Sạt lở khi 600 người đang tìm kiếm nạn nhân mất tích tại Lào Cai
Chiều 11/9, các chiến sĩ Quân khu 2, cảnh sát cơ động và lực lượng địa phương đang tìm kiếm hơn 60 nạn nhân mất tích thì phải hối hả chạy lên khu vực cao, khi kẻng báo động sạt lở dồn dập vang lên.
Sau khi dừng tìm kiếm, Chủ tịch tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường cùng Quân khu 2, công an tỉnh họp rút kinh nghiệm. Ông Trường cho biết, đến nay lực lượng đã tìm thấy 35 thi thể. Số lượng dự báo 95 người chết và mất tích, như vậy còn 60 người còn đang mất tích. Công tác tìm kiếm người mất tích sẽ còn khó khăn và kéo dài.
Chủ tịch tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường tại cuộc họp rút kinh nghiệm công tác tìm kiếm. Video: Hoàng Phương
Ông Trường đánh giá, lực lượng quân đội và công an đã hợp đồng phối hợp tốt trong công tác tìm kiếm người mất tích. Ông đề nghị phải xây dựng một đài quan sát, có hệ thống kẻng 5-6 cái xung quanh để báo động cho lực lượng tìm kiếm nhằm đảm bảo an toàn. "Qua việc lũ về bất ngờ như này thì không được lơ là chủ quan", ông nói.
Lãnh đạo tỉnh Lào Cai cho hay, khu vực này tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Nhiệm vụ của lực lượng tìm kiếm rất quan trọng vì nhân dân nhưng phải đảm bảo an toàn. Quá trình tìm kiếm phải có tổng chỉ huy, không đi đơn lẻ để giữ liên lạc, nếu không khi có tình huống lại chủ quan.
Quá trình tìm kiếm phân ra khu vực, hôm nay tìm kiếm xong thì đến đoạn khác. "Huyện kiên quyết di dời những hộ dân có nguy sạt lở đất, lũ quét; không nên để một người nào ở trong nhà", ông yêu cầu.
Đại tá Đặng Văn Cảnh đồng ý phương án mà lãnh đạo tỉnh Lào Cai đưa ra, đồng thời đề nghị khu vực nghỉ ngơi của cán bộ chiến sĩ cần cách xa thôn Làng Nủ khoảng 2 km, vì khu vực này còn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở.
7h30 ngày mai lực lượng chức năng tiếp tục tìm kiếm nạn nhân.
Gia đình bà Hoàng Thị Sời có người chết do lũ quét, gia đình còn lại 5 người đang thay nhau khiêng quan tài đi chôn.
Bà Hoàng Thị Sời. Ảnh: Ngọc Thành
Năm người thân của của bà Sời thay nhau khiêng quan tài đi chôn. Ảnh: Ngọc Thành
18h hai chiếc xe chở hàng chục chiếc áo quan đưa tới sân nhà văn hóa thôn Làng Nủ. Thời tiết đổ mưa liên tục, lực lượng chức năng rút khỏi hiện trường để đảm bảo an toàn trong quá trình tìm kiếm.
Hai xe tải chở áo quan đến Làng Nủ. Video: Ngọc Thành
Ông Hoàng Quốc Bảo, Bí thư Huyện ủy Bảo Yên, cho biết thôn Làng Nủ chủ yếu là bà con người Tày, sinh sống nhiều đời. Tại đây chưa bao giờ có sạt lở.
Người dân sống ấm no với một cánh đồng lúa trù phú. Một dãy núi giữ rừng nguyên sinh của núi Voi nên rất yên tâm. "Sự việc xảy ra vừa rồi rất đau xót", ông Bảo nói.
Trong ngày đầu tìm kiếm có 300 cán bộ chiến sĩ quân khu 2; 100 cán bộ, chiến sĩ công an tỉnh và hàng trăm người thuộc lực lượng tại chỗ tham gia nhưng gặp nhiều khó khăn.
"Lực lượng đang tìm kiếm nhưng phải rút vì lũ đổ về nhanh. Tại hiện trường trời còn mưa, điện chưa có, nước chưa được khởi thông. Khó khăn nhất là 1,5 triệu tấn bùn đang đang vùi lấp toàn bộ cánh đồng trong khi lượng người còn mất tích khá nhiều", Bí thư Huyện ủy Bảo Yên cho biết.
Lượng bùn đất đổ xuống Làng Nủ quá lớn, khiến công tác tìm kiếm 60 người còn mất tích gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Ngọc Thành
Kẻng báo động dồn dập. Người dân, chỉ huy đứng trên bờ hô hoán. Hàng trăm chiến sĩ cấp tốc rời hiện trường.
Mưa bắt đầu trút xuống, ngày càng to. Các lực lượng rút quân, tạm dừng việc tìm kiếm.
Lực lượng tìm kiếm phải chạy khi lũ về. Video: Hoàng Phương
Các chiến sĩ rời hiện trường. Ảnh: Hoàng Phương
Toàn cảnh khu sạt lở kéo dài hơn 3 km, lắt léo qua nhiều quả núi. Ảnh: Ngọc Thành
Hàng trăm chiến sĩ ngâm mình trong nước tìm kiếm thi thể nạn nhân. Thỉnh thoảng họ lại đưa một phần thi thể, hoặc một xác chết ra ngoài. Ảnh: Ngọc Thành
Lực lượng cứu hộ tìm thấy thêm một thi thể. Vị trí phát hiện nạn nhân cách nơi sạt lở khoảng một km, trong lòng suối.
Hiện, tại lòng suối cách nơi sạt lở gần 2 km, khoảng 40 bộ đội, công an đang tìm kiếm.
Bộ đội, công an đang tìm kiếm người mất tích. Ảnh: Hoàng Phương
Lực lượng chức năng rải người tìm kiếm dọc con suối chảy quanh Làng Nủ, từ vị trí sạt lở tới đầu đường 70 khoảng 7 km.
Con suối ngày thường chỉ rộng khoảng 30 m, là nơi cấp nước cho cánh đồng, nay đã biến dạng. Lòng suối bị mở rộng, đoạn hẹp nhất hơn trăm mét, rộng nhất gần 300 mét. Nước vẫn chảy tràn.
Nhân viên y tế liên tục phun khử trùng mỗi khi lực lượng chức năng đưa thi thể nạn nhân ra ngoài. Ảnh: Ngọc Thành
Rất đông người dân xã Phúc Khánh đang tập trung gần hiện trường theo dõi lực lượng chức năng tìm kiếm các nạn nhân.
Ngồi lặng lẽ một góc, bà Hoàng Thị Khuên tần ngần mở chiếc balo học sinh - di vật sót lại của cháu gái Hoàng Thị Quỳnh Mai, lớp 9. Trong đó còn sách giáo khoa, hộp bút, bà bảo "mang về đốt cho nó". "Hôm trước thấy trời mưa to, lũ lên cao, tôi gọi điện dặn cháu cẩn thận, mưa lớn đừng đi chăn trâu. Nhưng không ngờ...", bà nghẹn giọng.
Bà Hoàng Thị Khuên bên balo đi học của cháu gái. Ảnh: Hoàng Phương
Qua một ngày, bà mất 4 người thân là con gái Hoàng Thị Thu Hương và 3 cháu ngoại; con rể bị thương nặng đang điều trị dưới Lào Cai. Hiện, lực lượng cứu hộ đã tìm kiếm được thi thể chị Hương và một con gái, 2 người còn lại vẫn mất tích.
"Bà ơi, tìm thấy đứa nhỏ dưới này rồi", nghe con trai thông báo, bà Khuên oà khóc.
Người dân chờ thông tin nạn nhân mất tích. Ảnh: Ngọc Thành
Chị Nguyễn Thị Kim, 27 tuổi, cùng con gái 3 tuổi may mắn thoát nạn trong vụ sạt lở, đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Yên. Do bị thương nặng, hai mẹ con chị sắp được chuyển lên Bệnh viện tỉnh Lào Cai.
"Lúc lũ tràn qua tôi bị gãy tay nhưng vẫn tỉnh táo, tìm con khắp nơi nhưng không thấy. Lát sau nghe tiếng gọi 'mẹ ơi cứu con' tôi thấy con chui từ bùn lên, ngồi lên tấm ván. Mẹ con tôi may mắn được người đi qua đó cứu sống", chị kể.
Nạn nhân kể lại giây phút lũ quét tràn qua. Video: Thanh Hằng
Các chiến sĩ Sư đoàn 316 Quân khu 2 mở rộng tìm kiếm nạn nhân ở đoạn suối phía dưới, cách hiện trường sạt lở khoảng 2 km. Khoảng 30 chiến sĩ đang dùng cuốc, xẻng, dao lật từng thân cây bị nước lũ cuốn trôi.
Lẫn trong rác có chiếu, chăn, xe máy... và nhiều vật dụng của người bị nạn.
