6 lý do người dân chưa hài lòng dịch vụ công trực tuyến
Kết quả khảo sát của đoàn công tác liên ngành do Bộ TT&TT chủ trì cho thấy có sáu nhóm nguyên nhân khiến người dân không hài lòng hoặc gặp lỗi khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Thời gian qua, theo đánh giá của Bộ TT&TT, chất lượng dịch vụ công (DVC) hiện nay đã có những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, đơn vị này cũng khẳng định vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Người dân chưa hài lòng
Trong báo cáo tháng 7 về tình hình chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT cho biết thời gian qua các bộ, ngành, địa phương đã tiếp tục đẩy mạnh cung cấp DVC trực tuyến theo hướng toàn trình. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, tỉ lệ DVC trực tuyến toàn trình trên tổng số dịch vụ đủ điều kiện đã đạt 90,66%.
Theo Bộ TT&TT, một số cổng dịch vụ công còn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Ảnh: VIẾT THỊNH
Trước đó, trong thời gian từ ngày 1 đến 31-3, đoàn công tác liên ngành do Bộ TT&TT chủ trì, thành phần tham gia gồm Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ đã thực hiện khảo sát trực tiếp tại ba bộ, ngành và chín địa phương.
Sắp tới sẽ thực hiện đánh giá và xếp hạng thường xuyên các hệ thống giải quyết thủ tục hành chính cả nước để đáp ứng sự thay đổi liên tục và đa dạng của người sử dụng.
Các bộ, ngành được lựa chọn khảo sát là những bộ, ngành có nhiều DVC trực tuyến liên quan nhiều, trực tiếp đến người dân, khảo sát sâu xuống tận cấp trực tiếp cung cấp DVC trực tuyến, đến các cục, các trung tâm.
Các địa phương được lựa chọn khảo sát đại diện cho cả ba miền, có miền núi, trung du, đồng bằng, địa phương đông dân, địa phương ít dân, khảo sát cả cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; khảo sát ý kiến của cả cán bộ, công chức, viên chức và người dân sử dụng DVC trực tuyến.
Kết quả khảo sát cho thấy có sáu nhóm nguyên nhân khiến người dân chưa hài lòng với DVC trực tuyến.
Tỉ lệ tương ứng của các nhóm nguyên nhân là: 3% là do lỗi thiết bị đầu cuối của người dân; 5% là do lỗi kết nối mạng của người dân; 36% là do lỗi của cổng DVC; 10% là do lỗi khi thanh toán trực tuyến trên cổng DVC; 7% là do lỗi kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước; 25% là do thủ tục hành chính phức tạp, làm trực tiếp dễ và nhanh hơn làm trực tuyến; 14% là do các nguyên nhân khác.
Nâng cao chất lượng trải nghiệm dịch vụ công trực tuyến
Trả lời báo Pháp Luật TP.HCM, đại diện Bộ TT&TT khẳng định một số cổng DVC còn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Những vấn đề được nhìn nhận như giao diện chưa thân thiện, chưa dễ sử dụng; một số thủ tục hành chính (TTHC) còn phức tạp, khó thực hiện trực tuyến; thiếu tính kết nối, đồng bộ giữa các hệ thống thông tin giải quyết TTHC.
“Một số cơ quan, đơn vị còn chưa thực sự chủ động, tích cực trong việc cải cách TTHC, cung cấp DVC trực tuyến. Song song đó là nhận thức của người dân, doanh nghiệp về DVC trực tuyến còn hạn chế” - đại diện Bộ TT&TT cho biết.
Đề cập đến những giải pháp trong thời gian tới để nâng cao trải nghiệm của người dân khi sử dụng DVC trực tuyến, Bộ TT&TT cho biết sẽ đưa ra một số giải pháp để hướng dẫn, quản lý và nhằm nâng cao chất lượng trải nghiệm DVC trực tuyến.
Trong đó sẽ sớm ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định 42/2022/NĐ-CP: Quy định về chức năng, tính năng kỹ thuật cho hệ thống giải quyết TTHC. Thực hiện đánh giá và xếp hạng thường xuyên các hệ thống giải quyết TTHC cả nước, dựa trên các bộ tiêu chí đánh giá kỹ thuật được cập nhật thường xuyên để đáp ứng sự thay đổi liên tục và đa dạng của người sử dụng.
Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng sẽ triển khai triệt để và khai thác hiệu quả hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ chính phủ số nhằm giám sát chủ động, cũng như có những điều chỉnh đôn đốc kịp thời trong quá trình các hệ thống thông tin giải quyết TTHC cung cấp DVC trực tuyến cho người dân.
Nguồn: [Link nguồn]
Bộ Công an đề xuất đấu giá trực tuyến biển số xe ô tô thông qua mạng Internet; đề nghị đưa vào dự thảo nghị định quy định về tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá để...