7 bệnh nhân chạy thận tử vong: Lỗ hổng cung ứng, bảo trì thiết bị?

"Vụ 7 bệnh nhân chạy thận ở Hòa Bình tử vong, không loại trừ nguyên nhân từ phía máy móc, thiết bị", ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan nói.

Vụ 7 bệnh nhân chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình tử vong có lẽ sẽ là ám ảnh rất lớn với dư luận xã hội, nỗi đau lớn của ngành y.

Thông tin cho biết, một ngày trước khi xảy ra sự cố y khoa nghiêm trọng tại Hòa Bình, công ty Thiên Sơn (địa chỉ tại đường Trung Yên 3, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) - đơn vị cung ứng thiết bị vật tư và bảo hành, bảo trì các thiết bị y tế tại bệnh viện này có bảo trì máy lọc thận.

7 bệnh nhân chạy thận tử vong: Lỗ hổng cung ứng, bảo trì thiết bị? - 1

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan.

Chưa khẳng định nguyên nhân vụ việc nhưng nhiều ĐBQH đã lên tiếng đề nghị rà soát việc cung ứng cũng như bảo trì thiết bị y tế ở các cơ sở trên toàn quốc. PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội.

PV: Thưa Đại biểu, bà đánh giá thế nào về vấn đề kiểm soát cung ứng thiết bị vật tư và bảo hành, bảo trì các thiết bị y tế vào bệnh viện nhất là sau vụ tai biến y khoa tại Hòa Bình?

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Trường hợp ở Hòa Bình chưa xác định được nguyên nhân. Nhưng với bệnh nhân chạy thận nhân tạo, máy hỏng, máy chạy được mà lọc không tốt, trong hóa chất có lẫn cái này cái khác... đều là nguy cơ cho bệnh nhân. Trong y tế, đòi hỏi trang thiết bị có mức độ chính xác. Đôi khi, bản thân các bệnh viện cũng bị lừa. Mua sắm cứ mua nhưng khi thanh tra, vỏ máy từ châu Âu còn ruột máy xuất xứ Trung Quốc. Không loại trừ có thể do tiêu cực bắt tay với nhau.

Qua theo dõi vụ việc ở Hòa Bình, tôi và nhiều người trong ngành dự đoán theo phương án loại trừ. Với 18 người cùng nghi sốc phản vệ, xác suất nguyên nhân do máy rất ít. Vì mỗi người dùng một máy, nếu tất cả máy cùng hỏng một lúc là vô lý. Xác suất do thuốc cũng không cao vì mỗi bệnh nhân một loại thuốc khác nhau.

Bởi vậy, rất có thể do nguồn nước. Đây là điều đáng nghi nhất vì một ngày trước khi xảy ra vụ tai biến y khoa, công ty Thiên Sơn đã tiến hành bảo trì, sửa chữa hệ thống lọc nước tinh khiết liên quan đến các thiết bị lọc.

Tôi chỉ sợ việc này làm ẩu, lẫn lại chất gì đó. Nguyên lý của lọc thận là đưa lượng máu trong người mình qua máy lọc, chất độc giữ lại, sau đó bơm máu sạch trở lại cơ thể. Nếu trong dịch lọc có lẫn chất gì đó thì chẳng khác gì bơm chất độc trực tiếp vào người bệnh nhân.

PV: Với đặc thù ngành y, nếu dùng “đồ rởm” phải đánh đổi bằng cả tính mạng. Được biết, việc mua hóa chất, vật tư y tế tiêu hao, chất chuẩn đi theo máy phải được đấu thầu để đảm bảo chất lượng, nhưng có hiện tượng bệnh viện không tuân thủ, hậu quả là khó lường?

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Thường các trang thiết bị hiện đại sẽ đi kèm với nó là vật tư tiêu hao và hóa chất chính hãng, máy mới đảm bảo độ chính xác. Vấn đề liên doanh, liên kết giữa bệnh viện và công ty bên ngoài để nhập khẩu, vận hành trang thiết bị nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ gây hậu quả khôn lường. Đây cũng là một trong những vấn đề rất đau đầu của ngành y.

Vừa qua, Kiểm toán Nhà nước đã công bố kết quả và cho thấy giá vật tư y tế rất khác nhau. Thực tế, thị trường này rất hỗn loạn. Không loại trừ tiêu cực trong chuyện này. Cần làm sao để mua được máy tốt cho bệnh nhân. Vụ ở Hòa Bình, không loại trừ nguyên nhân từ phía máy móc, dịch lọc.

Ở những ngành khác, nếu dùng đồ rởm có thể thế này thế khác, nhưng ở ngành y, máy móc trang thiết bị không tốt nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng bệnh nhân. Bệnh nhân đó có thể là bất kỳ ai, thậm chí người nhà của chính bác sĩ. Do đó, yêu cầu số 1 là chất lượng máy móc đảm bảo.

PV: Được biết, sở Y tế Hòa Bình từng xử lý sai phạm của Giám đốc bệnh viện này liên quan đến việc liên doanh, liên kết trang thiết bị y tế. Bà có ý kiến gì trước “tiền lệ” này?

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Theo tâm lý, nghi vấn là quyền của mỗi người nhưng tất cả phải chờ cơ quan điều tra. Cần sớm có kết luận chính xác, không làm oan người sống và người chết được an lòng, không để chuyện tương tự xảy ra. Bác sĩ không ai muốn sự cố với bệnh nhân của mình, nhưng nếu sai phải nhận rõ sai lầm chỗ nào để không bao giờ lặp lại. Nếu công ty Thiên Sơn sai thì không chỉ xử lý kinh tế mà còn xử lý hình sự, bởi 7 mạng người là rất nghiêm trọng. Không tiền nào lấy lại được mạng người.

Nếu công ty Thiên Sơn cung ứng vật tư cho những bệnh viện khác sẽ thế nào? Có khi nhiều bệnh viện cũng cuống cuồng vì “một mất mười ngờ”, thậm chí muốn trả lại máy. Ngay cả bộ Y tế cũng đang chịu nhiều sức ép trước vấn đề này. Bác sĩ, bệnh nhân đều hoang mang. Do đó, tôi mong sớm có kết luận điều tra, công khai trước dư luận.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Sự cố chạy thận: Bệnh nhân nguy kịch điều trị 100 triệu đồng/ngày

Chiều 2/6, đoàn bác sĩ do GS.TS Nguyễn Gia Bình - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai đã có mặt tại bệnh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Thu ([Tên nguồn])
Sốc phản vệ tập thể, nhiều người tử vong Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN