6 người chết vì rượu: Độc vượt gần 3000 lần cho phép
Bà Mai Thị Hồng Hạnh, Phó chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, loại rượu nghi làm chết 6 người ở Quảng Ninh vượt gần 3000 lần mức Methanol cho phép.
Đó là thông tin được bà Mai Thị Hồng Hạnh, Phó chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cung cấp tới báo chí tại cuộc họp giao ban do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 10/12.
Bà Hạnh cho biết, sau vụ ngộ độc rượu khiến nhiều người tử vong, ngày 6/12 Hà Nội thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đến kiểm tra tại công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu 29 Hà Nội.
Tuy nhiên, ngày 6/12 Công ty này đóng cửa, Giám đốc đi vắng, đoàn kiểm tra liên ngành yêu cầu đơn vị cho thuê mặt bằng nhà xưởng bổ sung khóa để tránh tẩu tán hàng hóa có dấu hiệu vi phạm.
Ngày 7/12, Giám đốc công ty này có mặt, đoàn kiểm tra liên ngành quay lại làm việ, lấy mẫu kiểm nghiệm. Kết quả có 6/8 mẫu rượu của công ty 29 Hà Nội chứa hàm lượng Methanol vượt giới hạn cho phép nhiều lần.
Loại rượu các nạn nhân uống gây ngộ độc
Bà Hạnh cho biết, riêng mẫu “rượu nếp 29 Hà Nội” sản xuất ngày 12/10/2013 - được cho là nguyên nhân khiến 6 người tử vong , có hàm lượng Methanol vượt 2.950 lần mức cho phép.
Tại cuộc giao ban, ông Đoàn Hữu Châu, Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường Công an Hà Nội nói: “Về logic tự nhiên, chúng ta nghĩ ngay đến tác nhân rượu nếp 29 là nguyên nhân gây ra chết người. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, chỉ khi nào Tòa tuyên án thì mới thành tội. Hiện tất cả đều chỉ là nghi vấn, đang trong quá trình điều tra. Cơ quan CSĐT CA tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố vụ án để phục vụ quá trình điều tra chứ chưa khởi tố bất cứ cá nhân nào. Kết luận nguyên nhân cái chết của 6 nạn nhân xấu số còn phải chờ quá trình điều tra của CA tỉnh Quảng Ninh sẽ sớm làm rõ”. |
Tại cuộc họp báo, PV đặt câu hỏi với bà Phó chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội về việc “cấp giấy chứng nhận sớm” cho sản phẩm rượu của công ty 29 Hà Nội. Cụ thể, Sở Công thương cấp giấy phép cho công ty này sản xuất ngày 10/1/2010 nhưng trước đó nửa năm, Sở Y tế đã cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm? Như vậy, Sở Y tế chứng nhận tiêu chuẩn cho loại sản phẩm chưa được cấp phép, đang sản xuất lậu?
Tuy nhiên, câu hỏi của PV được bà Hạnh hiểu nhầm thành “Tại sao Sở Y tế cấp giấy chứng nhận tiêu sản phẩm trước khi có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm”.
Bà Hạnh nói rằng, trước khi luật an toàn thực phẩm có hiệu lực ngày 1/7/2011, trong các văn bản quy phạm pháp luật quy định cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm cho các sản phẩm được sản xuất và lưu thông trên thị trường.
“Trước khi có luật, không có yêu cầu việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm sau đó mới cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm”.
Không thỏa mãn với câu trả lời, PV tiếp tục đặt lại câu hỏi. Bà Phó chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội mời một đại diện của Chi cục An toàn Thực phẩm Hà Nội trả lời.
Ông này cho biết, trước năm 2011, việc cấp Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm quy định cấp giấy chứng nhận không có yêu cầu như PV nói.
Cụ thể, hồ sơ yêu cầu: Đăng ký kinh doanh có ngành nghề phù hợp; có xét nghiệm tiêu chí phù hợp với tiêu chuẩn sản phẩm; bản công bố tiêu chuẩn sản phẩm phù hợp với quy định; thu phí và lệ phí. Trên cơ sở đó, Sở Y tế cấp bản chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm.
Trước đó, theo tin từ Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, từ ngày 2 đến 7/12, tại tỉnh này xảy ra nhiều vụ ngộ độc rượu làm 15 người phải nhập viện, trong đó 6 người tử vong. Tất cả các nạn nhân đều sử dụng cùng một loại rượu đóng trong chai nhựa 2 lít màu trắng: Rượu nếp 29 Hà Nội lô sản xuất ngày 12/10/2013 của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu 29 Hà Nội. Loại rượu này đã được lấy mẫu xét nghiệm có chứa hàm lượng Methanol cao gấp gần 2.000 lần so với tiêu chuẩn cho phép. Đây là một loại cồn công nghiệp có độc tính cao, cấm sử dụng trong ăn uống. |