6 thay đổi Bộ trưởng, Trưởng ngành trong nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021

Sự kiện: Thời sự

Trong nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ, tính đến nay đã có 6 Bộ và ngành thay đổi nhân sự lãnh đạo trong nhiệm kỳ.

Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV (tháng 7/2016), Quốc hội đã bầu Thủ tướng Chính phủ và phê chuẩn việc bổ nhiệm 26 thành viên Chính phủ (gồm 5 Phó Thủ tướng, trong đó 1 Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, 21 Bộ trưởng, Trưởng ngành).

Do yêu cầu công tác, vào tháng 2/2020, Bộ Chính trị đã điều động ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị (lúc đó đang là Phó Thủ tướng Chính phủ) giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội. Đến tháng 6/2020, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, ông Huệ được Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm chức Phó Thủ tướng.

Sau khi ông Huệ được miễn nhiệm, Thủ tướng Chính phủ không trình nhân sự để Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm thay thế. Công việc của ông Huệ đảm nhiệm khi còn công tác ở Chính phủ được phân cho Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đảm nhiệm.

Chủ tịch Quốc hội tặng hoa và chúc mừng 3 Thành viên Chính phủ được Quốc hội phê chuẩn tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV (ảnh Trung tâm báo chí Quốc hội)

Chủ tịch Quốc hội tặng hoa và chúc mừng 3 Thành viên Chính phủ được Quốc hội phê chuẩn tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV (ảnh Trung tâm báo chí Quốc hội)

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đầu nhiệm kỳ là ông Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII. Do yêu cầu công tác, vào tháng 10/2017, ông Nghĩa được Bộ Chính trị điều động giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020 (nay ông đã nghỉ).

Cũng trong tháng 10/2017, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã phê chuẩn miễn nhiệm ông Trương Quang Nghĩa; sau đó phê chuẩn việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Ông Thể hiện đang giữ chức vụ này, tại Đại hội XIII của Đảng, ông tái cử Ban Chấp hành Trung ương. Trước đó ông giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng.

Tổng Thanh tra Chính phủ đầu nhiệm kỳ là ông Phan Văn Sáu, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII. Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, ông Sáu được Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm chức Tổng Thanh tra Chính phủ, sau đó ông nhận quyết định của Bộ Chính trị để giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng nhiệm kỳ 2015-2020 (nay ông đã nghỉ).

Cũng tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã phê chuẩn việc bổ nhiệm ông Lê Minh Khái giữ chức Tổng Thanh tra Chính phủ. Ông Khái hiện vẫn đang giữ chức vụ này. Tại Đại hội XIII của Đảng, ông Khái đã tái cử Ban Chấp hành Trung ương và được bầu vào Ban Bí thư. Trước khi giữ chức Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Khái giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu.

Vào tháng 10/2018, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã phê chuẩn miễn nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông với ông Trương Minh Tuấn (ông Tuấn bị xử lý hình sự trong vụ án Mobifone mua cổ phần của AVG trái quy định của pháp luật). 

Sau đó, Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Trước đó, ông Hùng giữ chức Chủ tịchTập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel). Tại Đại hội XIII của Đảng, ông Hùng tái cử Ban Chấp hành Trung ương.

Bộ trưởng Bộ Y tế đầu nhiệm kỳ là bà Nguyễn Thị Kim Tiến, sau gần 2 nhiệm kỳ giữ chức vụ này, đến tháng 11/2019, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, bà Tiến được miễn nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Y tế.  Bà được Bộ Chính trị bổ nhiệm giữ chức Trưởng Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.

Sau khi bà Tiến thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được giao phụ trách Bộ Y tế. Đến tháng 7/2020, ông Nguyễn Thanh Long được Thủ tướng giao quyền Bộ trưởng Bộ Y tế.

Đến tháng 11/2020, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Thanh Long được Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế. Tại Đại hội XIII của Đảng, ông Long lần đầu trúng cử Ban Chấp hành Trung ương. 

Cũng tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội cũng tiến hành công tác nhân sự để kiện toàn bộ máy Chính phủ. Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ với ông Chu Ngọc Anh (ông Chu Ngọc Anh chuyển công tác giữ chức Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội) và phê chuẩn miễn nhiệm chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với ông Lê Minh Hưng (ông Hưng được điều động giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng).

Sau đó, Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với bà Nguyễn Thị Hồng và chức Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ với ông Huỳnh Thành Đạt.

Như vậy tính đến nay, trong nhiệm kỳ của Chính phủ đã có 6 sự thay đổi Thành viên Chính phủ. Tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV tới (dự kiến khai mạc 24/3), Quốc hội cũng sẽ tiến hành kiện toàn nhân sự lãnh đạo nhà nước. Tại Đại hội XIII của Đảng, trong số Thành viên Chính phủ có 9 trường hợp không tái cử Ban Chấp hành Trung ương (do quá tuổi).

Theo ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan thuộc Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, chỉ bàn tính đến vị trí nào khuyết lãnh đạo (ý nói những lãnh đạo ở đó không tái cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII) hoặc lãnh đạo tái cử Trung ương nhưng thay đổi vị trí công tác.

Nguồn: [Link nguồn]

Bao nhiêu Bộ trưởng, thành viên Chính phủ sẽ được miễn nhiệm tại kỳ họp Quốc hội tới?

Việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan thuộc Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, chỉ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PVCT ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN