7 biệt thự bỏ hoang ở TP HCM - dấu tích gia tộc Chú Hỏa
Khu biệt thự trên khu đất "vàng" tọa lạc số 1 Lý Thái Tổ, quận 10, bị bỏ hoang nhiều năm vốn là chỗ ở gia đình Chú Hỏa, người được mệnh danh "vua nhà đất" Sài Gòn xưa.
Các biệt thự nằm trên khu đất rộng hơn 37.000 m2, tiếp giáp ba mặt đường Lý Thái Tổ, Hùng Vương và Trần Bình Trọng, đối diện ngã 6 Cộng Hòa, vốn là tài sản của gia đình Chú Hỏa – một trong tứ đại gia "nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa" của Sài Gòn cuối thế kỷ 19.
Về "tứ Hỏa", người Sài Gòn xưa có câu truyền miệng "đi tàu Chú Hỷ, ở nhà Chú Hỏa". Chú Hỷ là người có tàu chạy lục tỉnh Nam Kỳ còn Chú Hỏa là "vua nhà đất". Ông là người Việt gốc Hoa, sinh năm 1845, tên thật là Huỳnh Văn Hoa nhưng được gọi phổ biến là Hứa Bổn Hòa do xuất phát từ tên tiếng Pháp là Jean Baptiste Hui Bon Hoa. Tên này vốn được ký âm từ tên thật theo phương ngữ Phúc Kiến (Trung Quốc), cố hương của ông.
Các biệt thự nằm giữa rừng cây gần trung tâm TP HCM hiện không được sử dụng. Ảnh: Quỳnh Trần
Có nhiều giai thoại về con đường trở thành đại gia của Chú Hỏa với xuất phát điểm là người buôn bán ve chai. Tuy nhiên có hai ngành chính làm nên tên tuổi của ông lẫn gia tộc là kinh doanh cầm đồ và bất động sản với Công ty Hui Bon Hoa.
Năm 1901, Chú Hỏa về thăm Trung Quốc và đã đột ngột qua đời khi mới 56 tuổi. Ông được chôn cất tại quê hương. Ba người con trai của ông kế nghiệp, tiếp tục phát triển cơ ngơi của gia đình.
Trong cuốn Sài Gòn năm xưa xuất bản năm 1960, nhà biên khảo Vương Hồng Sển viết "hiện nay, phố xá Sài Gòn một phần lớn là của Công ty Hui Bon Hoa làm chủ". Trong thời kỳ cực thịnh, hầu như con phố nào ở Sài Gòn - Gia Định – Chợ Lớn, gia đình Chú Hỏa đều có tòa nhà, căn hộ cho thuê với con số lên đến hơn 20.000 bất động sản.
Tác giả Vương Hồng Sển nhận xét về gia đình Chú Hỏa "tuy làm giàu cho mình đã đành, nhưng cũng giúp ích rất nhiều cho sự mở mang thịnh vượng kinh tế miền Nam". Gia tộc Hui Bon Hoa hiến đất, xây tặng cho chính quyền, cư dân địa phương nhiều công trình như khách sạn Majestic, Bệnh viện đa khoa Sài Gòn, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, Trường THCS Minh Đức, Phụng Sơn tự (quận 1), Bệnh viện Nguyễn Trãi (quận 5)...
Tên đường Hui Bon Hoa xuất hiện trên báo Diễn Tín ra ngày 21/10/1936. Ảnh: Tư liệu
Để vinh danh gia tộc Chú Hỏa, chính quyền đương thời đã đặt tên cho con đường nối liền Sài Gòn với Chợ Lớn là đại lộ Hui Bon Hoa (Boulevard Hui Bon Hoa, nay là đường Lý Thái Tổ). Năm 1936, tờ báo Diễn Tín, trụ sở 23-25-27 Rue Catinat - Saigon, đăng tin về việc bảng tên đường vừa được đặt và ảnh chụp công nhân mở rộng đường.
Sinh thời, Chú Hỏa ước nguyện có một căn nhà cho toàn bộ con cháu chung sống nhưng chưa được. Để thực hiện di nguyện và tưởng nhớ cha, năm 1929, con cháu ông đã xây dinh thự tại địa chỉ 97 Phó Đức Chính (quận 1) nay là Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM. Đến khoảng năm 1950, hậu duệ Chú Hỏa tiếp tục xây khu biệt thự ở đại lộ Hui Bon Hoa gồm 8 căn riêng biệt.
Trong tiếng Hán 8 là "bát" phát âm gần giống "phát" có nghĩa là phát triển, thịnh vượng, giàu có. Nơi này được dùng là nơi cho người nhà Chú Hỏa nghỉ ngơi sau giờ làm việc, người đương thời thường gọi "dinh Chú Hỏa".
Trái ngược sự nổi tiếng lẫn sầm uất bao quanh dinh thự ở 97 Phó Đức Chính, chỗ ở thứ hai của gia đình Chú Hỏa ở Đại lộ Hui Bon Hoa lại "lặng lẽ" hơn. Thời điểm đó, con đường này thuộc "rìa" trung tâm Sài Gòn, cách chợ Bến Thành (quận 1) hơn 2 km, với ba làn xe, ít người qua lại. Đến năm 1952, khu vực này vẫn chưa có điện, nước máy. Hầu hết nhà dân cất trệt lụp xụp, mái lợp ngói âm dương, tôn, vách tường xây, tôn, ván...
Nhiều năm sau, người dân các nơi đổ về sinh sống, các con đường xung quanh đại lộ Hui Bon Hoa dần nhộn nhịp hơn nhưng cụm 8 biệt thự trong khuôn viên đất hơn 3,7 ha vẫn luôn nổi bật.
Cụm biệt thự được xây dựng theo kiến trúc Pháp, có hướng cách tân theo kiến trúc mái bằng, mặt tiền đá rửa, vốn là vật liệu mới được du nhập về thay cho cách xây tường truyền thống. Khi xây nhà, các kiến trúc sư người Pháp đã có biến tấu cho phù hợp với khí hậu nhiệt đới như mỗi biệt thự đều có mái đón, ban công, sân thượng, hiên, vườn cảnh...
Các biệt thự trong khu đất được xây dựng theo lối kiến trúc nhà riêng lẻ khá tiêu biểu cho một giai đoạn phát triển kiến trúc của Sài Gòn trước năm 1975.
Hình ảnh hiện tại của khu dinh thự so với hình chụp năm 1970. Ảnh: Quỳnh Trần - Tư liệu
Sinh thời, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu từng nhận định khu đất này là một bộ phận nối tiếp một dải mảng xanh và nhà thấp tầng của thành phố từ Thị Nghè (Thảo Cầm Viên) qua đường Lê Duẩn, đến dinh Độc Lập, dọc theo đường Nguyễn Thị Minh Khai sang đường Lý Thái Tổ.
Đây là mảng xanh được quy hoạch nương theo thế thuận của địa lý tự nhiên, có ý nghĩa đặc biệt đối với thành phố về mặt địa lý lịch sử. Người Pháp quy hoạch Sài Gòn muốn thiết kế không gian thành phố mở về hướng đông theo đúng phong tục phương Đông, dải cây xanh cộng với nhà thấp tầng kéo dài liên tục như trên nhằm lấy gió từ hướng biển vào sâu nội ô thành phố để thổi mát cho vùng dân cư giáp ranh Sài Gòn - Chợ Lớn.
Mục đích ban đầu là để người nhà của gia đình Chú Hỏa nghỉ ngơi sau giờ làm nhưng từ năm 1954, 8 biệt thự được dùng là nơi ở của Ủy hội quốc tế kiểm soát đình chiến. Đây là tổ chức quốc tế được thành lập vào năm 1954 theo Hiệp định Geneve để giám sát việc thực thi các điều khoản đình chiến ở Việt Nam, Lào và Campuchia sau khi cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất kết thúc. Thành viên đến từ các quốc gia Ấn Độ, Ba Lan và Canada.
Về đại lộ Hui Bon Hoa, đến năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm đã đổi thành Lý Thái Tổ và đường mang tên này cho đến nay.
Do bị bỏ hoang nhiều năm, hiện các công trình xuống cấp, hư hỏng. Ảnh: Quỳnh Trần
Năm 1975, toàn bộ khu đất được Bộ Ngoại giao tiếp quản. Theo hồ sơ đã có một biệt thự bị hư hỏng nên chỉ còn 7 căn như hiện nay và được đổi tên thành Nhà khách Chính phủ, dùng đón tiếp, phục vụ sinh hoạt và làm việc cho các đoàn khách cấp cao sang thăm và làm việc ở TP HCM.
Năm 1996, từ nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM, UBND thành phố ra thông báo danh sách 108 cảnh quan kiến trúc cần được nghiên cứu bảo tồn, trong đó có cụm biệt thự này.
7 khu biệt thự từng được đưa vào liên doanh, liên kết nhưng đã bị hủy bỏ do không đúng quy định. Năm 2011, Bộ Tài chính đồng ý đem tài sản này ra đấu giá nhưng không thực hiện được và bỏ hoang từ năm 2017 đến nay, các công trình bên trong xuống cấp. Cử tri quận 10 nhiều lần kiến nghị xử lý khu đất "vàng" bằng cách bán đấu giá hoặc xây trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp...
Hiện, chính quyền TP HCM và Bộ ngoại giao thống nhất chuyển giao cụm biệt thự cho thành phố quản lý. Theo Sở Tài chính thành phố, sau khi hoàn tất thủ tục chuyển, chính quyền thành phố sẽ lập kế hoạch chi tiết cho triển khai dự án. Thành phố đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị liên quan để chuẩn bị các bước tiếp theo.
Vị trí nhà khách. Đồ họa: Đăng Hiếu
KTS Khương Văn Mười, nguyên phó chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam, người từng được chính quyền TP HCM, Bộ Ngoại giao mời góp ý cho khu đất, nói rằng việc chuyển đổi công năng 3,7 ha đất cần tính đến nhiều yếu tố. Đầu tiên, quận 10 thiếu cây xanh công cộng, khu đất như mũi tam giác hướng thẳng tới ngã 6 Cộng Hòa, nút giao thông vốn dĩ được xây dựng cho một đô thị ít dân. Tiếp đến, nguyên tắc chuyển đổi mang đến lợi ích tốt hơn cho người dân, bù đắp những gì địa phương còn thiếu. Trường hợp bảo tồn, đơn viên liên quan phải tính được kinh phí và phát huy được hiệu quả.
Theo chuyên gia, tính từ mũi tam giác đi vào hơn nửa khu đất nên để dành làm cây xanh và không gian để phát triển nút giao thông. Phần đất còn lại, tùy vào quy hoạch của thành phố, các tuyến metro trong tương lai, nhu cầu của quận 10 để có phương án phù hợp.
Thừa Thiên - Huế - Từng là Kinh đô dưới triều Nguyễn, sau 100 năm Huế đã "lột xác", thêm nhiều đường lớn, đồng ruộng thay thế bằng nhà cửa, không còn...
Nguồn: [Link nguồn]