Ai chịu trách nhiệm vụ gạch rơi vào đầu cháu bé ở chung cư FLC Garden City?
Liên quan đến vụ gạch rơi trúng đầu cháu bé ở chung cư FLC Garden City (phường Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội), câu hỏi đặt ra, tổ chức, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm?
Cư dân nhiều lần phản ánh nhưng chậm khắc phục
Ngày 4/6, ghi nhận của phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, khu vực xảy ra vụ việc cháu bé 2 tuổi bị gạch ốp tường rơi trúng đầu là trước cửa ra vào của tòa HH2 chung cư FLC Garden City, khu vực này hiện đang được lực lượng chức năng phong tỏa.
Hiện trường vụ việc.
Mảnh vỡ gạch ốp tường vương vãi khắp nơi.
Xung quanh hiện trường đã được giăng dây, đặt biển cảnh báo nguy hiểm để cấm người dân đi vào. Nhiều mảnh vỡ của tấm gạch bị rơi vương vãi khắp mặt sân, chưa được dọn dẹp.
Tại vị trí xảy ra vụ việc và nhiều vị trí khác của tòa nhà hiện đang còn nhiều tấm gạch ốp tường bị hở mạch, bong tróc, tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ, đe dọa sự an toàn của cư dân tại đây. Để cảnh báo người dân, tại nhiều vị trí của tòa nhà được dán tờ giấy với nội dung "CHÚ Ý KHU VỰC NGUY HIỂM ĐÁ CÓ THỂ RƠI".
Nhiều vị trí của tòa nhà được dán tờ giấy cảnh báo người dân.
Trước cửa một siêu thị thuộc tòa HH2, công nhân đang tiến hành sửa chữa hạng mục gạch ốp tường bị xuống cấp.
Trao đổi với phóng viên, cư dân sinh sống tại chung cư FLC Garden City cho biết, tình trạng gạch ốp tường xuống cấp, bong tróc đã diễn ra hàng năm trời, trước đó đã có trường hợp gạch ốp tường bị rơi nhưng không gây hậu quả, người dân đã phản ánh nhiều lần nhưng phía tòa nhà chưa xử lý.
Đến hôm nay sau khi xảy ra vụ việc gạch ốp tường rơi trúng đầu một cháu bé, phía tòa nhà mới cho người xử lý. "May gạch không rơi vào hôm 1/6, ngày hôm đó các cháu ở dưới sân vui chơi đông. Nếu như vậy không biết hậu quả sẽ thế nào?", một cư dân nói.
Nhiều vị trí khác của tòa nhà hiện đang còn nhiều tấm gạch ốp tường bị hở mạch, bong tróc.
Công nhân tiến hành sửa chữa hạng mục gạch ốp tường xuống cấp.
Trước đó, như Báo Sức khỏe và Đời sống đã thông tin, sáng ngày 3/6, gạch ốp tường mặt ngoài tòa nhà chung cư FLC Garden City (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bất ngờ rơi xuống, trúng đầu bé trai 2 tuổi khiến bé bị thương phải nhập viện cấp cứu.
Đến tối 3/6, bé trai đã được phẫu thuật, sức khỏe của cháu tạm thời qua cơn nguy kịch và đã nhận ra được bố mẹ.
Ai chịu trách nhiệm?
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình - Đoàn luật sư TPHCM cho biết, theo Điều 20 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 và Điều 85 Luật Nhà ở năm 2014 thì bên bán (chủ đầu tư) có trách nhiệm bảo hành nhà ở cho bên mua theo quy định của pháp luật (với nhà chung cư thì thời hạn bảo hành là tối thiểu 60 tháng). Nội dung bảo hành bao gồm: sửa chữa, khắc phục các hư hỏng khung, cột, dầm, sàn, tường, trần, mái, sân thượng... các nội dung khác theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở.
Luật sư Diệp Năng Bình.
Khi hết thời hạn bảo hành thì chủ sở hữu nhà ở (căn hộ) có trách nhiệm khắc phục, sửa chữa. Trường hợp hư hỏng do nhà thầu, đơn vị thi công không đảm bảo chất lượng thi có trách nhiệm khắc phục hư hỏng ngay cả khi hết thời gian bảo hành.
Ở vụ việc lần này, việc công trình có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp đã sớm được thông báo tới chủ đầu tư trước khoảng thời gian dài như vậy thì cần xem xét trong trường hợp này chủ đầu tư có lỗi hay không. Giả sử lỗi thuộc về chủ đầu tư thì tùy vào tính chất và mức độ của hành vi mà chủ đầu tư có thể bị xử lý vi phạm hành chính thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo điểm b khoản 1, điểm b khoản 2, điểm đ khoản 3 Điều 20 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, về vi phạm quy định về bảo hành, bảo trì, khai thác, sử dụng công trình xây dựng.
Theo đó, tổ chức vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không phê duyệt quy trình bảo trì công trình xây dựng theo quy định.
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không tổ chức lập quy trình bảo trì công trình xây dựng hoặc không thực hiện bảo trì công trình theo đúng quy trình được duyệt.
Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc kiểm tra, sửa chữa, áp dụng biện pháp khẩn cấp hoặc báo cáo theo quy định khi phát hiện công trình, hạng mục công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng.
Đồng thời, tổ chức vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phê duyệt quy trình bảo trì theo quy định; buộc lập quy trình bảo trì hoặc thực hiện quy trình bảo trì theo quy định; buộc thực hiện việc kiểm tra, sửa chữa, áp dụng biện pháp khẩn cấp hoặc buộc báo cáo theo quy định khi phát hiện công trình, hạng mục công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng.
Đối với cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 lần tổ chức vi phạm.
Nếu hành vi trên có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì chủ đầu tư có thể bị xử lý theo Điều 298 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (không áp dụng với pháp nhân thương mại).
Theo đó, người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến cao nhất là 15 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Luật sư Diệp Năng Bình cho biết thêm, với trường hợp sức khỏe bị xâm phạm thì chủ đầu tư còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Ngoài ra, chủ đầu tư còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (mức lương cơ sở hiện nay là 1.800.000 đồng).
Cháu bé bị thương ở vùng đầu, chưa thể nhận định rõ về diễn biến sức khỏe.
Nguồn: [Link nguồn]