế nào?

"Cần có chế tài nào để xử lý việc này chứ không phải cứ để “ông nói gà, bà nói vịt" như vậy. Quan điểm của tôi là không đồng tình việc phạt người đội mũ bảo hiểm rởm. Cần phải có sự đồng bộ giữa các ngành có liên quan vào cuộc giải quyết vấn đề tại gốc như xử lý đối tượng sản xuất, buôn bán mũ bảo hiểm rởm chứ đừng xử phạt người dân như vậy tội cho họ lắm.

Ai ban hành văn bản như vậy thì phải chịu trách nhiệm trước dân, phải sửa và xin lỗi dân, theo tôi cần sớm bỏ quy định đó đi. Qua việc đó phản ánh một phần nào thực tế văn bản áp dụng luật của ta bất nhất, không phù hợp với thực tế", ông Hương phân tích và cho rằng, để một chính sách đi vào cuộc sống, điều quan trọng nhất là chính sách đó phải được người dân ủng hộ. Muốn vậy, khi hoạch định chính sách, nhu cầu, lợi ích của người dân cần phải được cân nhắc rất kỹ. 

"Chính sách phải được hình thành từ những nghiên cứu nghiêm túc, khoa học về các vấn đề đang được đặt ra trong cuộc sống, chứ không phải cứ cái gì khó thì đẩy cho dân", ông Hương khẳng định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sơn Tùng (Đời sống & Pháp luật)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN