6 dự án cầu đường đình trệ làm kẹt xe khắp khu Đông TPHCM

Sự kiện: Thời sự
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Vành đai 2, mở rộng quốc lộ 13, nút giao An Phú, nâng cấp đường Lương Định Của, cầu Tăng Long… là loạt dự án cầu đường bị đình trệ khiến kẹt xe bủa vây khu Đông TPHCM.

Dự án mở rộng quốc lộ 13 (đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước, TP Thủ Đức) dài gần 6km, hình thành hơn 20 năm trước theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Dự án chưa triển khai đã bị dừng do luật không cho phép thực hiện dự án BOT trên tuyến đường hiện hữu.

Năm 2023, Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM cho phép thành phố được đầu tư BOT với công trình nâng cấp, mở rộng đường hiện hữu.

Nhờ đó, tháng 9/2023, HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư mở rộng quốc lộ 13 theo hình thức BOT với quy mô mở rộng lên 53-60m, tổng vốn khoảng 13.851 tỷ đồng (giải phóng mặt bằng chiếm khoảng 9.375 tỷ).

Nhiều dự án giao thông ở khu Đông TPHCM bị đình trệ khiến người dân chịu cảnh kẹt xe triền miên. Ảnh: Nguyễn Huế

Nhiều dự án giao thông ở khu Đông TPHCM bị đình trệ khiến người dân chịu cảnh kẹt xe triền miên. Ảnh: Nguyễn Huế

Vành đai 2 TPHCM (từ nút giao cầu Gò Dưa đến đường Phạm Văn Đồng) được khởi công từ năm 2017, dự kiến hoàn thành sau 3 năm với chiều dài 2,75km, vốn đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).

Tuy nhiên, dự án bị đình trệ, tạm dừng thi công từ tháng 3/2020 do gặp khó khăn trong việc đền bù mặt bằng và thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư.

Hồi cuối tháng 1/2024, UBND TPHCM quyết định gia hạn thời gian hoàn thành đến năm 2026. Nhưng đến nay, công trường vẫn chưa có dấu hiệu khởi động lại.

Vành đai 2 TPHCM đoạn từ cầu Gò Dưa đến đường Phạm Văn Đồng thi công dang dở. Ảnh: T.K.

Vành đai 2 TPHCM đoạn từ cầu Gò Dưa đến đường Phạm Văn Đồng thi công dang dở. Ảnh: T.K.

Nút giao Mỹ Thủy là điểm nối quan trọng trên trục Đồng Văn Cống - Võ Chí Công - Nguyễn Thị Định. Đây là cửa ngõ vào cảng Cát Lái có lưu lượng hàng hóa lớn nhất cả nước, nên thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng.

Dự án này có kinh phí hơn 3.600 tỷ đồng, khởi công từ năm 2016 nhằm giảm tải giao thông. Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành các hạng mục lớn như hầm chui, cầu vượt và cầu Kỳ Hà 3. Tuy nhiên, do chưa hoàn tất mặt bằng, nhiều hạng mục còn lại bị đình trệ.

Hồi tháng 4 năm nay, cầu Kỳ Hà 4 đã được khởi công cùng với các nhánh rẽ ở nút giao Mỹ Thủy. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng tiếp tục gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Mới đây, Phó chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường đã chỉ đạo TP Thủ Đức đẩy nhanh tiến độ và bàn giao mặt bằng.

Lãnh đạo TPHCM yêu cầu bàn giao sớm phần mặt bằng liên quan đến mố, trụ cầu vượt Cát Lái và mố cầu Kỳ Hà 4 trước ngày 15/11; bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch trước ngày 31/12.

Toàn cảnh nút giao Mỹ Thuỷ. Ảnh: T.K.

Toàn cảnh nút giao Mỹ Thuỷ. Ảnh: T.K.

Dự án cầu Tăng Long nằm trên đường Lã Xuân Oai được triển khai để thay thế cầu cũ đã xuống cấp. Cầu mới được khởi công từ năm 2017 với mức đầu tư ban đầu 450 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2022, dự án được điều chỉnh tăng tổng vốn lên hơn 688 tỷ đồng và tái khởi công vào tháng 10/2023.

Dự kiến đến tháng 12 tới, cầu Tăng Long sẽ hoàn thành nhánh trái để thông xe và sau đó tiếp tục xây dựng nhánh phải. Đến tháng 12/2025, toàn bộ cầu mới sẽ được hoàn tất.

Dự án nâng cấp mở rộng đường Lương Định Của dài gần 2,5km, được khởi công từ năm 2015 với tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành sau 2 năm.

Đây là trục chính kết nối với dự án nút giao An Phú. Dù vậy, gần 10 năm trôi qua, dự án vẫn đang dang dở do vướng giải phóng mặt bằng.

Nút giao thông An Phú đang triển khai dự án xây hầm chui, cầu vượt, quy mô 3 tầng với mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Huế

Nút giao thông An Phú đang triển khai dự án xây hầm chui, cầu vượt, quy mô 3 tầng với mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Huế

Nút giao An Phú là một trong những dự án trọng điểm nhằm giảm tải cho khu Đông TPHCM, có tổng vốn đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng.  

Tuy nhiên, kế hoạch hoàn thành dự án đã bị lùi lại từ ngày 30/4/2025 đến cuối năm 2025 do vướng mặt bằng. Hiện, tổng khối lượng sau gần 2 năm thi công đạt khoảng 50%.

Mỗi ngày, lượng ô tô lưu thông qua khu vực này ước tính đạt 22.000 xe, trong đó có nhiều xe container, xe bồn, xe ben... đi về cảng Cát Lái và phía cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Nơi đây thường xuyên diễn ra cảnh các phương tiện giao thông nối nhau nhích từng mét vào giờ cao điểm.

Sau nhiều năm chưa thể mở rộng, đường Nguyễn Tất Thành, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Trường Chinh... ngày một quá tải, ùn tắc triền miên trước áp lực xe tăng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuấn Kiệt ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN