9 lần vỡ ống nước: Vì sao chưa ai bị xử lý trách nhiệm?

Đánh giá đường ống nước sông Đà vỡ đến lần thứ 9 là điều "không thể chấp nhận được", ĐBQH đoàn Hà Nội cho rằng việc này có sự vô trách nhiệm của cơ quan quản lý cấp trên.

Chỉ trong vài ngày qua, đường ống nước sông Đà đã bị vỡ liên tiếp tới 2 lần. Như vậy từ khi đi vào sử dụng đến nay, đường nước này đã bị vỡ tổng cộng tới 9 lần. Cuộc sống của hơn 70 nghìn hộ dân trên địa bàn Thủ đô đã và đang bị ảnh hưởng trực tiếp, gây bức xúc lớn trong nhân dân trong suốt thời gian qua.

Nguyên nhân ban đầu, trách nhiệm cụ thể đã được các cơ quan chức năng chỉ rõ. Tuy nhiên, mặc cho đường ống nước cứ vỡ hết lần này đến lần khác, mà vẫn không hề ai bị xử lý trách nhiệm, cũng chẳng có ai phải từ chức, mặc dù sự cố đã xảy ra đến 9 lần. Phải chăng đã có sự bao che, dung túng trong việc xử lý trách nhiệm?   

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Infonet sau khi đường ống nước sông Đà bị vỡ lần thứ 9, ĐBQH Bùi Thị An (ĐBQH đoàn Hà Nội) cũng đồng tình với nhận định trên và tỏ ra khó hiểu sự việc nghiêm trọng như vậy mà đến nay vẫn chưa hề có ai bị xử lý trách nhiệm.

Vị đại biểu hiện đang là Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường & Phát triển cộng đồng và Ủy viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, việc đường ống nước sông Đà bị vỡ tới lần thứ 9 là điều “không thể chấp nhận được”. Điều này cũng thể hiện thái độ vô trách nhiệm của các bên có liên quan với cuộc sống của người dân.

Tình trạng đường ống nước sông Đà bị vỡ không chỉ gần ở khoảng cách không gian mà còn rất gần về mặt địa lý. Do vậy, cần phải sớm xem xét trách nhiệm thuộc về ai?

Theo kết luận ban đầu thì tình trạng đường ống nước liên tục bị vỡ có liên quan đến việc thiết kế, thi công, quản lý… Vì thế trách nhiệm này trước hết thuộc về phía chủ đầu tư Vinaconex và bộ chủ quản.

9 lần vỡ ống nước: Vì sao chưa ai bị xử lý trách nhiệm? - 1

ĐBQH cho rằng không thể chậm trễ trong xử lý trách nhiệm khi đường ống nước sông Đà đã bị vỡ tới 9 lần (Ảnh internet)

Khi đường ống nước sông Đà bị vỡ tới lần 9, ĐBQH Bùi Thị An cho rằng, việc xử lý trách nhiệm “không thể chậm hơn được nữa”. Đại biểu đề nghị cần phải buộc phía Vinaconex quy rõ trách nhiệm này thuộc về cá nhân cụ thể nào? Trên cơ sở đó phải có biện pháp xử lý đến nơi đến chốn người có liên quan, có như vậy mới đủ sức răn đe.

Liên tục đánh giá việc xảy ra vỡ đường ống nước tới 9 lần là điều không thể chấp nhận, ĐBQH Bùi Thị An cho rằng, để xảy ra tình trạng này có sự vô trách nhiệm trong quản lý của cơ quan cấp trên.

So sánh về cách hành xử giữa ngành giao thông với xây dựng, bà An cho rằng đã có sự khác biệt trong xử lý trách nhiệm khi để xảy ra sự cố. Những ngày qua, Bộ trưởng Đinh La Thăng – “tổng tư lệnh” ngành giao thông vận tải liên tục đi kiểm tra, và quy đến tận cùng trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân. Các vụ việc cụ thể xảy ra trong ngành cũng được Bộ trưởng Đinh La Thăng xử lý rất nhanh, rất kịp thời. 

Điều này được đại biểu đánh giá là đúng về đại đa số, và đặc biệt là rất có lợi cho người dân. Trong khi đó đường ống dẫn nước sông Đà đã 9 lần vỡ, nhưng cơ quan quản lý cấp trên vẫn chỉ “im lặng” và không đưa ra bất cứ một hình thức xử lý kỷ luật nào. Đây là một điều rất khó hiểu và càng không thể chấp nhận được trong việc quản lý của cơ quan cấp trên.

Nhớ lại những ngày còn là đại biểu Hội đồng nhân dân TP Hà Nội, bà Bùi Thị An cho biết, khi công trình này mới triển khai, đoàn giám sát Hội đồng nhân dân cũng đi kiểm tra thực tế, nhưng thời điểm đó vẫn chưa có điều gì bất thường xảy ra. Sự cố chỉ được phát hiện từ khi công trình này đưa vào sử dụng.

Bà An cũng cho rằng, với một công trình tầm cỡ lớn lên đến hàng ngàn tỷ đồng, và có liên quan trực tiếp đến vài chục nghìn hộ dân như vậy mà chỉ giao cho duy nhất một đơn vị vừa thiết kế, vừa thi công, giám sát như vậy là điều rất bất thường. Điều này cũng dẫn đến thực trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, để đến khi xảy ra sự cố lại không thể quy trách nhiệm cụ thể cho ai được.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Dũng (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN