75% nguồn gây ô nhiễm không khí Hà Nội đến từ nơi khác
Những số liệu quan trắc gần đây cho thấy, ô nhiễm không khí không chỉ là vấn đề của riêng Hà Nội hay TPHCM. Có nghiên cứu nói nguyên nhân nội sinh gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội chỉ chiếm 25-30%, có tới 70-75% nguồn gây ô nhiễm xuất phát từ các tỉnh khác và nước khác.
Đốt rác gây ô nhiễm không khí (Ảnh chụp tại Phố Vọng (Hà Nội) ngày 22/12). Ảnh: Nhật minh
Thời gian gần đây, ở nhiều thời điểm, ứng dụng quan trắc không khí PAM Air cho thấy khu vực đồng bằng Bắc bộ thậm chí còn ô nhiễm hơn cả thủ đô Hà Nội. Nhiều điểm đo ở các tỉnh gần Hà Nội thường ở tình trạng ô nhiễm khá nghiêm trọng như Từ Sơn (Bắc Ninh), thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên).
Ô nhiễm không khí, như cách nói của ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, không còn là vấn đề của riêng Hà Nội mà là câu chuyện liên vùng. Xa hơn, là câu chuyện xuyên biên giới khi chất ô nhiễm phát thải rất xa, nhất là bụi mịn PM 2.5.
Một nghiên cứu mới đây của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có tên “Dự báo chất lượng không khí tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc Việt Nam” cho rằng, nguyên nhân nội sinh gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội chỉ chiếm 25-30%, có tới 70-75% nguồn gây ô nhiễm xuất phát từ các tỉnh khác và nước khác.
Trong chỉ đạo mới nhất về giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành địa phương đánh giá kết quả thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, Bộ Giao thông Vận tải thúc đẩy giải pháp giảm phát thải từ giao thông, Bộ Xây dựng đẩy mạnh kiểm tra, đánh giá việc bảo vệ môi trường các công trình xây dựng. Hà Nội và TPHCM khẩn trương di dời cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội đô. UBND các tỉnh, thành phố khác kiểm soát chặt chẽ nguồn phát sinh chất thải.
Như thế, cả quy mô, tính chất ô nhiễm không khí đều chỉ ra một thực tế, đây là vấn đề liên vùng, liên ngành. Việt Nam cần cơ quan điều phối giải quyết ô nhiễm không khí tầm quốc gia chứ không phải dừng ở Bộ Tài nguyên và Môi trường hay UBND các tỉnh, thành phố, một chuyên gia không muốn nêu tên nói với PV Tiền Phong.
Trong việc xử lý ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh (Trung Quốc), để giảm thiểu ô nhiễm, với sự ủng hộ của Quốc Vụ viện (chính phủ), Nhóm Điều phối việc phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc và vùng phụ cận được thành lập vào cuối năm 2013.
Được dẫn dắt bởi chính quyền thành phố Bắc Kinh, Nhóm Điều phối bao gồm 8 bộ ngành, gồm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), Bộ Tài chính, Bộ Bảo vệ Môi trường (MEP) cũ, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị - Nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, Cục Khí tượng Trung Quốc và Cục Năng lượng Quốc gia. Bảy tỉnh (gồm những vùng tự trị và một số đô thị), lần lượt là Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc, Sơn Tây, Nội Mông, Sơn Đông, Hà Nam.
Nhóm điều phối và các bộ, ngành liên quan, như NDRC và MEP, đã liên tục đưa ra nhiều kế hoạch và chương trình hằng năm cho việc kiểm soát ô nhiễm không khí theo vùng, và đề xuất những yêu cầu theo vùng thống nhất cho những hoạt động chính của việc sưởi ấm sạch, kiểm soát toàn diện ô nhiễm công nghiệp, kiểm soát ô nhiễm phương tiện cơ giới, và ứng phó với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Điều đó góp phần vào “kỳ tích giảm thiểu ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh”, theo Chương trình phát triển môi trường Liên Hiệp Quốc.
Nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ (KH&CN) Việt Nam cho thấy, ô nhiễm bụi mịn sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới, nếu không có các giải pháp cấp bách và lâu dài.
Một nghiên cứu mới đây của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam có tên “Dự báo chất lượng không khí tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc Việt Nam” cho rằng, nguyên nhân nội sinh gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội chỉ chiếm 25-30%, có tới 70-75% nguồn gây ô nhiễm xuất phát từ các tỉnh khác và nước khác. |
Trước tình trạng ô nhiễm không khí tăng cao, lãnh đạo một số quận ở Hà Nội trong cuộc họp ngày 18-12 đã đề nghị...
Nguồn: [Link nguồn]