8 góp ý của TP.HCM đối với dự thảo thích ứng với COVID-19 của Bộ Y tế
Không tính chỉ số ca mắc mới tại cộng đồng, bổ sung mốc 95% người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất một liều vaccine, không cách ly tập trung F1... là những góp ý của UBND TP.HCM.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức vừa ký công văn gửi Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 về góp ý dự thảo hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" mà Bộ Y tế đang lấy ý kiến.
Các y bác sĩ, nhân viên y tế làm việc tại Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 số 6 (TP Thủ Đức). Ảnh: NHẬT LINH
Theo đó, có 5 chỉ số của Bộ Y tế để đánh giá cấp độ dịch và áp dụng các biện pháp thích ứng gồm:
Chỉ số bắt buộc: 1. Ít nhất 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 2. 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có oxy y tế và thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng 3. Thiết lập mô hình tháp 3 tầng trong điều trị F0, bảo đảm tối thiểu 2% giường hồi sức cấp cứu (ICU) trên tổng số ca bệnh dự báo ở cấp độ 4 Chỉ số phân loại cấp độ dịch: 4. Số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần 5. Tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất một liều vaccine phòng COVID-19
Đối với chỉ số 1 với 80% người trên 50 tuổi tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, UBND TP.HCM kiến nghị điều chỉnh thành “ít nhất 80% người trên 65 tuổi hoặc 50% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19”. TP.HCM cũng đề nghị cần thống kê người mắc COVID-19 sau khi khỏi bệnh có kháng thể và sinh miễn dịch trong vòng 6 tháng vào số lượng người được tiêm đủ vaccine.
Đối với chỉ số 3 bổ sung thêm nội dung “... đảm bảo tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu (có máy thở) và 5% giường có oxy điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các cơ sở y tế tỉnh/thành phố” (tính theo số ca mắc mới theo dự báo tình hình dịch tại địa phương được đánh giá ở cấp 4 - mức nguy cơ rất cao).
Đối với chỉ số 4 về ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần, UBND TP.HCM nhận định chỉ số này rất phù hợp với các địa phương dịch chưa bùng phát, nhưng khó đạt với những địa phương mà dịch xâm nhập sâu vào cộng đồng. Do đó, TP.HCM đề xuất thay thế chỉ tiêu này bằng số trường hợp nặng và tử vong/100.000 dân/tuần.
Đối với chỉ số 5 liên quan đến tỉ lệ tiêm vaccine, dự thảo của Bộ Y tế căn cứ mốc 70% trong tỷ lệ tiêm một mũi vaccine cho người trên 18 tuổi cùng với số ca mắc mới/100.000 dân/tuần để chia 4 cấp độ dịch. UBND TP.HCM kiến nghị hai phương án.
Phương án 1 là bổ sung mốc 95% người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất một liều vaccine. Địa phương đạt tỉ lệ này có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp nới lỏng hoạt động kinh tế xã hội ở một cấp thấp hơn. Nếu địa phương không đạt tỉ lệ 80% người trên 50 tuổi tiêm đủ mũi vaccine thì phải nâng một cấp độ dịch (trong trường hợp Bộ Y tế cấp đủ vaccine nhưng địa phương không đảm bảo tiến độ tiêm).
Phương án 2 là giữ tỷ lệ tiêm chủng như dự thảo của Bộ Y tế (mốc 70%), nhưng chỉ số bắt buộc áp dụng cho ít nhất 50% người trên 50 tuổi được tiêm đủ vaccine, nếu chỉ số này không đạt thì phải nâng lên 1 cấp độ dịch (khi Bộ Y tế cấp đủ vaccine nhưng địa phương không đảm bảo tiến độ).
Về các biện pháp y tế để thích ứng an toàn, linh hoạt, UBND TP.HCM đề xuất không cách ly tập trung F1 để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo tại cơ sở cách ly tập trung, tiết kiệm nguồn lực tài chính cho địa phương và người dân. Đồng thời, cho phép địa phương chủ động, linh hoạt trong phương án cách ly F1.
Về định nghĩa ca mắc mới, UBND TP.HCM đề nghị định nghĩa ca mắc mới là ca phát hiện qua xét nghiệm PCR, tính hàng tuần bằng số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân (không tính trong cơ sở cách ly tập trung). Lấy tỉ lệ trung bình của 2 tuần liên tiếp để quyết định chuyển mức độ nguy cơ. Số lượng xét nghiệm tối thiểu là 1.500 xét nghiệm/100.000 dân trong 28 ngày để đánh giá đúng số ca mắc mới.
Về các biện pháp thích ứng ở 4 cấp độ dịch, UBND TP.HCM đề nghị bổ sung yêu cầu số lượng người tham gia hoạt động ngoài trời nhiều hơn hoạt động trong nhà, và cả hai môi trường đều cần nhấn mạnh tiêm đủ liều vaccine và tuân thủ 5K. Trong khi đó theo dự thảo của Bộ Y tế, cả hai nhóm hoạt động này đều cho phép số lượng người tham gia giống nhau ở cả 4 cấp độ dịch.
Về quản lý F0 tại nhà, theo dự thảo, Bộ Y tế đề nghị chỉ tổ chức quản lý, điều trị F0 tại nhà với địa phương ở cấp độ dịch 3 và 4. Nội dung này, UBND TP.HCM đề nghị áp dụng biện pháp này tại cả 4 cấp độ dịch.
Nguồn: [Link nguồn]
Dự thảo kế hoạch khôi phục hoạt động vận tải hành khách do Bộ GTVT xây dựng đang được lấy ý kiến các bộ, ngành.