7 sinh viên nhập viện, hôn mê vì uống rượu mừng 8/3
Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, ngày 10/3, Trung tâm vừa tiếp nhận thêm 7 bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc methanol.
Sinh viên nhập viện do ngộ độc rượu có chứa methanol
Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tất cả các bệnh nhân này đều có quê tại Gia Lai, đang là sinh viên của trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương (Cơ sở tại Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội). 7 sinh viên này gồm 5 nam, 2 nữ, trong độ tuổi từ 21 đến 27.
Theo TS. Hà Trần Hưng - Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc, 7 trường hợp này đều đang trong tình trạng khá nặng. Tất cả đều có chỉ định lọc máu để thải trừ methanol, toan chuyển hóa nặng, trong đó có 3 bệnh nhân đang trong tình trạng hôn mê sâu, phải thở máy.
Theo lời kể của Siu L. (1 bệnh nhân nhẹ nhất trong số 7 bệnh nhân phải vào viện), nhân ngày 8/3, nhóm bạn này đã mua khoảng 1,5 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ (không có nhãn mác) về phòng trọ tại Nhân Hòa, Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội để liên hoan, ăn uống lai rai từ trưa đến 12h đêm ngày 8/3.
Đến sáng 9/3, một số sinh viên xuất hiện triệu chứng đau đầu, mờ mắt và nôn ra máu nên đã được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 198 và sau đó được chuyển đến Trung tâm Chống độc vào rạng sáng 10/3.
Hiện những sinh viên này vẫn chưa có người thân và các giấy tờ liên quan. Hiện tại, bệnh viện đã liên hệ được với đại diện của Trường nơi các em học tập đến để hỗ trợ giải quyết.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đề nghị kiểm tra, truy xuất nguồn gốc các loại rượu không nhãn mác, nhất là nguồn rượu từ những cơ sở đã khiến bệnh nhân ngộ độc methanol.
Mặt khác, phải cảnh báo người dân song song với việc bắt buộc các cơ sở nấu rượu phải cam kết đảm bảo an toàn, cấm pha cồn công nghiệp vào rượu.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, methanol là một chất cồn, một số thương lái đã dùng chất này hòa tan với nước theo tỉ lệ nhất định để tạo ra rượu bán cho người tiêu dùng (hay còn gọi là rượu giả, rượu bẩn). Việc sử dụng chất này để pha chế rượu vẫn tràn lan và vì thú vui mà nhiều người phải bỏ mạng.
Rượu này uống vẫn có độ cồn, vẫn tạo cảm giác say, nếu uống nhiều sẽ gây hậu quả khôn lường, nhẹ có thể gây tổn thương võng mạc, tổn thương thần kinh thị giác, nặng có thể dẫn đến mù lòa. Trên thực tế, nhiều trường hợp uống rượu có hàm lượng methanol cao đã bị ngộ độc và tử vong.