Nhiều bao thóc thu hoạch từ vụ trước của người dân bị đất bùn cuốn trôi, được đưa lên sườn đồi. Ảnh: Ngọc Thành
Đồ đạc, vật dụng của các nạn nhân. Ảnh: Ngọc Thành
Lực lượng chức năng dự đoán công tác tìm kiếm có thể kéo dài nhiều ngày, bởi lượng đất đá sạt lở quá lớn, san phẳng các ngôi nhà và chảy dài nhiều km.
Quân khu 2 và tỉnh Lào Cai đã thành lập sở chỉ huy tiền phương tại xã Phúc Khánh để chỉ đạo công tác cứu hộ, tìm kiếm nạn nhân mất tích. Trung tướng Phạm Hồng Chương, Tư lệnh Quân khu 2, đã thống nhất phương án tiếp cận hiện trường, mở độc đạo đưa bộ đội, phương tiện vào cứu dân.
Quân khu 2 đã điều động 300 cán bộ, chiến sĩ vào khu vực Phúc Khánh; trong đó 100 chiến sĩ tìm kiếm dọc suối Nủ từ sông Chảy vào; 200 chiến sĩ sẽ vào tìm kiếm trực tiếp tại khu vực sạt lở.
Trung tướng Phạm Hồng Chương, Tư lệnh Quân khu 2, chỉ đạo tại hiện trường. Ảnh: Quân khu 2
Ngoài ra, lực lượng công an, quân đội, dân quân của huyện và tỉnh (khoảng 300 người) cùng tham gia tìm kiếm, dẫn đường và cung cấp thông tin. Quá trình tổ chức tìm kiếm, cứu hộ sẽ do Trung tướng Phạm Hồng Chương và ông Đặng Xuân Phong - Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai trực tiếp chỉ đạo.
Chiều nay, các chiến sĩ Quân khu 2, lực lượng cảnh sát 114 tỉnh Lào Cai đã có mặt tại khu vực sạt lở Làng Nủ, tham gia tìm kiếm những người mất tích. Tuy nhiên, tại đây đang mưa lớn, nên quân đội phải dùng sào tăm đo độ lún của bùn đất, tìm kiếm nạn nhân. Do giao thông bị chia cắt, lực lượng bộ đội phải dùng xẻng bộ binh đào bới bùn đất.
Các chiến sĩ nhận nhiệm vụ, triển khai việc tìm kiếm.
UBND tỉnh Lào Cai cho biết, tính đến 14h đã ghi nhận 30 người chết, 17 người đang điều trị, 46 người an toàn, 65 người mất tích.
Thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên có 37 hộ với 158 nhân khẩu. Trong đó ba người trên 70 tuổi, 18 trẻ dưới 6 tuổi, 14 người dưới 14 tuổi, còn lại 15-69 tuổi.
Các lực lượng đang chia nhau từng khu vực, nỗ lực tìm kiếm nạn nhân; một bộ phận hỗ trợ chôn cất người tử nạn.
Lực lượng cứu nạn tìm kiếm người mất tích. Ảnh: Hải Công
Khoảng 6h hôm qua, đất đá bất ngờ theo dòng lũ tràn từ ngọn núi cách làng chừng 500 m, vùi lấp 37 hộ dân, gần như san phẳng khu dân cư. Lực lượng ứng cứu tại chỗ đưa được 17 người đến bệnh viện cấp cứu.
Do khu vực này nằm xa trung tâm (cách huyện Bảo Yên 40 km, cách thành phố Lào Cai 120 km); giao thông bị chia cắt, hoàn toàn mất thông tin liên lạc, nên đến 14h đội cứu hộ mới tiếp cận được hiện trường. Việc cứu hộ, cứu nạn gặp nhiều khó khăn.
Hiện trường vụ lũ quét tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Hải Công
Quân đội vào hiện trường tìm kiếm nạn nhân. Ảnh: Hải Công
Hiện, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường, và một số cơ quan chức năng trực tiếp chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường.
Lực lượng tìm kiếm nạn nhân bao gồm 300 người của Trung đoàn 98, Sư đoàn 316, Quân khu 2; 80 cảnh sát cơ động của Bộ Tư lệnh cơ động tại Lào Cai, cùng hàng trăm người của huyện và tỉnh.
Có mặt tại hiện trường từ sớm nhưng cả thôn Làng Nủ ở Lào Cai bị cô lập, giao thông chia cắt, mất điện, không sóng điện thoại, Bí thư huyện ủy Bảo Yên đã phải viết thư tay cử cán bộ băng rừng đi báo tin.
Nguồn: [Link nguồn]