Ai cấm phụ nữ xấu chụp ảnh với sen?
“Mong muốn có bức hình đẹp là nhu cầu chính đáng của bất cứ ai. Nhiếp ảnh không chỉ dành riêng cho người đẹp”.
Nhiếp ảnh không chỉ dành riêng cho người đẹp
Đối tượng bị cư dân mạng “đấu tố”, ném đá vì chụp ảnh bên sen không chỉ là những phụ nữ “chưa được đẹp” mà còn có cả “nam nhân”.
Một người đàn ông mặc váy đụp, áo yếm, uốn éo bên sen khiến cư dân mạng những ngày qua “nổi sóng”, ném đá tới tấp. Nhiều ý kiến lên án khá gay gắt, cho rằng anh này bệnh hoạn, biến thái hoặc khẳng định anh ta là “gay”. Có người bình luận: “Tốt nhất là không nên cổ xúy cho những tư tưởng lệch. Không phải cứ cái gì khác thường thì mới hay đâu. Hãy làm cho những thứ bình thường trở nên hoàn thiện và đẹp đẽ hơn, nếu không văn hóa sẽ trở thành một đống hỗn tạp”.
Nhiếp ảnh gia Jimmii Khánh – nhân vật nam trong bức ảnh nói trên - tự nhận mình là người đàn ông xấu xí, thấp bé nhẹ cân, chân đi vòng kiềng. Khánh giải thích lý do chụp loạt ảnh trên vì ngẫu hứng, vui vẻ.
Nhiếp ảnh gia Jimmii Khánh
Jimmii Khánh chia sẻ: “Hình ảnh thiếu nữ vai thon, lưng ong e ấp bên sen đã trở nên quá quen thuộc. Vì vậy mọi người thường mặc định người đẹp mới được chụp với sen. Phụ nữ xấu chụp sẽ làm mất đi vẻ đẹp của sen và lao vào “ném đá” những bức hình đó. Mong muốn có bức hình lưu niệm, ghi lại khoảnh khắc của mình giữa thiên nhiên là nhu cầu chính đáng của bất cứ ai. Nhiếp ảnh không chỉ dành riêng cho người đẹp”.
Cho rằng “người chưa đẹp” cũng có quyền tự do chụp ảnh, nhiếp ảnh gia tự do Lê Bích, người có hàng ngàn người theo dõi trên Facebook cá nhân nhờ những bức ảnh đẹp của anh, nhắc lại bức “Diễm xưa” của nhiếp ảnh gia Thái Phiên. Anh Lê Bích cho biết, dù người phụ nữ trong bức “Diễm xưa” đã 50 tuổi nhưng vẫn có nét đẹp được tác giả nhận ra và bắt lấy. Nhiếp ảnh gia là phù thủy ánh sáng, biết tận dụng ánh sáng để tôn vinh cái đẹp.
Mong muốn có bức hình lưu niệm, ghi lại khoảnh khắc của mình giữa thiên nhiên là nhu cầu chính đáng của bất cứ ai.
Vì thế, theo nhiếp ảnh gia Lê Bích, cư dân mạng dùng từ “phản cảm” dành cho các cô gái xấu hoặc những người “gần như nude” là hơi nặng. Có thể họ hướng tới cái đẹp nhưng do thợ ảnh chưa đủ nghề, chưa đủ trình độ để tôn vinh cái đẹp một cách chuyên nghiệp, đúng thẩm mỹ và chân thiện mỹ như các môn nghệ thuật nên tác phẩm của họ có phần chưa hợp lý.
Những người ném đá thường suy nghĩ không nghiêm túc, cố tình tạo ra những thứ để đùa vui. Nếu bình luận theo hướng xây dựng, họ sẽ bình luận về nghệ thuật sử dụng ánh sáng, góc cạnh tiếp cận, khung cảnh... trong ảnh chứ không nên chê trách nhân vật.
Hoa hậu thành xấu xí bên hồ sen
Phóng viên ảnh Cao Mạnh Tuấn, phụ trách chuyên trang du lịch của báo Thể Thao Văn Hoá chia sẻ: “Tôi hoàn toàn không thích cách mọi người đang phê phán việc chị em đi chụp sen bằng cách post những hình ảnh chị em không được đẹp ở Hồ Sen. Đó là những bức ảnh cố tình chụp xấu người khác. Nguyên tắc của chụp ảnh là tìm góc đẹp, vẻ đẹp của người ta và đưa lên. Tôi chắc chắn mình có thể chụp 1 cô hoa hậu trở thành vô cùng xấu xí ở hồ sen”.
Nhiếp ảnh gia Lam Thanh, người thường xuyên có mặt trên các đầm sen Hồ Tây, Hà Nội cho rằng nguyên nhân của của những tấm hình xấu, phản cảm ở hồ sen do góc máy của người chụp. Người đẹp như hoa hậu cũng có góc xấu, người ngoại hình kém sắc nếu biết chọn góc sẽ trở nên đẹp hơn.
Thay vì bình luận nghệ thuật chụp ảnh như ánh sáng, góc cạnh tiếp cận..., cư dân mạng lại "ném đá" nhân vật.
Vì thế, nhiếp ảnh gia Lam Thanh cho rằng, những bức ảnh bị ném đá trên mạng là do người chụp cố tình chọn góc máy để lộ điểm xấu của nhân vật rồi tung ảnh lên mạng để mọi người ném đá.
“Tùy theo nội dung và mục đích muốn truyền tải, người chụp sẽ chọn mẫu khác nhau. Nếu chụp ảnh làm lịch thì đương nhiên người chụp phải chọn người mẫu có khuôn mặt ưa nhìn, dáng chuẩn. Còn chụp với mục đích lưu niệm thì người nào cũng đều như nhau”, Lam Thanh nói.
Là một người phụ nữ có nhan sắc, nổi tiếng với nhiều phát ngôn gây sốc “chửi thiên hạ”, diễn viên múa Michiyo Phạm Ngà đồng cảm với những nạn nhân bị ném đá vì “chưa được đẹp”.
“Những người ném đá phụ nữ kém nhan sắc chụp sen tự cho mình đè lên quyền tự do cá nhân của người khác. Chẳng lẽ chỉ có người đẹp chân dài thì mới có quyền chụp sen?”, Phạm Ngà nói.
Michiyo Phạm Ngà thường xuyên “gây bão” trên mạng bằng những status tâm sự chuyện quan hệ tình cảm riêng tư. Cô gái sinh năm 1989 không ngại ngần kể chi tiết về các cuộc tình của mình và chê đàn ông Việt “sex kém” này tâm sự: “Trải qua nhiều mối tình giả thật, bao chuyện sóng gió, tôi nhận ra nhan sắc không tồn tại mãi, vẻ đẹp tâm hồn mới đáng trân trọng”.
Nếu ai cũng có quyền chụp ảnh và đăng lên mạng thì người xem cũng có quyền đánh giá. Việc anh chụp chưa đạt, chưa đi được vào thị hiếu của người xem thì khi bị chê phải chấp nhận. Nhưng người xem cũng phải bình luận một cách xây dựng. Nếu bình luận một cách vội vàng, không nghiêm túc sẽ khiến “nạn nhân” nghĩ rằng việc làm của họ là sai trái trong khi họ đang cố hướng tới cái đẹp. Nhiếp ảnh gia Lê Bích |
____________________________
Mời độc giả đón đọc kỳ tiếp theo Nhà văn Y Ban: Chê phụ nữ xấu là làm điều ác vào 15h ngày 23/6.
Nói về hành động "ném đá" phụ nữ xấu chụp ảnh bên sen, nữ tác giả cuốn sách “Đàn bà xấu thì không được quà” cho rằng trước khi bình luận nên chú ý tới tình cảm người khác, đừng quá hồn nhiên để thành người ác, vô cảm.