Ai chủ mưu buôn lậu xăng ở Vinapco?

Theo đại diện Cty Xăng dầu hàng không (Vinapco), nơi đang bị cơ quan điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cáo buộc lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất để buôn lậu xăng dầu, thì đó chỉ là hành vi sai phạm mang tính cá nhân, chứ không phải chủ trương của Vinapco. Sự thật có phải như vậy?

Thừa nhận hành vi buôn lậu

Chiều 28/11, tin từ Vinapco cho biết, người được giao trực tiếp giám sát 7 xe bồn chở xăng lên cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng) là ông Nguyễn Hải Triều (Quyền Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Xí nghiệp Thương mại Xăng dầu Hàng không miền Bắc).

Theo một đại diện Vinapco, 7 xe bồn chở xăng (422.000 lít) đã được Cty TNHH Cung ứng dầu và Thủy sản Bắc Hải (Trung Quốc) mua đứt bán đoạn.

“Phương tiện vận chuyển, con người là của phía Bắc Hải, chúng tôi đã bàn giao hàng và nhận tiền, hàng hóa đã kiểm hóa, kẹp chì xong tại cảng Đình Vũ (Hải Phòng). Lúc đó, nhiệm vụ của Xí nghiệp Thương mại Xăng dầu Hàng không miền Bắc là giám sát và thực hiện nhiệm vụ làm thủ tục xuất khẩu hàng ở Tà Lùng”, vị này nói.

Theo lý giải của đại diện Vinapco, sau khi xăng bơm lên xe bồn và được kẹp chì thì quyền sở hữu và mọi rủi ro trên đường vận chuyển thuộc bên mua Bắc Hải. Vinapco không chịu trách nhiệm kể cả trong trường hợp cháy nổ (bên mua phải mua bảo hiểm liên quan).

Quyền định đoạt sở hữu hàng hóa, chi phí phát sinh thuộc về phía Bắc Hải. Tuy nhiên, do vận chuyển bằng đường bộ nên Vinapco phải giám sát.

Trước đây, việc giám sát theo những xe hàng lên cửa khẩu là công việc của hải quan. Sau này, phía hải quan để cho công ty tự làm. Vinapco đã giao cho Xí nghiệp Thương mại Xăng dầu Hàng không miền Bắc làm việc này.

Ai chủ mưu buôn lậu xăng ở Vinapco? - 1

Tàu Giang Châu (Trung Quốc) bị bắt quả tang khi đang xuất lậu 2.000 tấn xăng dầu do Vinapco làm thủ tục tạm nhập- tái xuất ngày 28/7/2012. Ảnh: P.H.S.

“Sau khoảng 10 ngày chuyển hàng lên Tà Lùng, quyền giám đốc Xí nghiệp Thương mại Xăng dầu Hàng không miền Bắc Nguyễn Hải Triều thông báo hàng không xuất được và phải nhập lại cảng Đình Vũ. Vinapco đã đề nghị Hải quan Hải Phòng làm các thủ tục cần thiết để nhập lại. Trong quá trình đó phát hiện hao hụt 20-30 lít xăng vì vận chuyển. Do Cảng Đình Vũ không có hệ thống bơm dầu ngược lại (không thể cho vào kho chứa) nên Vinapco quyết định để nguyên trên 7 xe. Nộp xong 1,7 tỷ đồng tiền thuế (nhập khẩu, VAT, môi trường) cho nhà nước, thanh lý hợp đồng với phía Bắc Hải, những xe này được bán ra thị trường công khai. Phía Bắc Hải cũng bị phạt khoảng 10 tỷ đồng theo hợp đồng vì không lấy hàng”, một cán bộ Vinapco nói.

Vị này tuy thừa nhận hành vi buôn lậu là có, nhưng cho rằng chưa gây ra hậu quả và nhà nước chưa thất thu đồng nào.

Tuy nhiên, trả lời PV, ông Nguyễn Văn Thọ, Trưởng phòng Thu thập xử lý thông tin - Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng Cục Hải quan cho biết: Sau khi mở tờ khai, thay vì tái xuất 422.000 lít xăng RON 92 (lô xăng này có trị giá 8 tỷ đồng) tại Cục Hải quan Hải Phòng để đưa đi cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng) giao cho khách mua hàng là Cty TNHH Cung ứng dầu và thủy sản thành phố Bắc Hải (Trung Quốc) như khai báo, thì doanh nghiệp cho 7 xe bồn chứa số hàng này chạy thẳng đi các tỉnh (Hải Dương, Thái Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên) để tiêu thụ. Qua đó, đã trốn khoảng 2,5 tỷ đồng tiền thuế.

Cũng theo ông Thọ, qua xác minh của hải quan, đối tượng mua hàng phía Trung Quốc cũng không có thực tại địa chỉ mà Vinapco đã khai báo.

Hỏi lái xe, giám sát là biết chủ mưu

Trao đổi với PV, Tổng Giám đốc Vinapco Hoàng Mạnh Tuấn khẳng định: “Công ty không có chủ trương làm trái quy định của pháp luật. Quan điểm của chúng tôi là sẽ xử lý nghiêm những cá nhân liên đới sau khi có kết luận từ phía cơ quan chức năng”. Ông Tuấn nhậm chức sau khi vụ việc trên diễn ra.

Trong vụ việc này, có giả thiết trong quá trình vận chuyển, nhiều khả năng người mua hàng và đơn vị giám sát đã cấu kết định “đánh quả” bằng cách bán xăng A92 trong nội địa để trốn thuế.

Tuy nhiên bị hải quan phát hiện nên kẻ chủ mưu đã phải mua xăng khác đổ vào thay thế, nhưng bị bại lộ do hải quan phát hiện.

Một cán bộ Vinapco cho biết, cơ quan điều tra chỉ cần hỏi lái xe và người giám sát của Xí nghiệp Thương mại Xăng dầu Hàng không miền Bắc là tóm được kẻ chủ mưu ngay. Được biết, hiện phía hải quan đang tạm giữ khoảng 600 nghìn USD của Vinapco.

Một nguồn tin từ Vinapco cho biết, chính Giám đốc Xí nghiệp Thương mại Xăng dầu Hàng không miền Bắc Nguyễn Hải Triều là người chắp mối cho vụ làm ăn này với phía Bắc Hải.

Chiều 27/11, một đối tác xăng dầu cũng phát văn bản đòi nợ 3 tỷ đồng do ông Triều vay bằng con dấu của xí nghiệp. Được biết, Vinapco cũng đang tá hỏa về việc này.

Khởi tố vụ án buôn lậu

Ngày 28/11, Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết vừa khởi tố vụ án buôn lậu xăng và chuyển cơ quan công an.

Được biết, Cục Điều tra Chống buôn lậu đã nắm được những cá nhân liên quan, nhưng để đảm bảo chuyên án thành công nên chưa tiết lộ.

Quan chức Tổng cục Hải quan Việt Nam cũng nói: “Phi vụ xuất xăng dầu qua cửa khẩu Tà Lùng là động tác giả nhằm ngụy trang. Thực chất những đối tượng liên quan thuộc Vinapco đã có kế hoạch bán trong nội địa từ trước rồi”.

Chiều 28/11, nguồn tin từ Vinapco cho biết, đơn vị này vừa đình chỉ chức vụ quyền giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Xí nghiệp Thương mại Xăng dầu Hàng không miền Bắc đối với ông Nguyễn Hải Triều.

Chiều cùng ngày, một quan chức Tổng Cty Hàng không Việt Nam (VNA), công ty mẹ của Vinapco, cho biết lãnh đạo VNA không có chủ trương kinh doanh kiểu gian lận như trên.

VNA vừa kiến nghị với cơ quan chức năng làm rõ những hành vi gian lận của những cá nhân liên quan. “Chúng tôi kiên quyết xử lý những người vi phạm sau khi có kết luận của cơ quan điều tra”, vị này nói.

Một vài cá nhân không thể “lấy trộm” hàng bán

Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cho biết, quy trình kiểm soát xăng dầu tại doanh nghiệp (kể cả xăng dầu tạm nhập, tái xuất) được thực hiện rất chặt chẽ, không thể có chuyện một vài cá nhân có thể gian lận, lấy trộm được hàng ra khỏi kho để giao khi không được phép.

Trao đổi với PV, một quan chức Bộ Công Thương cho biết, về quy trình kiểm tra, kiểm soát, cơ quan hải quan sẽ làm thủ tục tạm nhập xăng dầu theo yêu cầu của doanh nghiệp. Sau khi kiểm tra lượng hàng, hải quan sẽ làm thủ tục niêm phong kẹp chì lô hàng tại chỗ và giám sát cho đến khi hàng về đến kho.

Nếu hàng tạm nhập để ở xe téc thì để nguyên kẹp chì còn nếu cho vào bồn chứa thì hải quan sẽ cử người giám sát quá trình trên và lập biên bản số lượng xăng nhập vào.

xuất ra cũng phải lập biên bản ngày giờ, số lượng xuất ra. Trong suốt quá trình tạm nhập tái xuất, hải quan vào sổ theo dõi lượng hàng được niêm phong.

Nếu doanh nghiệp chỉ nhập hàng vào và không tái xuất thì là vi phạm, trốn thuế.Việc doanh nghiệp phá niêm phong bán hàng tạm nhập cho doanh nghiệp khác la sai.

Đức Nam - Phạm Tuyên

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đình Thắng - PV (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN