8 tháng nữa chứng minh nhân dân hết giá trị sử dụng
Chứng minh nhân dân chỉ còn giá trị sử dụng trong các thủ tục, giao dịch đến hết ngày 31/12/2024.
Luật Căn cước 2023 có hiệu lực từ 1/7, quy định nếu chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng trong nửa đầu năm 2024, sẽ có giá trị đến hết 30/6. Chứng minh nhân dân còn thời hạn thì được sử dụng hết năm nay, tức gần 8 tháng nữa.
Dù sắp hết giá trị sử dụng nhưng thông tin chứng minh nhân dân ghi trong các văn bản giao dịch vẫn có hiệu lực. "Cơ quan nhà nước không được yêu cầu người dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân trong các giấy tờ đã cấp", Luật nêu.
Theo quy định của Chính phủ, chứng minh nhân dân 9 số và 12 số đều có giá trị sử dụng 15 năm, từ ngày cấp.
Mẫu chứng minh thư nhân dân. Ảnh: Xuân Hoa
Từ giữa năm nay, thẻ căn cước công dân được đổi tên thành thẻ căn cước. Các mẫu thẻ căn cước công dân đã cấp trước đó vẫn còn giá trị sử dụng theo thời hạn ghi trên thẻ.
Công dân đang sử dụng thẻ căn cước công dân còn thời hạn, nếu vẫn có nhu cầu đổi sang thẻ căn cước mới sẽ được đáp ứng. Trẻ dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.
Trẻ dưới 6 tuổi cũng được cấp thẻ căn cước thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia, nếu người đại diện có nhu cầu. Lứa tuổi này không thu nhận thông tin nhận dạng và sinh trắc học.
Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, đang sống tại Việt Nam từ 6 tháng, sẽ được cấp giấy chứng nhận căn cước để giao dịch.
Theo luật sắp có hiệu lực, công dân phải đổi thẻ căn cước khi 25, 40, 60 tuổi. Tại mẫu thẻ căn cước mới, mục "quê quán" đổi thành "nơi đăng ký khai sinh", "nơi thường trú" thành "nơi cư trú", bỏ đặc điểm nhận dạng và vân tay ngón trỏ trái, phải...
Thẻ căn cước dùng cho trẻ em sẽ được sử dụng từ 1/7. Ảnh: Bộ Công an
Gần 70 năm qua, từ khi chứng minh nhân dân ra đời, đến nay giấy tờ tùy thân thiết yếu với người dân này đã qua nhiều lần thay đổi.
Năm 1957, chứng minh nhân dân 9 số lần đầu được cấp cho công dân Việt Nam từ 18 tuổi, thời hạn 5 năm.
Năm 1964, người từ 14 đến 17 tuổi được cấp giấy chứng nhận căn cước, bên cạnh giấy chứng minh cho người từ 18 tuổi.
Năm 1976, sau khi đất nước thống nhất, Chính phủ cấp giấy căn cước cho tất cả công dân Việt Nam từ 15 tuổi. Căn cước mới thống nhất tên gọi, quốc hiệu để thay thế các giấy tờ tùy thân trước đó ở miền Bắc và chế độ cũ ở miền Nam.
Từ năm 1999, chứng minh thư lần đầu in hoa văn xanh nhạt, bổ sung mã vạch hai chiều ở mặt sau để chống làm giả và khắc phục tình trạng một người nhiều số hoặc nhiều người có cùng một số chứng minh thư.
Năm 2012, Bộ Công an cấp chứng minh thư theo công nghệ mới, dùng vật liệu nhựa, sản xuất theo tiêu chuẩn kỹ thuật và bảo mật riêng của ngành, khó làm giả hơn. Chứng minh thư tăng từ 9 lên 12 số. Ảnh công dân lần đầu được in trực tiếp trên thẻ, có mã vạch hai chiều.
Năm 2016, Bộ Công an cấp thẻ căn cước công dân thay chứng minh thư. Thẻ căn in trên nhựa cứng, có tem chống giả, in mã số định danh cá nhân thay vì số chứng minh thư cũ.
Năm 2021, thẻ căn cước công dân gắn chip được cấp trên toàn quốc, cho người từ 14 tuổi.
Từ giữa năm 2024, Bộ Công an sẽ cấp thẻ căn cước, thay thế thẻ căn cước công dân.
Nguồn: [Link nguồn]
Luật Căn cước chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2024, người dân cần nắm bắt thông tin cũng như lưu ý những điểm mới quan trọng.