80% người tâm thần bị bỏ rơi ngoài xã hội
Gần 80% số người tâm thần có hành vi nguy hiểm đến cộng đồng đang đi lang thang hoặc lưu trú tại gia, ngoài xã hội - lần đầu tiên bức tranh toàn cảnh hiện ra tại hội thảo hôm qua tại TP Đà Nẵng.
Hội nghị triển khai Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020 (gọi tắt Đề án 1215), do Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Y tế phối hợp tổ chức
Gần 80% ngoài xã hội
Khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH: Chỉ trong vòng 5 năm qua (2006-2010), số người rối nhiễu tâm trí, đặc biệt là người tâm thần Việt Nam tăng 20%.
Chỉ tính riêng 10 bệnh tâm thần thường gặp là tâm thần phân liệt, trầm cảm, động kinh, rối loạn lo âu, sa sút trí tuệ, loạn thần..., Việt Nam có tỷ lệ người tâm thần chiếm khoảng 10% dân số, tương đương với gần 9 triệu người.
Trong đó, 200.000 người tâm thần nặng, có hành vi nguy hiểm đến cộng đồng. Sức khỏe tâm thần được xem như gánh nặng, gây tổn thất về kinh tế, tâm lý với gia đình và xã hội.
Ngoài số ít bệnh nhân tâm thần được chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế, còn lại gần 80% sống ngoài xã hội với nguy cơ gây án cao
Theo Phó cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi: Chỉ có 6.000 người (chiếm 3% số người tâm thần nặng) được chăm sóc và phục hồi chức năng tại các cơ sở bảo trợ xã hội, còn lại gần 80% số người tâm thần có hành vi nguy hiểm đến cộng đồng đang đi lang thang hoặc lưu trú tại gia, ngoài xã hội.
Trong thời gian ngắn, trên cả nước đã có hàng chục người tâm thần đánh trọng thương người thân, hàng xóm, gây ra những vụ án nghiêm trọng như mổ bụng, giết người, ăn nội tạng, đốt nhà...
Ông Chu Quang Cường - Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính (Bộ LĐ-TB&XH) đánh giá: Các địa phương mới chỉ quan tâm đến các đối tượng trẻ mồ côi, tàn tật, người già cô đơn, người có công... mà chưa chú ý đúng mức đến người tâm thần mãn tính.
Người tâm thần chưa được tập trung đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội để chăm sóc và phục hồi chức năng.
Cả nước có 17 trung tâm bảo trợ xã hội chuyên biệt cho người tâm thần, nhưng phần lớn các đối tượng lại được nuôi dưỡng tập trung với các đối tượng khác đang sống tại trung tâm.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đang thiếu cơ sở, nhân lực về chăm sóc sức khỏe tâm thần thiếu, đặc biệt là cán bộ chuyên khoa (bác sĩ, điều dưỡng về tâm thần).
Nhiều thách thức
Đề án 1215 của Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020, có 90% người tâm thần có hành vi nguy hiểm được phục hồi chức năng luân phiên tại các cơ sở bảo trợ xã hội; 90% người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần, người tâm thần được tư vấn, trị liệu tâm lý.
Mạng lưới cơ sở bảo trợ xã hội phục vụ đề án 1215 vừa được Bộ LĐ-TB&XH phê duyệt, nhằm quy hoạch, mở rộng nâng cấp các cơ sở này, đảm bảo quy mô đáp ứng 200-300 bệnh nhân tâm thần/cơ sở.
Theo dự báo, đến năm 2020, số người tâm thần nặng lên đến 250.000 người, trong đó khoảng 200.000 người được điều trị nội trú trong các cơ sở bảo trợ xã hội, còn lại vẫn ở ngoài xã hội.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền nhận định: Thách thức lớn là rất ít các cơ sở bảo trợ xã hội phục hồi chức năng cho người tâm thần trên cả nước, chỉ đáp ứng 5% nhu cầu chăm sóc của người tâm thần.
Các cơ sở này nuôi dưỡng người tâm thần là chính, kỹ năng và phương pháp chăm sóc chưa khoa học; các cơ sở bị xuống cấp; chưa có các dịch vụ trị liệu tâm lý, dịch vụ công tác xã hội...
Khảo sát của Bộ này tại 17 cơ sở bảo trợ xã hội, với khoảng 30.000 người là cán bộ, nhân viên công tác xã hội, thì 100% cán bộ, nhân viên này chưa được đào tạo về chuyên ngành chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Các đại biểu kiến nghị: Đề án có tổng kinh phí dự kiến gần 8.400 tỷ đồng, nhưng chủ yếu dựa vào nguồn đóng góp của gia đình và cá nhân đối tượng tâm thần (5.000 tỷ đồng) là chưa sát thực tế.
Do nhiều người tâm thần có hoàn cảnh khó khăn, thiếu sức lao động và không thể chủ động lao động sản xuất.
BS Lâm Tứ Trung, Giám đốc BV Tâm thần Đà Nẵng kiến nghị: Đề án mới chỉ tập trung vào việc chăm sóc, phục hồi chức năng cho bệnh nhân tâm thần mà chưa chú trọng đến một yếu tố then chốt, là tăng cường sự kết nối, tạo việc làm giúp họ hòa nhập cộng đồng sau khi được điều trị.
Theo ngài Jesper Moller, Phó trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam: Cần tăng cường hợp tác giữa các ban ngành, nhất là Bộ Y tế và Bộ LĐ-TB&XH nhằm cung cấp cho người tâm thần một hệ thống dịch vụ lồng ghép có cả lĩnh vực y tế và xã hội; hỗ trợ tâm lý dựa vào cộng đồng cho người tâm thần.